Khuôn viên của trường THCS Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) luôn rực rỡ bởi những khóm hoa hồng, hoa mười giờ đua nhau khoe sắc và một vườn rau sạch xanh mướt. Điểm đặc biệt, toàn bộ vườn rau và các cây xanh của trường đều được bón bằng phân hữu cơ do chính giáo viên, học sinh thực hiện.
Tháng 9 - tháng 11/2021, dù đang trong giai đoạn giãn cách xã hội, các thầy cô trong trường đã tập huấn và hướng dẫn phụ huynh, học sinh thực hiện phân loại rác tại nguồn và ủ phân hữu cơ tại nhà trực tuyến.
Thông qua yêu cầu báo cáo kết quả bằng hình ảnh và những cuộc thi hàng tuần, toàn bộ học sinh trong trường đã thuần thực thực hiện phân loại rác tại nguồn và ủ phân hữu cơ ở nhà. Thói quen đó vẫn được tiếp tục khi các em quay trở lại trường học.
Phân hữu cơ sau đó được sử dụng để tưới rau, cây xanh được trồng trong lớp học, hành lang.
Cô Nguyễn Thị Huế, Giáo viên Tổng phụ trách của trường THCS Dục Tú chia sẻ về cách thức rèn luyện học sinh về bảo vệ môi trường: "Thứ nhất rèn ý thức học sinh. Các con phải nhận thức được việc phân hủy rác có lợi ích như thế nào. Khi mà phân hủy rác hướng dẫn các con sử dụng vào mục đích gì và đưa kết quả đó, các con. Khi không cho các con kỹ năng phân loại rác và thực hành trồng cây, tưới phân hàng ngày, các con sẽ không biết kết quả như thế nào".
Nằm ở ngay quận trung tâm, trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm Hà Nội tập trung vào hoạt động giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức cho học sinh về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Năm 2020, trường đã thành lập Câu lạc bộ Sao Xanh với sự tham gia của 40 học sinh các khối.
Năm 2021, khi chính thức tham gia mạng lưới trường học Xanh của thành phố Hà Nội, nhà trường đã phát động cuộc thi thiết kế sản phẩm, tuyên truyền sáng tạo, thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh. 22/55 chi đội đạt thành tích xuất sắc.
Cô Nguyễn Cẩm Thanh, Phó Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sĩ Liên cho biết: "Học sinh khối 6, 7 làm chủ đề bảo vệ nguồn nước. Học sinh khối 8,9 thực hiện chủ đề năng lượng. Các sản phẩm đa dạng về nội dung, ấn tượng về hình thức như poster, pano do chính các em tự thiết kế; hoặc những clip tự lên kịch bản, quay phim biên tập đã giúp fanpage của mỗi chi đội trở thành trang truyền thông về bảo vệ môi trường rất ý nghĩa. Việc bảo vệ môi trường cũng được các thầy cô lồng ghép vào các tiết học như sinh học, công nghệ, ngữ văn".
Theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường, chương trình “Xây dựng trường học xanh- Vì một Hà Nội xanh” giai đoạn 2021-2022 được triển khai tại 69 trường học thuộc 4 quận huyện (do Phòng Tài Nguyên và Môi trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện phối hợp với Trung tâm sống, học tập vì môi trường và cộng đồng Live & Learn hỗ trợ, giám sát) đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Tiếp nối những kết quả của chương trình thí điểm, thành phố Hà Nội đã quyết định chính thức nhân rộng mô hình trường học xanh trên toàn địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025. Theo Kế hoạch 3520 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Hà Nội sẽ áp dụng bộ tiêu chí trường học xanh nhằm đánh giá chất lượng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, khuyến khích các trường xây dựng các giải pháp về bảo vệ môi trường..