Bộ trưởng Y tế: Chủng mới chủ yếu lây qua không khí, đề nghị bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà

Đó là một trong những biện pháp để phòng chống dịch COVID-19 được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại buổi họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ sáng nay (2/2).

Kiểm soát dịch bệnh ngay từ cổng tại một bệnh viện của Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thanh Long cho biết, bùng phát kể từ ngày 25/1, diễn biến dịch COVID-19 tại các tỉnh ền Bắc và TP.HCM diễn biến tương đối nhanh. Qua phân lập và nuôi cấy virus 11 mẫu ở ền Bắc và 1 mẫu ở TP.HCM, kết luận cho thấy đây là chủng virus tương đương với biến chủng virus của Anh, với các đặc điểm như thời gian ủ bệnh ngắn, tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với trước đây, thời gian đào thải mầm bệnh ra ngoài rất cao và nhất là tỷ lệ lây nhiễm tăng hơn 70%.

Tuy nhiên, Chính phủ đã phản ứng rất nhanh và kịp thời khi lập tức cho phong tỏa các ổ dịch, nhất là với ổ dịch tại Chí Linh, Hải Dương. Tình hình khống chế dịch tại Hải Dương tính đến nay có thể nói đã tạm ổn.

Đối với Quảng Ninh, Hà Nội, cần tập trung theo dõi các ca dương tính mới và áp dụng biện pháp mạnh nếu cần thiết. Đặc biệt với Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Long cho rằng tình hình dịch tại Hà Nội có thể kéo dài hơn so với dự kiến bởi sự lây nhiễm tại Hà Nội là tương đối phức tạp. Hiện lực lượng hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 tại Hải Dương đã được Bộ Y tế điều về Hà Nội để hỗ trợ.

Trong thời gian tới đây, do tình hình dịch bệnh và đặc điểm của virus lần này nên Bộ Y tế xin kiến nghị một số biện pháp sau:

Thứ nhất, phải tiếp tục thực hiện rất nghiêm túc Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ bởi Chỉ thị này hiện vẫn đáp ứng được toàn bộ những yêu cầu đối với công tác phòng, chống dịch.  

Vấn đề thứ hai, Bộ Y tế cho rằng sự lây nhiễm của virus lần này này chủ yếu là qua không khí, không phải tiếp xúc như trước đây. Do đó đề nghị Thủ tướng yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang đối với tất cả trường hợp người dân ra khỏi nhà. Nếu vi phạm sẽ xử lý vi phạm hành chính. 

Vấn đề thứ ba, hạn chế tập trung đông người, đặc biệt là các sự kiện tập trung trong không gian kín. Thực tế tại Chí Linh, Hải Dương đã cho thấy tỷ lệ lây nhiễm từ đám cưới, cho tới việc lây nhiễm trên xe ở mức rất cao. 

Vấn đề thứ tư, phải kiểm soát thật tốt công tác phòng dịch tại tất cả các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở, bệnh viện, chung cư và các cơ quan trụ sở với bốn yêu cầu. Một là đo thân nhiệt, hai là đeo khẩu trang, ba là rửa tay sát khuẩn và thứ tư là khai báo y tế; đồng thời tạm dừng những sự kiện, lễ hội những nơi tập trung đông người không cần thiết.

Vấn đề thứ năm, phải khuyến khích đối với các địa phương làm sao tăng cường năng lực lấy mẫu, điều phối cũng như xét nghiệm mẫu. Bài học thành công của Đà Nẵng cũng như của Chí Linh, Hải Dương chính là vấn đề khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm nhanh, phát hiện ra tất cả những trường hợp F1, F2.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hải Dương

Bộ Y tế  đề nghị tiếp tục áp dụng phương pháp đi từng nhà, gõ cửa từng nhà, đo từng đối tượng. Hiện nay Thủ đô Hà Nội đã và đang tiến hành các biện pháp này. Các cơ quan chức năng cùng với công an đã phát hiện ra khoảng hơn 15.000 trường hợp đi từ Hải Dương về, nhưng con số thực tế có thể cao hơn. Tất cả các trường hợp này đều phải được xét nghiệm COVID-19.

Đối với khu vực biên giới, tiếp tục áp dụng biện pháp cũ, đó là tăng cường quản lý chặt chẽ việc quản lý xuất nhập cảnh, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến xuất nhập cảnh trái phép. 

Bộ Y Tế cũng đề xuất Chính phủ triển khai khai báo y tế bắt buộc. Thời gian trước, việc khai báo y tế cũng như cài đặt ứng dụng Bluezone chỉ dừng ở mức khuyến khích nên số lượng đăng ký, khai báo vẫn còn hạn chế; đề nghị thiết lập các điểm khai báo tại lối vào các cơ sở để tránh việc để lọt hàng nghìn ca F1, F2 như đã xảy ra tại Đông Triều, Quảng Ninh.

Bộ Y tế đã có tờ trình số 43 ngày 20/1 về cơ chế mua sắm cũng như vấn đề về vaccine, trong đó có việc hiện nay các địa phương đang đề sử dụng ngân sách của chính các địa phương để mua vaccine. Hà Nội, Quảng Ninh và một số địa phương khác rất mong muốn được sử dụng ngân sách của địa phương để mua vắc xin, sử dụng cho người dân trên địa bàn. Theo tính toán của các địa phương, việc bỏ tiền mua vaccine thì có lợi ích hơn rất nhiều so với việc tiến hành những biện pháp phong tỏa hiện nay.