Thậm chí, có đề xuất giải pháp nới hầm để tăng diện tích bãi đỗ. Vậy làm sao để giải bài toán về thiếu điểm đỗ xe trong chung cư đang có xu hướng phổ biến?
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Nhiều năm qua, anh Nguyễn Quốc Cường, cư dân chung cư Green Star Phạm Văn Đồng (Hà Nội) luôn loay hoay tìm cách gửi xe ô tô ở bãi đỗ gần chung cư.
Vì mua căn hộ theo dạng sang nhượng nên anh Cường không nằm trong diện ưu tiên có vị trí đỗ xe tại hầm; hệ thống đường nội bộ của chung cư hiện đều được kẽ vẻ biến thành chỗ đỗ xe.
Vì thế, cư dân tại đây rất bức xúc bởi không có đỗ xe trong tòa nhà phải mang xe ra ngoài nhưng đường nội bộ cũng khó di chuyển bởi vướng các xe dừng đỗ:
“Tôi khá hiểu về quy định chỗ đỗ xe ở chung cư, dự án khi xây dựng áp dụng tiêu chuẩn cũ; do vậy, việc thiếu hụt chỗ đỗ xe thì tôi cũng hiểu, nhưng phải có giải pháp để làm sao có chỗ đỗ xe bên ngoài. Đỗ xe bên ngoài đường phải đảm bảo không bị ảnh hưởng đến tham gia giao thông tại khu vực, trả lại lòng đường, vỉa hè cho lưu thông”, anh Cường nói.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều khu chung cư tại Hà Nội hiện nay khi ban quản lý tìm cách “cơi nới” khu vực đường trên mặt đất để tăng thêm diện tích đỗ xe
Tại TP.HCM, nhiều ban quản lý chung cư thừa nhận, diện tích bãi đỗ ôtô chỉ đáp ứng được 20 -30% nhu cầu của cư dân, có những chung cư không xây hầm gửi xe.
Trong khi đa số chung cư đều xảy ra tranh chấp chỗ để xe bởi chủ đầu tư không trao đổi kỹ với khách hàng về phương án cho thuê bãi đỗ xe, không giao đủ số lượng chỗ để xe máy, chủ đầu bán chỗ để xe ô tô giá quá cao dẫn đến tình trạng người dân có nhà ở nhưng không có chỗ để xe.
Anh Hà Tuấn, một cư dân sống tại dự án tại quận 5, TP.HCM bức xúc: “Chúng tôi bỏ ra nhiều tỷ đồng để mua căn hộ và hy vọng vào những tiện ích của chung cư nhưng đến khi về ở mới biết không có chỗ đỗ xe ô tô.
Khi tư vấn bán nhà thì họ hứa hẹn đủ điều nhưng thực tế không như thế. Giờ nhà bán xong rồi họ để cư dân tự lo liệu chỗ đỗ xe”.
Khi người dân bức xúc, căng băng rôn đòi quyền lợi, các chủ đầu tư tại TP.HCM lại có “chiêu” dùng phần diện tích công viên, sân chơi trẻ em, hành lang chung cư... làm bãi đỗ xe cho cư dân.
Theo ông Trần Khánh, Chủ tịch câu lạc bộ Quản lý Tòa nhà Hà Nội, tình trạng thiếu bãi đỗ xe, tầng hầm để xe đang ngày một nhiều khi mà nhu cầu sở hữu các phương tiện giao thông của người dân ngày càng tăng lên.
Nếu không sớm có những giải pháp để giải quyết bài toán thiếu chỗ để xe thì những hệ lụy sẽ còn kéo dài mà người phải gánh chịu trực tiếp là các cư dân, sau đó là mỹ quan đô thị.
“Đa phần các chung cư xây dựng về trước là không có chỗ để xe ô tô, hoặc hầm số lượng có hạn không đáp ứng được nhu cầu. Đối với những tòa nhà không đủ điều kiện phải có phương án khác như bố trí đỗ xe trên sân đường ở những vị trí không ảnh hưởng tới công tác PCCC, phải quy hoạch vị trí đỗ xe đảm bảo an ninh và thông thoáng đi lại”.
Tình trạng tranh chấp chỗ để xe ở chung cư thường là do chủ đầu tư lơ là, thiếu tư vấn kỹ lưỡng cho người mua nhà. Trong khi đó, một phần lỗi của khách hàng là không hỏi kỹ chủ đầu tư về vấn đề này, đến khi xảy ra chuyện thì không có cơ sở nào để đòi quyền lợi.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhận xét, việc “gỡ khó” các tranh chấp giữa người dân, ban quản trị với chủ đầu tư các dự án chung cư hiện còn gặp nhiều khó khăn mà thiệt thòi thường thuộc về người sở hữu căn hộ chung cư: “Vấn đề là những mối quan hệ lỏng lẻo, bất bình đẳng giữa 3 bên, gồm bên mua, bên bán và những người ra quy định thể thức mua bán, quyền lợi các bên, không rõ trách nhiệm cụ thể và những rủi ro.
Bên bán không có tài sản thế chấp đảm bảo khắc phục sai phạm. Bên mua hứng toàn bộ rủi ro, luôn đứng ở đằng lưỡi, không có quy định nào có giá trị khi kết cấu thiếu bình đẳng”.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cũng nhận định, chỗ để xe trong chung cư là nhu cầu thiết yếu của người dân đô thị, nhất là tại các thành phố lớn như TP.Hà Nội và TPHCM.
