Các bệnh viện lập phòng tuyến ngăn COVID-19

Nhận thức được hậu quả của tình trạng COVID-19 xâm nhập vào bệnh viện qua các trường hợp bệnh viện trước đây, ngành y tế ban hành nhiều hướng dẫn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tuyệt đối không để lây nhiễm chéo, không để nhân viên y tế mắc bệnh, đảm bảo

Ngoài cổng chính bệnh viện E, ở mỗi tòa nhà đều có bàn và nhân viên y tế trực để lấy thông tin y tế, đo thân nhiệt cho người ra vào

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tạm thời được kiểm soát, các hoạt động đời sống bình thường của nhân dân, đặc biệt là việc khám chữa bệnh, được nối lại. Tuy nhiên, lượng người ra vào hàng ngày tại các bệnh viện, cơ sở y tế rất đông, nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, buộc các nhà quản lý phải nâng mức cảnh giác, các tiêu chí an toàn phòng chống dịch. 

Hàng tháng, ông Lò Văn Cường, 63 tuổi, sống tại Nghĩa Lộ, Yên Bái lại bắt xe xuống Hà Nội tới bệnh viện E Trung ương, để khám định kỳ sức khỏe tim mạch. Trong mùa dịch bệnh, ông không quá lo lắng khi đến bệnh viện, vì từ cổng đến khoa khám bệnh, có tới 2 vòng kiểm dịch.

“Quá yên tâm, đến đây không sợ gì cả. Các bác sĩ kiểm tra từ cổng vào, kê khai y tế, đo thân nhiệt. Chẳng mất bao nhiêu thời gian, chưa đến 3 phút”, ông Cường cho biết

Tương tự, anh Nguyễn Thế Dương tới bệnh viện E liên hệ làm việc, cũng tỏ ra khá yên tâm khi thấy mọi người đều đeo khẩu trang và được tầm soát tiền sử đi lại kỹ càng: “Vào những nơi tập trung đông người như thế này thì rất cần chốt kiểm soát. Ở đây là cửa thứ hai rồi, ngoài cổng đã có một cửa kiểm tra nữa”.

Theo điều dưỡng Lê Thùy Trang, Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, ngoài cổng chính bệnh viện E, ở mỗi tòa nhà đều có bàn và nhân viên y tế trực để lấy thông tin y tế, đo thân nhiệt cho người ra vào: "Mình có thể nắm rõ thông tin những người vào đây. Bệnh nhân họ đều chấp hành vì tốt cho họ khi được giải thích. Trước khi vào thăm khám hay nhập viện đều phải kê khai ở đây hết".

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hựu, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn bệnh viện E Trung ương cho biết, Bộ Y tế đã có bộ tiêu chí “bệnh viện an toàn” rất kịp thời, để từ đó các bệnh viện áp dụng, như: Nơi khám sàng lọc, khu vực riêng thu dung bệnh nhân nghi ngờ. Sở y tế địa phương đã thành lập đoàn để kiểm tra, cơ sở nào không đạt yêu cầu sẽ không được mở cửa. Vì vậy, hoạt động của các bệnh viện nói chung đều khá ổn định và đảm bảo an toàn.

Ngoài các biện pháp kiểm soát từ vòng ngoài như truyền thông và hướng dẫn người dân, nới thời gian cấp phát thuốc, thì ở vòng trong, bệnh viện E cũng đã nâng năng lực xét nghiệm lên khoảng 2.000 mẫu gộp/ngày, dành tối đa 30 giường bệnh cho khu điều trị cách ly tạm thời, thực hiện xét nghiệm tìm ca, lập các tổ lưu động phòng chống nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng.

“Chúng tôi đã làm xét nghiệm cho tất cả nhân viên y tế trong đợt dịch thứ ba để họ yên tâm làm việc, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Một số bệnh nhân trong khoa phòng nguy cơ cao như hồi sức cũng được làm xét nghiệm ngẫu nhiên. Đến hiện tại chưa có trường hợp nào nghi nhiễm”, bác sĩ Nguyễn Công Hựu chia sẻ.

Các bệnh viện cần linh hoạt trong các trạng thái, đặc biệt nâng cao mức cảnh giác, vừa đảm bảo phòng dịch, vừa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh rất cao của người dân

Các bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội cũng đề cao cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh, các cơ sở y tế phải sẵn sàng các dịch vụ để hạn chế tối đa thân nhân vào thăm hỏi, chăm sóc bệnh nhân, đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người...

“Chúng tôi có những dịch vụ chăm sóc thay người nhà, chỉ trường hợp đặc biệt mới được ở lại, chúng tôi có dịch vụ chăm sóc toàn diện như gội đầu, vệ sinh… Người bệnh, người nhà thấu hiểu và sử dụng dịch vụ đó sẽ góp phần đảm bảo an toàn trong điều kiện bình thường mới”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, các bệnh viện cần linh hoạt trong các trạng thái, đặc biệt nâng cao mức cảnh giác, vừa đảm bảo phòng dịch, vừa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh rất cao của người dân: “Chúng tôi đã thành lập một trung tâm phòng chống dịch bệnh, biệt lập với khu điều trị. Chúng tôi vẫn cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, online, mở rộng phạm vi, cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tận cộng đồng để người bệnh khỏi phải đến bệnh viện”.

Nhận thức được hậu quả của tình trạng COVID-19 xâm nhập vào bệnh viện qua các trường hợp bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện Bạch Mai trước đây, ngành y tế đã ban hành nhiều hướng dẫn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tuyệt đối không để lây nhiễm chéo, không để nhân viên y tế mắc bệnh, đảm bảo an toàn cho người bệnh, người nhà.

Và muốn đạt được mục tiêu này, ngoài lãnh đạo bệnh viện, rất cần sự hợp tác, chung tay của nhân viên y tế và chính người dân ra vào bệnh viện.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: