Cao tốc Cam Lộ - La Sơn mãn tải, sẽ phải phân luồng sang QL 1

Dù mới đưa vào khai thác hơn 1 năm, nhưng lượng xe lưu thông trên cao tốc Cam Lộ- La Sơn đang gần đến mức mãn tải, trong đó xe tải từ 4 trục trở lên chiếm 45%. Trong khi xe trên QL 1 vẫn còn dư địa khá lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo TT ATGT và an toàn chất lượng công trình, cần tính đến phương án phân luồng xe khách trên 30 chỗ và xe tải từ 6 trục trở lên trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn sang Quốc lộ (QL) 1 để giảm lưu lượng khoảng 3.500 xe quy đổi/ngày đêm. Các doanh nghiệp phản ứng trước khả năng này ra sao?

 

Nhiều xe tải, xe khách lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh:Vnexpress

Là doanh nghiệp vận tải hành khách trên hành trình Thanh Hóa – TP. HCM, anh Bùi Văn Viết, nhà xe Minh Quý (Thanh Hóa) khá bất an khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn liên tiếp xảy ra TNGT. Bản thân tài xế cũng từng đề xuất quay trở lại chạy QL 1, nên anh Viết không bất ngờ khi cơ quan chức năng tính đến việc phân luồng, điều tiết xe khách trên 30 chỗ từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn sang QL 1:

"Tôi cũng đồng ý với việc phân loại, bởi vì nếu nguy hiểm như thế bọn tôi cũng không chạy, đặc biệt là trời mưa. Bọn tôi là xe khách, nó nguy hiểm lắm cho nên bọn tôi cũng không thích chạy ở kiểu như thế. Bửi vì tốc độ cao tốc nhưng đường thì bé. Về cơ bản, chúng tôi không thích chạy cao tốc Cam Lộ - La Sơn ấy, tôi lại đi đường cũ", anh Viết cho biết.

Tuy vậy, một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa, nhất là vận tải container thì cho rằng, nếu phân luồng phương tiện xe tải nặng, xe đầu kéo sang Quốc lộ 1 sẽ lãng phí và không công bằng. Bởi việc lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn không phải trả phí đường bộ, tốc độ lưu thông nhanh hơn, tiết kiệm hơn cho doanh nghiệp so với việc lưu thông trên QL 1.

Ông Đinh Hải Tuấn, Giám đốc Cty vận tải F.D.T (Đà Nẵng) phân tích: "Xe đầu kéo lưu thông trên Quốc lộ thì mức phí là cao nhất nên đa phần xe đầu kéo họ chuyển lên đi trên tuyến này để đỡ phải nộp phí đường bộ, nên làm như thế sẽ tăng chi phí cho doanh nghiệp vận tải vì hiện tại xe chưa thu phí. Nếu đưa xe ra đó thì buộc doanh nghiệp phải tăng chi phí lên lại, cộng thêm gia tăng thời gian lưu thông trên Quốc lộ. Như thế sẽ không công bằng giữa các doanh nghiệp vận tải".

Giải thích lý do phải phân luồng bớt phương tiện từ cao tốc Cam Lộ- La Sơn sang Quốc lộ 1, tại cuộc họp giữa Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan chuyên môn diễn ra sáng 27/3, ông Nguyễn Hồng Trung, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn Trường Sơn cho biết, dù mới đưa vào khai thác hơn một năm, song qua kết quả đếm xe trong các ngày 15, 16, 17/3 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn cho thấy bình quân lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến đạt 9.959 xe quy đổi/ngày đêm, trong khi công suất thiết kế tuyến này chỉ đạt 9.200-11 nghìn xe/ngày đêm.

Trong khi đó, tại Quốc lộ 1, song song với cao tốc, dư địa còn khoảng 6 nghìn xe quy chuẩn/ngày đêm. Bởi vậy, ông Nguyễn Hồng Trung đề xuất phân luồng bớt khoảng 3-4 nghìn xe từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn sang QL 1, và lựa chọn xe khách trên 30 chỗ và xe tải nặng từ 6 trục trở lên là phù hợp:

"Với phương án xe khách trên 30 chỗ và đầu kéo trên 6 trục thì chia sẻ xuống Quốc lộ 1 khoảng 3.477 PCU/ngày đêm, còn với phương án chỉ cấm xe tải trên 6 trục thì chia sẻ xuống Quốc lộ 1 khoảng 3.003 PCU/ngày đêm. Tư vấn kiến nghị sẽ phân lưu xe tải trên 6 trục và xe khách trên 30 chỗ không đi vào cao tốc Cam Lộ- La Sơn".

Phương tiện lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cũng đồng tình với phương án cấm xe khách trên 30 chỗ và xe đầu kéo, xe tải nặng từ 6 trục trở lên lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, bởi kết quả của đơn vị tư vấn cũng trùng kết quả đếm xe, nên đồng ý phương án phân luồng sang quốc lộ 1:

"Một bên là cao tốc Cam Lộ- La Sơn đã mãn tải, một trong những nguyên nhân là do chúng ta chưa thu phí đối với đường này. Đã mãn tải rồi thì chúng ta cần sự điều tiết giữa các loại xe để đi về Quốc lộ 1, trong đó đường 1 chưa mãn tải. Đó là lý do chúng ta cần có sự điều tiết", ông Cường nói.

Dù tán thành đề xuất phân luồng bớt phương tiện từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn sang QL 1, song ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ tác động của phương án này, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đi dưới tốc độ tối thiểu để đảm bảo khả năng thông hành toàn tuyến, tránh sự ức chế không cần thiết cho các tài xế đi sau:

"Để các xe tải đi lên không cản trở, và cũng hạn chế bớt xe tải nặng lên thì tôi đề nghị thực hiện đúng tinh thần quản lý, khai thác trên đường cao tốc, đó là những anh nào chạy dưới tốc độ tối thiểu phải bị xử lý", ông Quyền cho biết.

Trước các ý kiến vừa nêu, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam vẫn yêu cầu các đơn vị cho ý kiến lần cuối về vấn đề này, từ đó Cục Đường bộ sẽ báo cáo Bộ GTVT để quyết định việc điều tiết lại giao thông trên tuyến đường này. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cũng giao đơn vị tư vấn, Khu Quản lý Đường bộ 2 rà soát lại các số liệu đảm bảo độ chính xác, tính toán phương án phân luồng để tổ chức cắm biển phù hợp./.