Cần một cách tiếp cận mới về môi trường giáo dục

Bạo lực học đường là một câu chuyện muôn thủa ở mọi quốc gia. Nhưng khi những đứa trẻ, nạn nhân của bạo lực học đường phải tự tử vì cô đơn, vì không tìm thấy sự đồng cảm từ gia đình, thầy cô, thì đã đến lúc cần tìm đến một cách tiếp cận mới về môi trường giáo dục.

 

Có thể nói, vụ việc một cháu học sinh lớp 10 trường PTTH chuyên Đại học Vinh tự tử vừa qua là một việc rất đáng tiếc. Đáng tiếc là bởi vì, nếu có kỹ năng tốt hơn, nếu coi việc phòng chống bạo lực học đường, phòng chống bắt nạt trong học đường được làm tốt và thực chất, thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc.

Tôi muốn nói về một số điểm sau. Thứ nhất, cháu học sinh đó vốn không có vấn đề gì về hòa nhập, kể cả việc học hành lẫn quan hệ bạn bè, cho đến khi bị một nhóm bạn tẩy chay và làm cháu mất hứng thú đến trường.

Thành tích học tập của cháu trong học kỳ I cho thấy cháu vẫn nỗ lực học tập. Đồng thời, bản thân cháu học sinh đó đã gặp cô giáo, đã gặp thầy hiệu trưởng để xin chuyển lớp. Điều này cho thấy cháu không phải là người quá thụ động.

Cháu cũng đã từng yêu cầu bố mẹ đến gặp Ban giám hiệu để xin chuyển lớp nhưng cũng không được. Tức là cháu đã làm tất cả những thứ có thể làm được, để thay đổi tình trạng. Cuối cùng khi mà tự cảm thấy bế tắc, thì cháu đã chọn một giải pháp rất tiêu cực, đó là tự tử.

Đây là một cái chết hoàn toàn đáng tiếc của một người trẻ tuổi, xuất phát từ các trường học (trong trường hợp cụ thể này là trường PTTH chuyên Đại học Vinh) đã không có bất kỳ một kế hoạch, một phương án hoặc giải pháp nào cho những trường hợp bắt nạt trong học đường như vậy.

Ảnh nh họa

Trong phần trả lời phỏng vấn của Hiệu trưởng và của Ban giám hiệu nhà trường, tôi để ý thấy có một chi tiết nói rằng, ở trong trường không có vấn đề gì cả. Nhưng thực tế, câu chuyện bắt nạt, bạo lực học đường không chỉ diễn ra khi đã có các cuộc đánh nhau, nó cũng không chỉ diễn ra ở trong khuôn viên nhà trường. Và học sinh đến trường, không chỉ để học các kiến thức, mà học cả cách ứng xử đối với xã hội.

Cũng phải nói rằng, không có một môi trường giáo dục nào, kể cả những môi trường giáo dục được coi là tốt nhất, lại có thể loại bỏ được hoàn toàn bạo lực học đường và bắt nạt trong học đường.

Tuy nhiên, cần phải có những phương án khác nhau và trường học cần luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với tình trạng như vậy.

Người Hiệu trưởng kia, trong trường hợp cháu học sinh lớp 10 xin chuyển trường, đã viện dẫn vào các quy định là chỉ có lớp trình độ 1, 2, 3 hay a, b, c nào đó, để không thể chuyển lớp được. Thì kể cả trong trường hợp như vậy, lẽ ra ông ta phải có một cuộc nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm, với học sinh đó, với những người bạn khác, để thay đổi tình trạng. Hoặc nếu khi thấy việc đó không thể thay đổi được, phải có một giải pháp khác.

Bởi rõ ràng, đời sống tinh thần của học sinh, đặc biệt là trong độ tuổi mới lớn 13-14 đến 17-18 là rất nhạy cảm và có rất nhiều diễn biến khó lường, nhanh chóng. Diễn biến tâm lý, diễn biến về mặt suy nghĩ, quyết định của độ tuổi đó nó xảy ra nhanh một cách bất ngờ, khó tưởng tượng được. Như trong trường hợp này là không có thời gian để sửa sai.

Câu chuyện của trường PTTH chuyên Đại học Vinh nó đáng tiếc hơn nữa, bởi nó xảy ra trong một trung tâm về sư phạm nổi tiếng của ền Trung –  Đại học Vinh (trước đây là Đại học Sư phạm Vinh). Ở đó còn là nơi nổi tiếng với nhiều thế hệ nhiều thể giáo viên, nhiều thế hệ sư phạm.

Tôi nghĩ, vụ việc này nên được coi như một trường hợp điển hình, góp phần làm thay đổi cách ứng xử, thay đổi các phương án giải quyết trong những trường hợp tương tự của các học sinh, để không phải chỉ dừng lại ở phòng chống việc bắt nạt, phòng chống nạn bạo lực học đường, mà cần phải thay đổi cả cách hỗ trợ tâm lý cho học sinh ở độ tuổi nhạy cảm, độ tuổi mới lớn là rất quan trọng, nó cũng là một phần không thể thiếu của tâm lý giáo dục.

Có lẽ, Bộ GD&ĐT, Đại học Vinh, là trường PTTH chuyên Đại học Vinh sẽ cần có một cách tiếp cận bài bản hơn, nghiêm túc hơn, đối với vụ việc này, để không chỉ tránh những trường hợp tương tương tự tại chính môi trường. Mà đây cũng là bài học cho nhiều trường phổ thông khác, đặc biệt là các trường phổ thông trung học, nơi mà các học sinh trong độ tuổi mới lớn đang theo học./.