Chống xâm hại trẻ em và trách nhiệm của các nhà báo VOV

VOVGT– Sáng 4/5 tại Đài Tiếng nói Việt Nam đã diễn ra buổi thảo luận về “Kinh nghiệm viết báo về đề tài bảo vệ trẻ em và trách nhiệm của các nhà báo VOV”

Trong thời gian qua, vấn đề xâm hại trẻ em đang có diễn biến phức tạp, nghiêm trọng khi ngày càng nhiều số vụ xâm hai xảy ra trên khắp cả nước. Việc đưa tin, viết bài về những vụ việc này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của báo chí, đồng thời cũng là một thách thức rất lớn đối với người cầm bút.

Chính vì vậy, chủ đề “Kinh nghiệm viết báo về đề tài bảo vệ trẻ em và trách nhiệm của các nhà báo VOV” đã được các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và các nhà báo VOV thảo luận, bàn những giải pháp thiết thực nhằm hướng tới tháng “Hành động vì trẻ em” và hoạt động nghiệp vụ của Đài Tiếng nói Việt Nam nhân ngày Nhà báo Việt Nam 21/06.

Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi, đầy nhiệt huyết, trách nhiệm

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng – Tổng biên tập Báo Tiếng nói Việt Nam mở đầu cuộc thảo luận bằng thực trạng đáng báo động: mỗi năm cả nước có đến 1600 - 1800 vụ án xâm hại trẻ em được phát hiện. Trong đó, có đến 1000 vụ xâm hại tình dục, nạn nhân là trẻ em. Một số trang tin, báo mạng đã đưa tin về các vụ xâm hại một cách rất nhanh, phản ánh vụ việc kịp thời. Tuy nhiên, những thông tin về nạn nhân là các em nhỏ, về gia đình lại không được xử lý khéo léo dẫn đến việc các em lại bị xâm hại một lần nữa.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Vũ Thị Thu Hương – Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học – Trường Đại học sư phạm cho rằng người lớn đang ngộ nhận rất nhiều quyền đối với trẻ em. Những hành vi trêu ghẹo, cấu má, ôm hôn thái quá… chính là hành vi xâm hại gián tiếp cần được điều chỉnh. Theo thống kê của tổ chức nhân đạo Quốc tế trong một cuộc khảo sát cho thấy có đến 78,1% trẻ bị xâm hại bằng nhiều cách và dạng thức khác nhau và Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ xâm hại tình dục trẻ em lớn nhất thế giới. Chính vì vậy, vai trò của báo chí là rất lớn trong việc góp phần giảm vấn nạn này.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới Csaga bày tỏ quan điểm: Báo chí đang làm tốt vai trò trong lĩnh vực tuyên truyền chống xâm hại trẻ em. Thế nhưng, nhiều nhà báo viết về vụ việc lại thiếu nhạy cảm về nghề, êu tả nạn nhân, êu tả hành động của kẻ thủ ác khá chi tiết, vô tình làm xoáy sâu vào nỗi đau của gia đình một lần nữa. Việc đưa tin một cách thái quá này cần phải xem xét lại. Bên cạnh đó, bà Vân Anh cũng đánh giá cao sức mạnh của báo chí trong việc vận động chính sách, điển hình là nhiều bài báo, nhiều phóng sự đã tạo nên tiếng vang với những nhà hoạch định chính sách, những nhà làm luật để xem xét những quy định cụ thể đối với “Tội dâm ô trẻ em”.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, bà Nguyễn Thị Lan Minh – nguyên trưởng ban phát thanh Thanh thiếu nhi – Đài Tiếng nói Việt Nam có góc nhìn thẳng thẳn: “Cách thể hiện tác phẩm báo chí đối với việc đưa tin trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em hiện nay rất quan trọng. Nhiều nhà báo chụp che mờ ảnh nạn nhân nhưng lại chụp rất rõ ảnh gia đình, ảnh nơi ở của nạn nhân; viết tắt tên nạn nhân nhưng lại đề rõ trường, lớp nơi trẻ học tập… như vậy rất phản cảm, không chuyên nghiệp”.

Các chuyên gia trong lĩnh vực BVTE đánh giá cao chương trình 1 giờ đường dây nóng có cách thể hiện gần gũi, đi trúng vấn đề

Bà Lan Minh cũng đánh giá cao chương trình “1 giờ đường dây nóng” của Kênh VOV Giao thông Quốc gia phối hợp với Cục trẻ em – Bộ LĐTBXH đã đi đúng hướng, cách đưa tin vụ việc ngắn gọn nhưng có phần lớn thời gian cho khách mời bình luận, phân tích nguyên nhân vụ việc và đề ra giải pháp, góp ý và chính sách đối với mỗi vụ việc. Đặc biệt, là tính tương tác trực tiếp trong chương trình phát thanh và trên mạng xã hội giữa thính giả, người trong cuộc và khách mời là một cách thể hiện gần gũi, khách quan mà tạo được hiệu ứng lan tỏa lớn.

Đại diện kênh VOV Giao thông Quốc gia cũng bày tỏ nỗi trăn trở khi nhận thấy nhiều vấn đề liên quan đến việc đưa tin về trẻ em như: việc khai thác thông tin vụ việc của cơ quan chức năng, của báo chí quá nhiều lần dẫn tới tâm lý của trẻ lại bị tổn thương, cần phải có giải pháp cụ thể để hạn chế điều này; những ưu điểm và nhược điểm khi mời người nhà nạn nhân làm khách mời trong chương trình tọa đàm.

Các nhà báo VOV và các chuyên gia thảo luận nhiều giải pháp chống xâm hại trẻ em

Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà báo VOV cho rằng việc đưa tin, phản ánh vụ việc kịp thời là tôn chỉ mục đích của nhiều tờ báo mạng, để thu hút lượng lớn độc giả, thính giả. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người khi được hỏi về Luật trẻ em, về những quyền cơ bản nhất về trẻ em hay những cơ quan phải chịu trách nhiệm thì không hề hay biết. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền về những quy định cụ thể của Luật trẻ em 2016, về tổng đài Quốc gia 18001567 về bảo vệ trẻ em, về chính sách nên chăng bỏ quy định trẻ phải đối chất tại tòa đối với tội xâm hại trẻ em cần được định hướng đưa tin với tần suất nhiều hơn nữa.

Với việc chia sẻ về nghiệp vụ từ cách quay hình ẩn hình nhân vật trong vụ án xâm hại trẻ em hay việc phỏng vấn, khai thác thông tin nạn nhân sao cho hiệu quả nhất đến việc bàn những vấn đề tuyên truyền góp phần thay đổi chính sách và đặc biệt là tình yêu trẻ của những người cầm bút viết về trẻ em đã tạo ra bầu không khí sôi động, đầy nhiệt huyết, trách nhiệm. Hy vọng, những buổi hoạt động nghiệp vụ đầy ý nghĩa giữa các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và các nhà báo VOV sẽ tạo động lực mạnh mẽ trong cuộc chiến chống xâm hại trẻ em.