Ngang nhiên môi giới, tư vấn đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo mà không cần giấy phép, cần lấp khoảng trống pháp lý thế nào?
Với công việc kinh doanh, phải công khai số điện thoại, anh Lê Hoàng Việt, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội gần như ngày nào cũng nhận được cuộc gọi mời chơi chứng khoán, tiền ảo:
"Họ mời gọi đầu tư là: em có hội nhóm, em có phương pháp, em có sàn này uy tín lắm,… Em thấy có rất nhiều chương trình cảnh báo lừa đảo nhưng không hiểu sao dân mình vẫn bị lừa. Người dân cứ thấy hình ảnh giàu có của mấy thanh niên lừa đảo, mò vào xem, tìm hiểu và dần dần bị cuốn theo video của các thành phần lừa đảo đấy".
Lừa đảo đầu tư đã được Cục An toàn thông tin đánh giá là 1 trong 6 “điểm nóng” về lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng. Theo thống kê trong năm 2024, Việt Nam có hơn 40.100 vụ lừa đảo tài chính, đứng thứ 3 tại Đông Nam Á chỉ sau Thái Lan và Indonesia. Cứ 220 người dùng internet thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo tài chính, tương đương 0,45%. Những con số này khiến người dân cảm thấy lo lắng:
"Mình rất e ngại, nên khuyến cáo người dân thường xuyên hơn để người dân nắm bắt được tình hình".
"Bây giờ mình đã có quy định xác nh thông tin qua số điện thoại, cái đấy phải làm chặt chẽ hơn. Chị thấy bây giờ người dân tự đối phó là chính".
"Công an mà làm quyết liệt thì sẽ răn đe được những đối tượng lừa đảo không lộng hành như bây giờ".
"Ý thức của người dân mình phải tự nâng cao để phòng tránh là chính, còn các cơ quan chức năng xử phạt, bắt giữ thì cũng khó lòng giải quyết tận gốc được".
Theo Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh, do thiếu cơ sở pháp lý với hoạt động tư vấn, môi giới đầu tư chứng khoán mang danh nghĩa quốc tế, không có quy định quản lý với tài sản số, tiền ảo nên hoạt động này diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát. Các công ty lừa đảo không đăng ký hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán hay tài chính, nhưng vẫn tuyển dụng nhân viên để giao dịch ngoại hối và chứng khoán.
Bên cạnh đó, việc dễ dàng chuyển tiền trực tuyến từ pháp nhân, chưa yêu cầu người đại diện pháp nhân phải đăng ký xác thực khuôn mặt cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng dùng “công ty ma” để chuyển tiền lừa đảo. Tổng giá trị tang vật hơn 5.200 tỷ đồng trong vụ án Phó Đức Nam khiến dư luận đặt câu hỏi về công tác kiểm soát nguồn tiền, doanh thu, thu nhập đối với hoạt động kinh doanh công nghệ, tiền ảo, chứng khoán.
Trước nhu cầu đầu tư ngày càng lớn của người dân, Luật sư Phạm Thành Tài cho rằng:
"Các cơ quan chức năng nên nghiên cứu và cho thí điểm thành lập các sàn giao dịch chứng khoán phái sinh quốc tế hoặc các sàn giao dịch tiền điện tử, học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia khác. Có hành lang pháp lý rõ ràng là cách tốt nhất để ngăn chặn, giảm thiểu những hành vi lừa đảo. Hiện luật thuế của Việt Nam chưa có quy định cụ thể liên quan tiền điện tử, tài sản số. Thay vì lờ đi thì chúng ta nên đối diện, tìm cách nh bạch hóa, quản lý theo hướng chủ động".
Về thủ đoạn lừa đảo đầu tư, chuyên gia tội phạm học, TS. Đào Trung Hiếu phân tích, điểm chung là các đối tượng nhắm vào tâm lý ham làm giàu nhanh của nhiều người. Chúng tạo ra những sàn quốc tế giả mạo, tiền ảo, ngoại hối với hình thức đầu tư hấp dẫn, cam kết lãi suất cao và rủi ro thấp; lấy lòng tin của nạn nhân bằng hình ảnh giả tạo, khoe mẽ sự giàu có trên mạng xã hội:
"Các đối tượng thường tạo ra các nhóm kín trên Telegram, Zalo để chia sẻ bí quyết đầu tư. Chúng tạo ra các tài khoản ảo để tung hô nhau và lôi kéo người thật tham gia, người dân rất dễ bị thao túng tâm lý và từng bước bị dẫn dụ vào cạm bẫy mà chúng đã giăng ra. Các khoản lãi mà các “nhà đầu tư” trong nhóm đấy đưa lên đều là “bánh vẽ”, sự hám lợi bị kích hoạt dẫn đến “mờ mắt”. Khi đã tham gia, nạn nhân được yêu cầu nạp thêm tiền để gỡ lãi hoặc nâng cấp tài khoản".
