Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải thoát khỏi "nền nông nghiệp mù mờ"

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt ra câu hỏi: Người nông dân ở đâu trong chuỗi giá trị này?

Ngày 17/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN-PTNT đi khảo sát thực tế chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến chợ, siêu thị tại TP HCM. Bộ trưởng Lê Minh Hoan (đứng giữa, mặc áo xanh) khảo sát tại khu rau quả chợ Bình Điền.

Khởi hành từ 3h00 sáng tại Chợ đầu mối có quy mô lớn nhất TP HCM và sau đó là Công ty TNHH MM Mega Market; đại siêu thị Co.opXtra Linh Trung thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM – Saigon Co.op; Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Visan; chiều cùng ngày, Bộ trưởng đã có chuyến khảo sát tại cơ sở trồng và sơ chế rau tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật cao Nông phát; Nông trường WinEco Củ Chi – TP HCM.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí sau một ngày di chuyển liên tục khảo sát chuỗi giá trị nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tâm tư: Phải tạo một hệ sinh thái nông nghiệp có trách nhiệm để thoát khỏi nền nông nghiệp mù mờ xưa nay!”.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, về thể chế Nhà nước, cần phải điều chỉnh, thay đổi, bổ sung, hạn chế ở mức thấp nhất những rủi ro không thể kiểm soát được.

Tất cả chúng ta đều phải tham gia kiến tạo giải pháp  

Bộ trưởng nhấn mạnh, có rất nhiều nhân tố trong hệ sinh thái nông nghiệp, khi đặt ra vấn đề về chất lượng An toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Về thể chế Nhà nước, cần phải điều chỉnh, thay đổi, bổ sung, hạn chế ở mức thấp nhất những rủi ro không thể kiểm soát được.

Nhưng ở góc độ khác, hệ thống đã được phân cấp, làm sao sự phân cấp đó vừa có tinh thần trách nhiệm và phải có giải pháp.

Ngày xưa tới giờ, chúng ta chỉ quan niệm, đó là vấn đề của doanh nghiệp tiêu thụ và người nông dân. Nhưng những liên kết đó cần phải được thông báo đến chính quyền địa phương, hội Nông dân.

Bởi đây là vấn đề xã hội, vấn đề sức khoẻ của người tiêu dùng, nên sự nh bạch, kiểm soát thông qua các cấp cơ sở là những người hàng ngày tiếp xúc với người nông dân thực sự là rất cần thiết.

Bộ trưởng Hoan cho rằng: Nền nông nghiệp chúng ta manh mún, nhỏ lẻ;, nhiều hệ thống tham gia vào nên chúng ta cần có sự ttiếp cận khác.

Bộ trưởng chia sẻ, trong hành trình khảo sát, chúng ta đều thấy, đội kỹ thuật của các doanh nghiệp cũng đã xuống hỗ trợ cho nông dân nhưng chưa thực sự thành công, chỉ có khuyến nông cộng đồng, khuyến nông địa phương là gần gũi và có thể kiểm soát lẫn nhau được.

Bộ máy Nhà nước bao giờ cũng chậm hơn hoạt động sản xuất hàng ngày, người nông dân chỉ cần “quá tay” một chút thôi, cũng đã có sự cố.

Bởi vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, có những điều trước đây khuyến khích người nông dân đôi khi lại phải là bắt buộc.

“Tất nhiên, luật sẽ có sự điều chỉnh dần. Nhưng nền nông nghiệp chúng ta manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, quá nhiều nông dân, nhiều doanh nghiệp, nhiều hệ thống tham gia vào nên chúng ta cần có sự ttiếp cận khác. Tất cả chúng ta phải là người tạo ra giải pháp đó, chúng ta cùng kiến tạo dưới góc độ truyền thông, dưới góc độ của người bán lẻ, dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước” – Bộ trưởng Hoan nói.

