Bụi mịn giao thông đe doạ tính mạng, đã đến lúc cần hành động cụ thể

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, hàng năm tại TP.HCM có từ 2.000 - 3.000 người tử vong liên quan ô nhiễm khí bụi mịn từ hoạt động giao thông.

Tại hội thảo kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô tham gia giao thông do trường Đại học Việt Đức và tổ chức Dekra tổ chức mới đây, các nhà khoa học cho biết hàng năm tại TPHCM có từ 2.000 - 3.000 người chết liên quan ô nhiễm khí bụi mịn từ hoạt động giao thông. 

Chia sẻ với PV VOV Giao thông, PGS. TS Vũ Anh Tuấn – Giám đốc trung tâm nghiên cứu GTVT (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng, đã đến lúc TP.HCM cần đi tiên phong trong việc giảm ô nhiễm từ hoạt động giao thông, qua đó gia tăng sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người dân. 

Ảnh nh hoạ

PV: Ông bình luận gì về con số 2.000 - 3.000 người chết mỗi năm liên quan ô nhiễm khí bụi mịn tại TP.HCM mà các nhà khoa học Việt Nam và Đức vừa công bố?

PGS. TS Vũ Anh Tuấn: TP.HCM có khoảng 8 triệu xe gắn máy và hơn 1 triệu xe ô tô các loại, nó không chỉ gây ra các vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông mà còn tác động rất lớn lên sức khoẻ của người dân. Công trình nghiên cứu và lượng hoá tác động lên sức khoẻ của bụi mịn PM2.5 và PM10 vừa kết thúc gần đây trong chương trình hợp tác song phương Việt Nam và Đức cho thấy riêng bụi mịn PM2.5 và PM10 đã liên quan cái chết và giảm tuổi thọ cho 2.000 - 3.000 người/năm, tuỳ thuộc vào giới hạn mà tổ chức Y Tế thế giới (WHO) đưa ra.

Nếu áp dụng tiêu chuẩn này và theo thống kê về dịch tễ học, số liệu các bệnh viện và phân tích nguyên nhân tử vong liên quan các bệnh về đường hô hấp thì mỗi năm có khoảng .3000 người chết tại TP.HCM. Con số này cao gấp nhiều lần so với những ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ.

Vấn đề sức khoẻ này đặt ra yêu cầu cấp bách rằng chúng ta phải kiểm soát khí bụi bẩn từ các phương tiện mô tô, xe gắn máy hay ô tô. Điều hành cũng đồng hành với nỗ lực cắt giảm khí nhà kính, thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với dạng phát thải khí nhà kính.

Phải có hành động, còn hành động ra sao thì phải phân tích và đưa ra lộ trình phù hợp.

PV: Đây là một chủ trương mà Chính phủ cũng như các địa phương đã đề cập nhưng chưa thực hiện được thời gian qua. Theo ông, TP.HCM nên bắt đầu từ đâu?

PGS. TS Vũ Anh Tuấn – Giám đốc trung tâm nghiên cứu GTVT (Trường Đại học Việt Đức)

PGS. TS Vũ Anh Tuấn: Để giảm khí bụi bẩn đặc biệt là bụi mịn và các khí như oxit lưu huỳnh và oxit nito trong đó mô tô xe máy đóng góp tỷ lệ rất lớn vào phát thải này, đáng chú ý là tỷ lệ xe trên 15 năm chiếm tỷ lệ rất cao từ 20-25%.  Theo quan điểm cá nhân, trước mắt TP.HCM cần triển khai kiểm soát kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy trong 5 năm tới theo tinh thần của Luật an toàn giao thông đường bộ.

Bắt đầu từ năm sau sẽ triển khai kiểm soát kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy. Và TPHCM cần đi tiên phong trong vấn đề này bằng cách phối hợp với Cục Đăng kiểm để xem xét các quy chuẩn, quy định, hướng dẫn kỹ thuật đối với việc kiểm định khí thải với xe 2 bánh.

Ở giai đoạn đầu có thể trưng dụng các trung tâm bảo dưỡng của Honda hay Yamaha vì họ hoàn toàn có đủ năng lực kỹ thuật cũng như trang thiết bị để đo bụi mịn và các khí độc hại khác từ xe máy. Với xe đạt yêu cầu thì thôi, còn chưa đạt phải có giải pháp kỹ thuật để duy tu bảo dưỡng, còn với xe phát thải quá lớn bảo dưỡng rồi mà vẫn không đạt thì phải thải loại.

Đi liền với đó thì thành phố phải có chính sách hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp để đổi sang xe mới, ví dụ như xe điện. 

PV: Có bài học kinh nghiệm nào mà TP.HCM có thể học hỏi và triển khai trong thực tế?

PGS. TS Vũ Anh Tuấn: Ví dụ như Ấn Độ trong giai đoạn 2019 - 2021 họ có chính sách quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi phương tiện. Đến năm 2022 tổng kết họ nhận thấy chỉ đạt được 4 - 5% mục tiêu đề ra.

Khi chuyển sang giai đoạn 2, họ rút kinh nghiệm là chính sách phải đi vào cuộc sống và phải có sự phối hợp, tạo ra các diễn đàn để thu hút hàng trăm doanh nghiệp, hàng chục tổ chức quốc tế, hàng trăm trường đại học cùng tham gia và đưa ra các sáng kiến.

Đối với TPHCM trong qúa trình thực hiện, quan trọng nhất là phải có tầm nhìn, có cam kết và có sân chơi cho các doanh nghiệp, các tổ chức tham gia vào. Đại học Việt Đức cũng là 1 tổ chức khoa học công nghệ nên sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan như Cục Đăng kiểm tham gia vào quá trình này

PV: Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!