Căng thẳng Biển Đỏ, doanh nghiệp Việt gặp khó (Phần 2)

Bài trước, VOV Giao thông đã ghi nhận những khó khăn của các doanh nghiệp trước thực trạng căng thẳng Biển Đỏ khiến chi phí vận tải tăng. Trước bối cảnh này, các doanh nghiệp cần làm gì để giảm thiểu rủi ro?

Thời gian tới không chỉ những tuyến vận tải đi qua khu vực Biển Đỏ tăng phí, mà có thể các tuyến khác cũng sẽ tăng theo, trong khi doanh nghiệp đã đuối sức là nhận định của ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam:

"Cước phí vận tải ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp chế biến gỗ. Nó làm cho chi phí tăng lên, mà giờ chi phí tăng lên nữa thì các doanh nghiệp đang mỏng, yếu thì sẽ sụp ngay. Vì cuối năm 2023, khó khăn của doanh nghiệp đã tới giới hạn đỏ, giờ đang vượt qua giới hạn đỏ và tình hình tiếp tục đà này thì doanh nghiệp không gượng được nữa".

Trong bối cảnh giá cước vận tải ngày càng leo thang, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, đồng thời tích cực trao đổi với đối tác để linh hoạt thời gian giao hàng, nhận hàng:

"Các doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung trong khu vực để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng; cũng như tìm hiểu về phương thức vận chuyển qua tuyến đường khác như là đường bộ, đường không để có lựa chọn, cách kết hợp khác nhau về phương thức giao hàng.

Thời gian tới không chỉ những tuyến vận tải đi qua khu vực Biển Đỏ tăng phí, mà có thể các tuyến khác cũng sẽ tăng theo, trong khi doanh nghiệp đã đuối sức (Ảnh: Công Thương)

Về lâu dài, các doanh nghiệp khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, ễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Việc mua bảo hiểm đầy đủ tôi cho rằng là cần thiết, để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố".

Hiện tại, xung đột ở khu vực Biển Đỏ đang làm gián đoạn tiến trình giao hàng của 2 bên dẫn tới phát sinh nhiều chi phí. Doanh nghiệp đang rất lúng túng, chưa tìm được phương án thay thế và hoàn toàn rơi vào thế bị động trong tình cảnh này.

Trong bối cảnh xung đột tại Biển Đỏ đang diễn ra hiện nay, Chuyên gia về thương mại quốc tế, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng cho rằng:

"Các doanh nghiệp cần bám sát và thường xuyên cập nhật tình hình, chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc. Song song đó, các cấp, ngành và hiệp hội các doanh nghiệp cùng phải phối hợp chặt chẽ để thông tin và thống kê những trường hợp vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời báo cáo và có phương hướng hỗ trợ, can thiệp kịp thời".

Đồng quan điểm, Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam đề xuất, các Hiệp hội ngành hàng cần theo dõi để chủ động lên phương án ứng phó:

"Các giải pháp thay thế như nâng cao hiệu qủa quản lý của chuỗi cung ứng, hay tìm ra, hỗ trợ các doanh nghiệp, thay đổi một số phương thức thay thế như vận tải đường sắt, vận tải đường hàng không, kết hợp đa phương thức, thay đổi những lộ trình".

Ảnh: Công Thương

Còn theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần chủ động những phương án dự phòng, sự chuẩn bị để thích ứng tốt nhất trong điều kiện khó khăn như vậy:

"Khuyến cáo các doanh nghiệp của ta lựa chọn những phương thức thay thế, tất nhiên chỉ là một phần. Ví dụ như giải pháp vận chuyển bằng đường sắt liên vận giữa châu Á và châu Âu hoặc là phương thức về đường hành không - thì cũng có thể xem xét trong một phạm vi giới hạn đối với nhóm hàng có thể chịu đựng được chi phí vận chuyển hàng không. Nhưng quan trọng nhất, đó là sự chủ động của chúng ta trong việc đàm phán cũng như có phương án thích hợp để khi có sự cố xảy ra, khi có biến động xảy ra thì chúng ta có thể giảm thiểu thiệt hại và rủi ro".

Lo ngại trước cước vận tải biển tăng vọt, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Cục Hàng hải khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi Châu Mỹ, Châu Âu để kêu gọi các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu...