Bộ GTVT bỏ ngỏ câu trả lời về việc có chọn ACV làm chủ đầu tư sân bay Long Thành hay không

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định sẽ tiếp tục rà soát và báo cáo Chính phủ theo quy định của pháp luật trong việc chỉ định đơn vị thực hiện làm dự án sân bay Long Thành.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án sân bay Long Thành ở tỉnh Đồng Nai là một trong những vấn đề được báo chí quan tâm tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019 diễn ra tại Hà Nội chiều 2/12.

Trả lời câu hỏi về việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện làm sân bay Long Thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong quá trình trình phương án khả thi cho Chính phủ, Bộ GTVT đã đề xuất, báo cáo Chính phủ về việc giao Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội giao cho ACV làm chủ đầu tư. Theo quy định của pháp luật, Chính phủ sẽ giao cho đơn vị có năng lực để thực hiện.

"Nếu được giao trong thời gian tới, Bộ GTVT với tư cách là cơ quan tổ chức thực hiện dự án này sẽ tiếp tục rà soát và báo cáo Chính phủ theo quy định của pháp luật trong việc chỉ định đơn vị”, ông Đông nói và bỏ ngỏ câu trả lời về việc Bộ GTVT có lựa chọn ACV làm chủ đầu tư hay không.

Dự án Cảng hàng không Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn bao gồm 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo khả năng phục vụ công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo Nghị quyết số 94/2015/QH13, tổng mức đầu tư của Cảng hàng không Long Thành được Quốc hội quy định ở mức 16,03 tỷ USD, trong đó có 673,3 triệu USD chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư khu vực 5.000ha.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành chiều 26/11 

Trước đó, hôm 26/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1). Theo Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, một trong những vấn đề đáng quan tâm tại báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành trình Quốc hội tại kỳ họp lần này chính là việc Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, thực hiện dự án. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội sẽ thông qua đề xuất này để "đảm bảo tính nh bạch, khách quan và giảm thủ tục, thời gian thực hiện dự án".

Tuy nhiên, đánh giá về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội sẽ không quyết định nhà đầu tư nào làm sân bay Long Thành mà theo Luật, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu dự án này phải sử dụng vốn nhà đầu tư, không bảo lãnh Chính phủ.

Trao đổi với báo chí, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV cho biết, giai đoạn 1 của Cảng hàng không Long Thành với quy mô bao gồm 1 nhà ga hành khách, 1 đường cất hạ cánh và các hạng mục công trình phụ trợ đáp ứng công suất thiết kế phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hoá với các giải pháp xây dựng và công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn hiện đại của thế giới đang được áp dụng tại Changi T4 (Singgapore), Incheon T2, New Istanbul, Charles de Gaulle (Pháp).

>>> Lý do nào giao ACV đầu tư sân bay Long Thành 

>>> Sân bay Long Thành: Đền bù, tái định cư như thế nào để hợp lòng dân 

>>> Quốc hội giao Chính phủ quyết định nhà đầu tư sân bay Long Thành, không bảo lãnh Chính phủ