Cũng theo TS. Đào Trung Hiếu, ngoài sự cảnh giác của người dân thì các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: siết chặt hoạt động quảng cáo đầu tư tài chính, đặc biệt trên mạng xã hội; thường xuyên cảnh báo về các phương thức lừa đảo mới, công khai các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu lừa đảo; hoàn thiện khung pháp lý và tăng mức xử phạt; đẩy mạnh truy tố, xét xử các đường dây lừa đảo.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Yuanta cho rằng cần sự chung tay của cả cơ quan quản lý, các công ty chứng khoản và người dân. Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, nâng hạng, tăng quy mô của thị trường chứng khoán, thì những “con sâu làm rầu nồi canh” cần phải loại bỏ:
"Đầu tư trên thị trường tài chính thì không thể có cam kết sinh lời. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ những đơn vị có phải là thành viên của Ủy ban chứng khoán không, đơn giản nhất là chúng ta truy cập vào website của Ủy ban chứng khoán Việt Nam. Đối với người môi giới, nhà đầu tư có quyền yêu cầu cung cấp ID để biết xem đây có phải là người môi giới đã được cấp phép hành nghề hay chưa. Bản thân công ty chứng khoán cũng phải xây dựng những người môi giới có chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp cũng được nâng cao".
Có 3 điểm yếu của nạn nhân mà các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến là nỗi sợ, lòng tham và sự cả tin. Với tội phạm lừa đảo đầu tư, lòng tham là cái bẫy lớn nhất, bởi rất nhiều vụ lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo đã được đề cập trong cả chục năm qua, nhưng nhiều người vẫn lao vào như “thiêu thân” vì “giấc mơ” đổi đời.
Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, bên cạnh sự cảnh giác của mỗi người thì những biện pháp mạnh mẽ của cơ quan chức năng là yêu cầu cấp thiết “Để thức tỉnh những “giấc mơ” giàu sang mù quáng”.
Lĩnh vực tài chính có một thuật ngữ là FOMO, hiểu đơn giản là “sợ bỏ lỡ cơ hội”, sợ không nắm bắt được sự kiện hoặc quyết định có khả năng cải thiện cuộc sống. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thông tin liên tiếp về việc giá Bitcoin lập đỉnh, gấp hàng trăm nghìn lần so với chục năm trước càng khiến những người thiếu kiến thức FOMO và bị các đối tượng “lùa gà”.
Giấc mơ giàu sang xuất hiện từ thông tin trên truyền thông về những người mua một mã chứng khoán hay tiền ảo nào đó và trở thành triệu phú. Giấc mơ ấy đến từ những cá nhân “nổi tiếng” trên mạng xã hội khoe tài sản, khoe cuộc sống giàu sang, an nhàn và những lời đường mật về việc đầu tư không khó.
Tội phạm lừa đảo đầu tư đã để lại quá nhiều hậu quả đau lòng, không chỉ là mất tài sản với cá nhân mà còn là mất an ninh, trật tự, an toàn với xã hội. Thay vì để người dân tự mình phòng tránh, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ, mà trước hết là xóa khoảng trống pháp lý về tiền ảo, chứng khoán quốc tế.
Nhiều người đặt ra băn khoăn: Mr Pips và các đối tượng bị phong tỏa tài sản là tiền, vàng, siêu xe,…, nhưng nếu có một lượng lớn tiền ảo thì những người này hoàn toàn có thể sống phủ phê sau khi ra tù. Bởi tại Việt Nam, hiện tiền ảo không được coi là tài sản và không có bất cứ quy định quản lý nào. Đây có thể là tiền lệ xấu cho nhiều đối tượng khác chấp nhận đánh đổi để vi phạm pháp luật.
