Chủ đầu tư BOT xa lộ Hà Nội bít đường để tận thu phí?

Nhiều người dân sống xung quanh khu vực xa lộ Hà Nội cho rằng, việc chủ đầu tư BOT xa lộ Hà Nội đã dùng các khối bê tông bít đường song hành và lối rẽ dưới dạ cầu Rạch Chiếc để buộc các ô tô phải đi qua trạm thu phí nhằm tận thu.

 

Các khối bê tông được đặt dưới dạ cầu rạch chiếc (phía phường Phước Long A) nhằm chặn ô tô lưu thông vào.

Chặn đường, buộc xe ô tô phải đi qua trạm thu phí

Những ngày qua, nhiều người dân sống trong khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (thuộc phường Phước Long A, TP. Thủ Đức, TP.HCM) phải mất tiền và phải chạy xe ô tô đi đường vòng khi chủ đầu tư BOT xa lộ Hà Nội đã dùng các khối bê tông chặn đường song hành và lối rẽ dưới dạ cầu Rạch Chiếc để buộc các phương tiện phải đi qua trạm thu phí.

Ghi nhận của phóng viên, chủ đầu tư đã cho xe cẩu những khối bê tông chặn trên làn đường Song Hành xa lộ Hà Nội và lối rẽ dưới chân cầu Rạch Chiếc. Các phương tiện muốn đi vào trung tâm buộc phải di chuyển vào đường song hành bên trái (đường Nguyễn Văn Bá, phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức) sau đó rẽ phải ra lại xa lộ Hà Nội và qua trạm thu phí.

Theo chị Hải Yến (ngụ phường Phước Long A, TP. Thủ Đức) từ khi chủ đầu tư BOT xa lộ Hà Nội chặn lại lối rẽ vào đường dẫn dưới chân cầu Rạch Chiếc và chuyển hướng người dân đi đường song hành trái để lên cầu Rạch Chiếc thì người đi xe ô tô buộc phải qua trạm thu phí.

“Nếu đi theo lộ trình mới, mỗi tháng phải mất trung bình 810.000 đồng/tháng. Như vậy có bất hợp lý và bất công bằng cho người dân sống gần trạm hay không? trong khi đa số người dân đi làm về phía trung tâm thành phố…”, chị Yến chia sẻ.

Nhân viên hướng dẫn ô tô lưu thông trên đường song hành trái (Nguyễn Văn Bá) hướng ra trạm thu phí.

Chủ đầu tư nói gì?

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nam (Phó Giám đốc điều hành dự án BOT xa lộ Hà Nội) cho rằng, đường dưới cầu Rạch Chiếc là đường tạm trước đây để phục vụ thi công cho dạ cầu Rạch Chiếc và phục vụ cho cư dân Bắc Rạch Chiếc lưu thông qua lại 2 bên giữa Quận 9 và quận Thủ Đức. Do đó, nay chủ đầu tư tiến hành chặn lối đi này lại để đảm bảo an toàn và an ninh trật tự, cũng như tiến thi công đường song hành bên phải theo yêu cầu của Sở GTVT TP.HCM.

“Chúng tôi khẳng định là mục đích ở đây là đảm bảo an toàn giao thông cho khu vực này chứ không tận thu. Tại vì hợp đồng BOT là chúng tôi không khoán thời điểm thu phí, nếu mà doanh thu thu phí tăng thì chúng tôi rút ngắn thời gian thu phí, doanh thu mà thấp thì sẽ kéo dài thời gian thu phí. Đó là trong hợp đồng đã ký với UBND thành phố”, ông Nam khẳng định.

Các dải phân cách bằng bê tông được lắp đặt để chặn đường song hành.

Cũng theo ông Nam, trong quyết định về cho phép thu phí của UBND TP.HCM có chính sách ễn giảm cho các hộ dân có xe ô tô không kinh doanh trên mặt tiền đường song hành xa lộ Hà Nội, còn đối với người dân sống bên trong thì trong quyết định của UBND Thành phố chưa đề cập đến ễn giảm cho các hộ dân này.

“Trong cái quyết định cho phép thu phí của UBND Thành phố thì có chính sách ễn giảm cho các hộ dân trên mặt tiền của đường song hành xa lộ Hà Nội, mà những hộ dân này xe là xe không kinh doanh. Trường hợp bà con nào có xe không kinh doanh thì liên hệ, phối hợp với chủ đầu tư và chính quyền các địa phương để làm các thủ tục để được giảm theo quyết định của UBND Thành phố”, ông Nam thông tin thêm.