BRT Hà Nội

Khi Sở GTVT Hà Nội đề nghị cho các phương tiện khác được đi vào làn đường BRT thì rất nhiều câu chuyện xung quanh hiệu quả của loại hình xe bus nhanh được bàn luận. Khen, hay chê, là điều dễ dàng, nhưng quan trọng hơn, sau những khen chê, chúng ta có lựa chọn nào hợp lý cho câu chuyện này?

 

Trong một chương trình “Chuyện hôm nay” vài tuần trước, tôi có nói đến câu chuyện Hà Nội và TP.HCM nằm trong số những thành phố mà người dân đang phải di chuyển với tốc độ rất chậm so với các đô thị khác trên thế giới.

Điều đó xuất phát từ một nguyên nhân lớn nhất, đó là việc người dân Hà Nội, TP.HCM và tất nhiên là cả nhiều đô thị khác của chúng ta, chủ yếu di chuyển trong đô thị bằng các phương tiện giao thông cá nhân, bằng xe máy, ô tô và các phương tiện giao thông công cộng đã có vai trò rất thấp, không đủ để phục vụ cho việc đi lại của người dân.

Một khía cạnh khác, các phương tiện giao thông công cộng trong quy hoạch của các thành phố cũng không thể phát triển được và đang gặp những lực cản rất lớn.

Ví dụ tại Hà Nội, hiện chỉ mới có một tuyến tàu điện trên cao với chiều dài 13 km, trong tổng số quy hoạch là hơn 300 km được xây dựng.

Hay tại TPHCM, thậm chí còn chưa có đường sắt đô thị nào được hoàn tất, trong tổng quy hoạch là hơn 200 km.

Trong bối cảnh như vậy, những tranh cãi về tuyến xe buýt nhanh BRT Hà Nội, với đề xuất từ cơ quan quản lý nhà nước là Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị: cho các phương tiện khác cũng được đi vào làn BRT.

Đối với cá nhân, tôi nhìn nhận điều này như là một chỉ dấu của sự e ngại.

Rõ ràng, điều đó không chỉ cho thấy sự thiếu quyết tâm, thiếu định hướng hay thiếu kế hoạch trong phát triển giao thông đô thị, mà còn thiếu một tầm nhìn nhất định.

Sở GTVT Hà Nội đề nghị cho các phương tiện khác được đi vào làn đường BRT.

Ở đây tôi muốn nhắc đến bài học về việc làm xe buýt nhanh, với góc nhìn từ một thành phố gần gũi khác so với chúng ta, nơi được coi là một trong số những đô thị có số dân rất lớn và lưu lượng giao thông cao. Ỏ đó, xe buýt nhanh đã những đóng góp rất quan trọng để giải quyết được một phần việc đi lại cho người dân.

Tôi muốn nói đến thành phố Jakarta - thủ đô của Indonesia.

Tuyến BRT đầu tiên của Jakarta được khánh thành từ năm 2004. Cho đến nay, Jakarta đang vận hành một hệ thống xe buýt nhanh với 13 tuyến chính và rất nhiều tuyến kết nối khác nhau. Tổng số chiều dài xe buýt nhanh của Jakarta là khoảng 230 km.

Con số cập nhật nhất đến năm 2019, đã vận chuyển khoảng 260 triệu lượt hành khách mỗi năm. Và hệ thống BRT của Jakarta đang có khoảng 4.300 xe buýt nhanh đang vận hành. Cũng vào năm 2019, BRT của Jakarta đã nhận được giải thưởng Giao thông bền vững.

Hệ thống BRT của Jakarta hiện nay đang được lập kế hoạch đầy tham vọng, là sẽ mở rộng thành xe buýt điện, với cả chục nghìn chiếc trong thập kỷ tới.

Đây là một ví dụ của hệ thống BRT hoạt động hiệu quả thế nào.

Chúng ta có thể nhìn thấy, đối với các hệ thống giao thông vận tải khối lượng lớn khác, ví dụ như tàu điện ngầm hay tàu điện trên cao, ngay cả một tuyến mà sốvốn bị đội lên ít nhất và chi phí có vẻ như hợp lý hơn cả trong số những tuyến được xây dựng, đó là tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), tổng số vốn đầu tư cũng lên tới khoảng 800 triệu USD cho 12 km.

Trong khi đó, hệ thống xe buýt nhanh sẽ không đòi hỏi một số lượng vốn lớn như vậy và thời gian xây dựng lâu như vậy.

Bài học khác của Jakarta là năm 2004, thành phố này khai trương tuyến xe buýt số 1, rồi chỉ trong 6 năm, tức là đến tháng 12/2010, thành phố này mở được đến 10 tuyến xe buýt BRT chính. Và đến nay, có 13 tuyến chính hoạt động cho đến 9h tối, thậm chí một số tuyến hoạt động đến 11h đêm.

Và với một khối lượng rất lớn cư dân đi lại trên hệ thống này, chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng, Jakarta đã rất kiên định với việc phát triển một hệ thống xe buýt nhanh phù hợp với khả năng đầu tư và nhu cầu tăng nhanh chóng của cư dân đô thị.

Và rõ ràng, ở chừng mực nào đó, việc giải quyết được một vài triệu lượt người đi lại trong 1 ngày ở một đô thị lớn là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Và một con số rất đáng để quan tâm, đó là xe buýt nhanh Hà Nội cho đến giờ, sau 5 năm, cũng không thấy có thêm biến chuyển nào.

Với mạng lưới chỉ có một tuyến như vậy và không có sự kết nối, đã hạn chế sự phát triển cũng như tác động của xe buýt nhanh.

Tôi nghĩ, Hà Nội đã tương đối vội vàng và gần như là đảo ngược quyết định tiếp tục phát triển xe buýt nhanh, bằng việc đưa các loại xe khác cho lưu hành vào làn BRT. Đồng thời, không có kế hoạch để phát triển BRT thành một mạng lưới đủ lớn.

Thật sự đó sẽ trở thành một thách thức đối với giao thông của Hà Nội trong những năm tới đây.

Điều mà tôi mong muốn có thể nhìn thấy, đó là việc kiên định, nỗ lực phát triển giao thông công cộng, mà trước hết bằng các tuyến xe buýt nhanh được phủ rộng hơn trong thành phố, đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày một lớn hơn của cư dân Thủ đô./.