Hiện, tình trạng tranh chấp chỗ để xe giữa cư dân với chủ đầu tư dự án ngày càng gia tăng mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều biện pháp xử lý.
Do đó, theo ông Nguyễn Thế Điệp, hai bên chủ đầu tư và người dân không thể tự giải quyết mâu thuẫn mà cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương với những giải pháp cụ thể: “Mình đã có những quy định cụ thể rồi nhưng chưa thể giải quyết được mâu thuẫn nên vẫn có tranh chấp. Cho nên bây giờ chính quyền địa phương cần cùng với chủ đầu tư và ban quản trị định nghĩa rõ phần nào của người dân, chính quyền địa phương phải can thiệp để làm sao đưa ra một giải pháp tối ưu. Chúng ta phải mất thời gian và có những thí nghiệm để đưa ra một giải pháp chung nhất”.
Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, để tránh xảy ra tranh chấp như thời gian qua thì chủ đầu tư cần phải nh bạch trong việc mua bán, cần phải đưa điều khoản chỗ để xe vào hợp đồng: “Để tránh những tranh chấp trong tương lai thì chắc chắn chúng ta phải có cơ chế ngay từ đầu để các chủ đầu tư phải cân nhắc.
Chính những người mua nhà phải lựa chọn, đòi hỏi vị trí để xe, có thể chấp nhận mua giá cao hơn khi có chỗ để xe so với những nơi không có. Chủ đầu tư như vậy cũng sẽ điều chỉnh quá trình thiết kế, thi công của mình”.
Để giải quyết vấn đề chỗ đậu xe ô tô trong các chung cư, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần làm tốt vấn đề quy hoạch, tránh quá tải hạ tầng.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cần sớm có chỉ đạo cụ thể các cơ quan có chức năng xây dựng lại quy chuẩn chỗ đỗ xe, tránh tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài giữa chủ đầu tư và cư dân như thời gian qua.
Trên thực tế, các chung cư cao cấp có giá trị rất lớn nhưng giá trị đó chưa bao gồm chi phí dành cho chỗ đỗ xe khiến cư dân bị động trước sự quá tải các hầm gửi xe, dẫn tới tình trạng tranh chấp liên tục xảy ra.
Lời giải cho bài toán thiếu chỗ để xe tại chung cư có thể được giải với việc: “Đã đến lúc đưa chỗ đỗ xe thành tiêu chí mua, bán nhà”
Theo quy định tại Điều 101 Luật Nhà ở 2014, chung cư không có trách nhiệm bố trí chỗ để xe cho người mua nhà tại chung cư trừ trường hợp có thỏa thuận chỗ để xe theo hợp đồng mua bán nhà với chủ sở hữu chung cư này.
Trong khi đó, nhu cầu gửi xe ô tô đang dần trở nên phổ biến với các gia đình, nhất là ở các khu chung cư cao cấp, việc một gia đình có thể có tới 1-2 chiếc ô tô.
Trong khi nhu cầu của cư dân ngày một tăng thì các chung cư lại thiết kế diện tích bãi ôtô eo hẹp bởi chi phí để xây dựng một tầng hầm rất tốn kém, các chủ đầu tư không có động lực thiết kế đủ thậm chí dư chỗ đỗ xe ngay từ đầu nếu không có các quy định bắt buộc.
Điều này suy cho cùng thì người phải trực tiếp gánh chịu hậu quả là các dân cư của chung cư.
Để giải quyết vấn đề nhức nhối này đòi hỏi cả chủ đầu tư và khách hàng mua căn hộ cần rõ ràng ngay từ đầu về giá trị của chỗ đỗ xe tại chung cư.
Chủ đầu tư cần nói rõ cho khách hàng phần nào thuộc về khách hàng, phần nào thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư và chưa cộng vào giá bán căn hộ.
Sau đó, chủ đầu cư cần công khai luôn mức giá bán chỗ đậu xe ô tô ngay trong hợp đồng mua bán. Luật quy định phần diện tích chỗ đậu xe ô tô là của riêng chủ đầu tư nhưng giá bán phải có sự thỏa thuận với khách hàng trước lúc họ mua nhà.
Mức giá phải hợp lý và được khách hàng chấp nhận. Điều này cũng sẽ tránh xảy ra tranh chấp về sau.
Bên cạnh đó cơ quan quản lý cần nhanh chóng xem lại các quy định liên quan về diện tích chỗ đỗ xe, xác định đúng và đủ nhu cầu sở hữu xe tô của người dân để đưa ra các quy định cụ thể về diện tích tối thiểu bố trí để chỗ đỗ xe cho cư dân.
Từ đó bắt buộc các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho cư dân sau khi công trình đưa vào sử dụng.
Đối với các khu chung cư cũ do xây dựng đã lâu nên phương án đưa ra là giữ nguyên diện tích các bãi đỗ xe đã có, nghiêm cấm việc điều chỉnh quy hoạch, dự án, thiết kế làm giảm diện tích chỗ để xe, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.
Về phía người dân, khi mua bất kỳ dự án chung cư nào, cũng cần tìm hiểu kỹ về số lượng, vị trí, giá thành gửi xe của chung cư đó, bởi đã đến lúc đưa chỗ đỗ xe thành tiêu chí quan trọng khi mua nhà.