Các nút xung quanh khu vực rào chắn đường Trần Hưng Đạo bắt đầu gặp khó

Từ ngày 20/8, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã quây rào chắn trên đường Trần Hưng Đạo, đoạn qua Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô, để thi công giai đoạn 2 ga ngầm S12, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Tình hình giao thông tại khu vực rào chắn khá thuận lợi, nhưng khó khăn đang có dấu hiệu gia tăng ở những nút giao kế cận. 

Ông Trịnh Văn Công, ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm cho biết, trong 4 ngày qua khi rào chắn được dựng lên, ùn tắc không xuất hiện trên trục đường Yết Kiêu - Trần Hưng Đạo - Quán Sứ. Tuy nhiên, người tham gia giao thông gặp một chút bất tiện nếu muốn chuyển hướng, vì phải đi vòng xa hơn:

"Quán Sứ đường chỗ này bé quá, mở 2 chiều dứt khoát là phải ùn tắc, còn cứ 1 chiều đi thế này thì chẳng bao giờ tắc. Dù bất tiện nhưng chuyện đó phải chấp nhận, nhà nước làm thì mình biết làm thế nào được".

Với phương án phân luồng mới, các phương tiện chỉ được đi 1 chiều từ ga Hà Nội, phố Yết Kiêu đến Trần Hưng Đạo - Quán Sứ - Lý Thường Kiệt. Còn các phương tiện từ phố Trần Bình Trọng muốn đi về phía đường Lê Duẩn sẽ rẽ vào Trần Hưng Đạo - Dã Tượng - Lý Thường Kiệt. Phương án thử nghiệm kéo dài 1 tuần để điều chỉnh, và hàng rào cố định dự kiến được dựng từ ngày 27/8.

Trục đường Yết Kiêu - Trần Hưng Đạo - Quán Sứ không ùn tắc khi các phương tiện lưu thông 1 chiều, nhưng áp lực giao thông đẩy sang các nút giao kế cận

Áp lực giao thông do rào chắn đường Trần Hưng Đạo dồn sang các nút giao kế cận, nơi phương tiện chuyển hướng. Như tại nút giao Lý Thường Kiệt - Dã Tượng, ông Nguyễn Văn Thành, làm nghề xe ôm cho biết, khó khăn về giao thông liên tục xuất hiện những ngày gần đây, khiến ông phải hủy nhiều cuốc khách.

"Từ khi chắn chỗ Cung Văn hóa, tắc đến nỗi người dân phải leo lên vỉa hè. Khoảng 7h-8h30 là tắc gia tăng nhiều. Công an cũng đứng dẹp đường ở đây nhưng đã là tắc thì cũng không thể hết được. Bên đường Lý Thường Kiệt này cấm đỗ xe ô tô mà xe cứ đỗ dài dằng dặc kia", ông Thành nói. 

Theo khảo sát của phóng viên, dù phố Lý Thường Kiệt có biển cấm đỗ xe nhưng rất nhiều ô tô ngang nhiên vi phạm. Còn trên phố Dã Tượng, nơi được đỗ xe dưới lòng đường theo ngày chẵn - lẻ, khó khăn xuất hiện nhiều hơn khi lượng lớn phương tiện đổi lộ trình sang đây. Một trong số đó là tuyến xe buýt số 32 (Giáp Bát - Nhổn), các tài xế đi vòng qua phố Dã Tượng gặp khá nhiều phiền toái:

"Đi trên phố Dã Tượng, xe 32 này to, thu phí trông xe cũng cản trở giao thông nhiều, tại vì xe đỗ nhiều quá. Nên chấn chỉnh lại việc đỗ xe".

"Đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ nhưng thực ra người ta đỗ cả 2 bên đường".

Dù phố Lý Thường Kiệt có biển cấm đỗ xe nhưng rất nhiều ô tô ngang nhiên vi phạm

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ sự lo ngại, nếu việc thi công metro tiếp tục chậm tiến độ, rào chắn kéo dài thì sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, như đã từng xảy ra tại phố Trần Hưng Đạo (đoạn trước ga Hà Nội), hay phố Kim Mã, Quốc Tử Giám trong những năm qua:

"Không gian đường phố là cực kỳ quý giá. Thế nhưng, các công trình giao thông chiếm lòng đường nhưng không ai bị xử lý cả. Điều đó thể hiện sự quản lý yếu kém của chính quyền đô thị. Theo tôi, tất cả hợp đồng phải có thời hạn.

Ví dụ tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, kéo dài 7 năm thì mỗi năm anh phải chịu phạt bao nhiêu nếu tiếp tục tạo ra lô cốt trên đường phố. Kể cả nhà thầu nước ngoài cũng phải chịu trách nhiệm".

Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, với việc rào chắn mới trên đường Trần Hưng Đạo, trước mắt, cơ quan chức năng cần có phương án phân luồng các tuyến phố xung quanh như Dã Tượng, Lý Thường Kiệt, Quán Sứ,…; điều chỉnh hệ thống biển báo, chu kỳ đèn tín hiệu cho phù hợp với thực tế; thường xuyên bố trí lực lượng chức năng túc trực để điều tiết giao thông; đồng thời xem xét tạm dừng việc trông giữ xe dưới lòng đường ở các tuyến phố kế cận công trường thi công.