"Biệt đội sống xanh” và “thói quen” thu gom vỏ hộp sữa

Để hạn chế lượng rác thải ra môi trường, bên cạnh việc lựa chọn các sản phẩm thân thiện thì việc tái chế cũng là một giải pháp song hành không thể thiếu.

Dù được nhiều trường học quan tâm nhưng việc thu gom, tái chế vỏ hộp sữa cần nhất là sự kiên trì. Những mô hình như nhóm “Biệt đội sống xanh” ở Khoái Châu, Hưng Yên cần được khuyến khích để vỏ hộp sữa được thu gom nhiều hơn và thường xuyên hơn.

Khi được biết vỏ hộp sữa có thể tái chế thành nhiều vật dụng hữu ích, chị Nguyễn Thị Vân Phương, ở xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu đã hướng dẫn con trai thu gom tại nhà. Từ ý tưởng ban đầu, chị chia sẻ với các phụ huynh cùng lớp của con và nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

Và ngày 5/9/2022, nhóm “Biệt đội sống xanh” ra đời với mong muốn tạo hoạt động ý nghĩa và xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh: "Với sự giúp đỡ của BGH trường tiểu học thị trấn Khoái Châu, nhóm của tôi bắt đầu triển khai dự án đổi rác lấy cây để phát động phong trào thu gom vỏ hộp sữa trong trường học.

Muốn triển khai hoạt động nhiều hơn, tôi đề nghị công ty Lagom hỗ trợ công tác vận chuyển. Lúc này, nhóm hướng đến nhóm phát thải vỏ hộp sữa nhiều nhất là các trường mầm non. Chúng tôi đến làm việc với BGH các trường mầm non thì may mắn là các trường rất ủng hộ".

Từ ý tưởng ban đầu, chị Vân Phương chia sẻ với các phụ huynh, giáo viên và nhận được sự ủng hộ của nhiều người trong việc thu gom vỏ hộp sữa.

Chỉ trong nửa năm, từ tháng 11/2022 đến tháng 4/2023, khoảng 1 tấn vỏ hộp sữa đã được Biệt đội sống xanh thu gom và xử lý. Học sinh và giáo viên tại các trường thực hiện mô hình được hướng dẫn cách xử lý: cho ống hút vào trong hộp sữa, làm dẹp, xếp gọn, dán sticker lên ệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định, thu gom định kỳ 1 - 2 lần/tuần.

Chị Vân Phương cho biết thêm, cùng với thực hiện mô hình, các trường cũng thường xuyên lồng ghép nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường cho học sinh:

"Sự thay đổi nhận thức là rất rõ rệt. Đặc biệt với các con ở lứa tuổi mầm non, các con đã có thói quen là không xả rác khi đi ra ngoài. Các con được hướng dẫn là dùng sticker để dán lại ệng ống hút sau khi sử dụng để tránh sữa rơi ra ngoài và không bị lên men. Đúng với sở thích của lứa tuổi mầm non nên các con rất hào hứng. Và cha mẹ học sinh cũng rất yêu thích chương trình này vì các con rất tự giác trong việc uống sữa."

Cùng với nhóm ''Biệt đội sống xanh'' thực hiện mô hình, các trường cũng thường xuyên lồng ghép nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường cho học sinh.

Thời gian tới, Biệt đội sống xanh sẽ tiếp tục phát triển thêm các điểm thu gom vỏ hộp sữa mới và tập trung nâng cao chất lượng hoạt động ở các điểm đang kết nối, đồng thời sẽ tổ chức những buổi giao lưu, sự kiện không rác thải,… để thu hút sự quan tâm của cộng đồng và tạo ra sân chơi bổ ích lâu dài cho học sinh./.