Cảnh báo tình trạng nhái, giả phụ tùng xe máy

Theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT Nguyễn Đức Lê, tình trạng sản xuất, kinh doanh phụ tùng xe máy giả, nhái không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp mà còn gây nguy hiểm cho người tiêu dùng khi tham gia giao thông.

Sáng 11/10, Tổng cục QLTT đã mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Nhận diện nhãn hiệu được bảo hộ” tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Tại Phòng trưng bày, bên cạnh các sản phẩm thuộc các lĩnh vực như hóa - mỹ phẩm; thực phẩm chức năng; thời trang; giày dép… có không ít sản phẩm phụ tùng ô tô, xe máy của các nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường Việt Nam như Honda, Yamaha, Piaggio… cũng được trưng bày, để khách tham quan có thể tiếp cận các thông tin chính hãng về cách phân biệt, nhận diện sản phẩm.

Theo Tổng cục QLTT, những năm qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan tới phụ tùng sản phẩm xe máy, như phanh xe máy, dây ga, dầu nhớt… Tuy nhiên, tình trạng làm giả, nhái thương hiệu phụ tùng ô tô, xe máy thời gian qua vẫn khá phức tạp. Hình thức làm giả không chỉ đơn thuần là sao chép, bắt chước kiểu dáng mẫu mã mà còn có hiện tượng mua vỏ, hộp chính hãng đã qua sử dụng để chứa đựng sản phẩm giả, nhái, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến kinh tế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT cảnh báo: “Theo thống kê, hàng năm có hàng triệu phụ tùng xe máy được bán ra để thay thế các phụ tùng bị hao mòn trong quá trình sử dụng. Nếu người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái thì độ bền không cao, thậm chí là nguy hiểm trong quá trình vận hành. Đồng thời khiến môi trường kinh doanh liên quan tới xe máy ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.”

Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Định - Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ - Công ty HONDA Việt Nam, hàng năm, HONDA Việt Nam đều phối hợp với cục QLTT các địa phương, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Ước tính, số lượng phụ tùng giả được thu giữ hàng năm lên tới hàng trăm nghìn phụ tùng, tập trung vào nhóm tính năng an toàn như: Má phanh, dây phanh, đĩa phanh,…

“Hiện hàng giả phụ tùng Honda cũng tương đối phổ biến, gây giảm tuổi thọ của xe và an toàn của người tiêu dùng. Trước đây trong quá trình làm việc với lực lượng quản lý thì trường thì phát hiện hàng giả chủ yếu tập trung ở các cửa hàng, tiệm sửa xe. Trong khi người tiêu dùng lại có thói quen tự đưa xe tới những cửa hàng này, nếu thợ sửa xe chủ động thay mà người tiêu dùng không để ý thì rất khó phát hiện”, ông Định cho biết.

Cũng theo đại diện của Honda Việt Nam, nhằm giúp người tiêu dùng tránh mua phải các sản phẩm phụ tùng xe giả nhái thương hiệu của hãng, hiện Honda Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận diện, tuyên truyền như bộ 11 yếu tố nhận diện về tem phụ tùng Honda, giấy chứng nhận chất lượng do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp, phần mềm ứng dụng MyHonda+…

Đặc biệt, trong thời gian từ 11/10 - 17/10/2023, người tiêu dùng có thể tới tham quan ễn phí Phòng trưng bày của Tổng cục QLTT tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội để được nhân viên hãng giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin nhận diện các sản phẩm phụ tùng xe máy chính hãng, qua đó nâng cao kỹ năng, kiến thức trong việc lựa chọn sản phẩm, bảo vệ quyền lợi bản thân và gia đình./.