Chốn bình yên giữa bão táp phong ba

Không còn tắc đường, không còn hối hả giờ tan tầm, cũng không còn những cuộc liên hoan thâu đêm, COVID-19 đã khiến nhịp sống thay đổi, cách sống thay đổi. Sống chậm lại, người ta nhận ra nhiều hơn những giá trị thân thuộc, không thể thiếu, mà lâu nay mình

Đơn giản như việc dành thời gian bên nhau dưới mái nhà, sau mỗi ngày bận rộn. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Các thành viên gia đình có nhiều thời gian hơn dành cho nhau trong mùa dịch COVID-19. Ảnh nh họa: Báo Ninh Thuận

Vốn là trụ cột kinh tế của gia đình đơn chiếc, anh chị lao động ở nước ngoài, mẹ sống một mình ở quê, bạn Nguyễn Thị Loan, nhân viên kinh doanh khách sạn ở TP.HCM luôn nỗ lực làm việc hết mình, mong một tương lai đỡ nhọc nhằn hơn hiện tại. Hơn 3 năm ở đô thị tấp nập, cô gái trẻ này chưa bao giờ nghĩ phải từ bỏ công việc mình đam mê. Nhưng khi dịch bùng lên, mọi chuyện đã khác:

'Trong khoảng thời gian đó, công ty cũng có cắt giảm ngày công và nhân sự. Lúc đó tôi thấy lương không đáp ứng được khoảng chi phí sinh hoạt của mình nên đã nghỉ không lương một thời gian, sau đó quay lại, nhưng rồi tôi cũng đã quyết định nghỉ việc", bạn Loan chia sẻ.

Giãn cách xã hội-dù không ai mong muốn, nhưng cũng là dịp để thở chậm rãi hơn sau những áp lực thị thành. Loan chọn cách về quê, cùng mẹ chia sẻ cuộc sống thường nhật. Tưởng chừng sẽ bí bách trong căn nhà nhỏ, nhưng trái lại, cô gái trẻ đã tìm lại nhiều điều tưởng chừng quên lãng:

"Lúc về, tôi cũng nhận ra được nhiều điều, có thời gian suy ngẫm lại những gì đã trải qua và mình thấy có thời gian gắn kết mẹ nhiều hơn, lúc đó tình cảm hai mẹ con cũng tốt hơn. Những lúc khó khăn mình chỉ muốn về nhà, được mẹ nấu cho những bữa ăn. Dù là hai mẹ con không chia sẻ được khó khăn cho nhau nhiều nhưng chỉ cần có người thân bên mẹ là được rồi. Tôi mong gia đình tôi được ở gần nhau, mẹ sẽ có nhiều sức khỏe hơn và tôi có thể cân bằng cuộc sống hơn".

Đối với anh Lê Nhất và chị Nguyễn Thị Uyên Thúy ở đất Tây Đô, 14 ngày sống chậm đã giúp gian bếp gia đình “đỏ lửa” thường xuyên, khác hẳn với những bữa tối vội vàng với đa phần đồ ăn mua sẵn. Anh là Giám đốc điều hành một công ty về giáo dục, chị là hiệu trưởng một trường THPT, mỗi người mải mốt theo đuổi những dự định, kế hoạch của riêng mình, mà đôi khi sao nhãng nơi cần sự ươm mầm, giáo dục thường xuyên nhất, cho đến khi COVID xảy ra

Trong những ngày cách ly, anh chị bắt đầu nhìn lại bản thân. Gia đình lại có dịp chia sẻ, trò chuyện với các con, dạy cho hai con học. Có những hoạt động cũng rất vui đó là mẹ vào bếp nấu ăn, làm bánh; hình ảnh này trước đây rất hiếm. Hai bạn có nói là con thích những ngày thế này, được ở nhà không phải đi học, được chơi đùa với bố mẹ. Câu nói đó cũng làm anh chị có chút gì đó mủi lòng vì ngày thường mình lo cho công việc nhiều, đặc biệt mình làm giáo dục thì lại đi lo cho con nhà người ta mà chưa dành nhiều thời gian cho con của mình. Đôi khi mình lại quên cái nhiệm vụ đó. 

Nếu trước kia, một ngày của cô hiệu trưởng Uyên Thúy bắt đầu từ sáng sớm, nhiều khi kết thúc lúc con đã ngủ say, thì sau những ngày giãn cách, chị mới nhận ra, đâu mới là sự đánh đổi đáng giá:

Chị nấu cơm xong thì bạn 6 tuổi mới nói mẹ nấu cơm mệt rồi, mẹ ăn cơm xong thì đi ngủ đi, bố với chị hai rửa chén. Vậy thì mình thấy là bé còn nhỏ những đã ghi nhận được sự vất vả của bố ở đâu, của mẹ ở đâu. Sự nỗ lực của chị cũng là tấm gương cho đứa con gái lớn vì bé lớn hay hỏi chị tại sao mẹ lại được làm hiệu trưởng, và sau khi chị trả lời thì bé đặt mục tiêu sau này lớn lên con cũng sẽ làm hiệu trưởng. Chị nghĩ đâu đó có những đánh đổi và chắc chắn sẽ phải tìm giải pháp. Chắc chắn sau công việc thì ai cũng muốn về nhà, được ngủ một giấc ngon. Khi về nhà được ôm các bé ngủ thì thế giới của chị chỉ có như vậy.

10 năm gắn bó cùng giáo dục, từng tiếp xúc với rất nhiều học trò có hoàn ảnh éo le, gia đình không trọn vẹn, anh Nhất và chị Uyên hiểu hơn ai hết về tầm quan trọng của mái ấm đối với sự hạnh phúc và trưởng thành của mỗi đứa trẻ, sự an yên của mỗi thành viên gia đình:

Dù công việc có bộn bề thế nào mình cũng hãy dành thời gian chăm lo cho tổ ấm. Khi tổ ấm hạnh phúc, các con khỏe mạnh và học tập tốt thì mình có thêm nguồn năng lượng dồi dào để phục vụ cho công việc.

Dẫu ước mơ đã cập bến hay vẫn còn dở dang, dẫu thành công hay thất bại, thì gia đình vẫn luôn là bến đỗ bình yên để bạn tìm về, neo đậu, để chữa lành mọi vết thương, dù có qua bao thăng trầm sóng gió.