Khung pháp lý cho tài sản số đã nhiều lần làm nóng nghị trường Quốc hội. Các bộ, ngành liên quan cần sớm xây dựng hành lang pháp lý để quản lý tốt hơn, tránh thất thu thuế và ngặn chặn tội phạm rửa tiền, lừa đảo,…
Việc xây dựng khung pháp lý cũng sẽ giúp định nghĩa tài sản số, phân biệt tiền điện tử có giá trị thực và những loại “bánh vẽ” được các đối tượng tạo ra. Hiện cụm từ “tiền ảo” đang được sử dụng phổ biến nhất, một khái niệm mơ hồ với hàm ý tiêu cực về thứ không có giá trị thật và rủi ro cao, dù nhiều nước trên thế giới đã công nhận tiền điện tử và có quy định quản lý chặt chẽ.
Tương tự, cần sớm có quy định với hoạt động tư vấn, môi giới chứng khoán quốc tế, lĩnh vực hiện nay không được quản lý, khiến việc quảng cáo, mời gọi diễn ra tràn lan trên mạng xã hội, trái ngược với sự kiểm soát hoạt động tư vấn, môi giới chứng khoán trong nước. Những quy định chi tiết sẽ là căn cứ để lực lượng thực thi công vụ kiểm tra, giám sát và kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, khỏa lấp kẽ hở mà các đối tượng lợi dụng.
Việc triệt phá đường dây lừa đảo Mr Pips có quy mô lớn nhất Việt Nam là một chiến công đáng biểu dương. Cơ quan công an cần tiếp tục mở rộng trinh sát, đặc biệt với các đội tượng khoe cuộc sống giàu sang trên mạng xã hội, từ đó triệt phá nhiều đường dây lừa đảo hơn nữa để tạo sức răn đe, mang đến sự bình yên cho xã hội và niềm tin trong nhân dân.
Việc đẩy mạnh xác thực sinh trắc học với tài khoản ngân hàng và ngăn chặn mua bán SIM kích hoạt sẵn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trọng việc hạn chế lừa đảo trực tuyến thời gian qua. Cơ quan quản lý truyền thông, ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác này và những hoạt động khác như: truyền thông, cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo đầu tư và hậu quả; tiếp tục dọn “rác” trên mạng xã hội, ngăn chặn nội dung xấu, độc tiếp cận người dân; ngăn chặn hành vi mua bán tài khoản ngân hàng, tránh để tội phạm lợi dụng để luân chuyển dòng tiền phi pháp.
Khi các giải pháp quản lý được bổ sung đến đâu thì các loại tội phạm sẽ có thủ đoạn và phương thức đối phó đến đó. Như việc sử dụng sinh trắc học, hiện đã có rất nhiều thủ đoạn để người dùng cung cấp vân tay và từ đó các đối tượng có thể mở khóa. Vì vậy, trách nhiệm của các ngân hàng là luôn tìm những biện pháp mới để ngăn chặn những thủ đoạn mới.
Và cuối cùng, hơn ai hết, mỗi người dân cần tỉnh táo và có trách nhiệm nhất với túi tiền của mình. Chẳng ai xa lạ lại mang lợi ích đến cho bạn, nhất là những lời mời đầu tư lợi nhuận cao, thoạt nghe đã thấy phi lý. Hãy cảnh giác trước mọi lời mời chào; tìm hiểu kỹ thông tin từ các website chính thức khi có nhu cầu đầu tư; không tham gia các hội nhóm khi chưa xác nh thông tin; không tin tưởng bất kỳ ai tự xưng là “chuyên gia” nếu không có chứng chỉ hành nghề; và đặc biệt, không đưa tiền của mình cho người khác với hy vọng nhận về lợi nhuận; đồng thời tố giác đến cơ quan chức năng, lên tiếng cảnh báo cộng đồng khi phát hiện cá nhân, tổ chức có dấu hiệu lừa đảo.
Khi người dân ngày càng nâng cao cảnh giác thì những thủ đoạn lừa đảo cũng sẽ ngày càng tinh vi. Bên cạnh sự tỉnh táo của mỗi cá nhân thì các cơ quan quản lý, với nhiều giải pháp đồng bộ, sẽ như “ngọn hải đăng” soi sáng để người dân không lầm đường lạc lối, và đánh thức những ai vẫn đang u mê trong giấc mơ đổi đời.