Tất cả những chương trình Nông nghiệp của các Nhà tài trợ quốc tế vào Việt Nam đều lưu ý, nếu không tổ chức lại cho nông dân, chúng ta sẽ thất bại, vì mỗi người nông dân có một suy nghĩ riêng, một cách làm riêng.

Doanh nghiệp phải cùng với người nông dân để thay đổi

Trong cuộc làm việc với Nông trường WinEco Củ Chi – TP. Hồ Chí Minh - 1 trong 14 nông trường chuyên sản xuất các loại rau ăn củ, trái cây và rau ăn lá chất lượng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt ra câu hỏi: Người nông dân ở đâu trong chuỗi giá trị này?

“Nếu doanh nghiệp làm hết thì nông dân làm gì? Doanh nghiệp phải kéo nông dân vào hệ sinh thái của mình. Mỗi một doanh nghiệp hãy vượt ra khỏi hàng rào của mình để nhìn hệ sinh thái của người dân xung quanh,  để họ làm cùng mình, tạo ra thương hiệu cho mình” – Bộ trưởng định hướng tầm nhìn.

"Nếu doanh nghiệp làm hết thì nông dân làm gì? Doanh nghiệp phải kéo nông dân vào hệ sinh thái của mình", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Doanh nghiệp đừng nghĩ là chỉ đi mua - bán với nhau mà phải tạo ra hình ảnh của doanh nghiệp đối với nông nghiệp, với nông dân, với người mà mình liên kết và phải có trách nhiệm với cộng đồng, bởi Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, xét ở mặt nào đó, doanh nghiệp có tiềm lực hơn, biết nhiều hơn người nông dân nên đừng đơn thuần “ứng xử” với người nông dân như việc thu mua mà phải liên kết cùng nhau để tạo ra sự thay đổi.

“Tôi định nghĩa nền nông nghiệp chúng ta là nền nông nghiệp mù mờ. Người trồng không biết nguời mua ở đâu, chờ thương lái; doanh nghiệp muốn tìm nông dân trồng đúng chuẩn chất lượng cũng không biết nông dân ở đâu;  người tiêu dùng muốn mua được nông sản sạch cũng không biết ở đâu; Chưa kể là niềm tin vào thị trường nữa. Nên muốn xoá lời nguyền nông nghiệp mù mờ thì tất cả các hệ thống phải được kiểm soát. Nếu không kiểm soát được, không nh bạch được thông qua chuyển đổi số thì chúng ta không thể thay đổi” – Bộ trưởng đưa ra giải pháp.

---
Bộ trưởng (bên trái) đã có chuyến khảo sát tại cơ sở trồng và sơ chế rau tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật cao Nông phát; Nông trường WinEco Củ Chi – TP HCM

Chia sẻ với những khó khăn và tâm lý của doanh nghiệp khi bắt tay với người nông dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan động viên: “Nếu vượt khó được mới thể hiện được bản lĩnh doanh nghiệp. Thương hiệu không phải chỉ nằm ở chỗ nông sản sạch hay không sạch mà nằm ở thái độ với xã hội, với người dân để cùng dẫn dắt. Doanh nghiệp cũng cần lòng trắc ẩn, lòng yêu thương để tạo ra những giá trị hạnh phúc”.

Trong tâm tư của người đứng đầu ngành Nông nghiệp luôn mong muốn truyền đi thông điệp “Together – We Win” thông qua một bức ảnh mà ông chia sẻ trong một lần đi công tác tại Lai Châu: 

“Đó là chiếc áo của một chàng trai chạy Grab có dòng chữ rất ấn tượng: Together – We Win. Chúng ta phải tạo thành một hệ sinh thái nông nghiệp có trách nhiệm với nông dân, với nông sản của mình.

Chúng ta phải tạo ra sứ mệnh, tự hào với nông sản mình làm ra. Tự hào đi trước lợi nhuận, làm cho lợi nhuận tăng lên rất nhiều.

Nghe có vẻ xa xỉ, nhưng “giàu” được cũng là nhờ cái xa xỉ đó…”