Trong khi đó, hiện chưa có cơ chế đặc thù với các địa bàn đông dân và có tính chất phức tạp, quá trình đô thị hóa nhanh. Giải pháp nào cho sự quá tải trong quản lý hành chính tại những "phường như quận" này?
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Một cán bộ tư pháp của UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang đồng thời thực hiện nhiệm vụ của nhân viên tại bộ phận một cửa. Lý do là bởi phường có nhiều việc mà lại thiếu cán bộ. Phường Hoàng Liệt hiện có 14 cán bộ, công chức và 5 cán bộ đoàn thể, trong khi dân số trên địa bàn là 92.000 người. Trong 10 năm qua, khi những tòa chung cư với hàng vạn dân về ở khiến dân số của phường đã tăng gấp 6 lần, nhưng đội ngũ cán bộ vẫn không thay đổi, dẫn đến “quá tải” công việc.
Theo ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, dân số tăng nhanh chóng mặt, tương đương bằng một quận nhưng hiện phường Hoàng Liệt còn đang thiếu 2 chức danh công chức so với quy định cho 1 phường:
“Vấn đề đặt ra từ việc nhân dân đến định cư sinh sống lớn là gánh nặng và trách nhiệm lớn với chính quyền trong việc giải quyết thủ tục hành chính là nhu cầu của người dân. Khối lượng công việc lớn trong khi số lượng cán bộ công chức không tăng, còn đang thiếu, và nhiều người không phải làm một thủ tục mà có thể làm nhiều thủ tục nên chiếm nhiều thời gian và công việc rất nặng nề”.
Ông Hải lo lắng khi sắp tới trên địa bàn phường có thêm 4 dự án đi vào hoạt động khiến dân số tăng hơn 10 ngàn người, sẽ gây thêm áp lực lên cán bộ, công chức phường trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong khi đó, chị Trần Thị Thủy, cư dân tại tòa chung cư HH1A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt chia sẻ cảm giác ngột ngạt, sốt ruột khi phải đến UBND phường làm thủ tục bởi không gian chật chội, số lượng người dân có mặt quá đông:
“Phường Hoàng Liệt là một trong những phường đông nhất của Hà Nội, lượng dân cư như vậy nhưng số lượng cán bộ ở dịch vụ công không khác so với những phường khác; diện tích và nơi làm việc cũng không khác gì so với phường khác nên khi người đến làm việc thì khu vực ngồi đợi chật chội, đông đúc, thời gian chờ để làm việc cũng lâu hơn”.
Người dân tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM cũng luôn phải chờ đợi khi làm thủ tục hành chính bởi số dân tại đây gấp hơn chục lần so với các phường có mật độ trung bình.
Anh Huỳnh Chí Cường, Khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa A bày tỏ: “Người dân đến quá đông mà họ không có đủ nhân lực, làm một bộ hồ sơ nhờ trong phường xác thực thì nếu ở phường khác cần 15-20 phút thì phường này mất cả tiếng đồng hồ. Nhà nước xem có chế độ tuyển thêm chứ họ cũng áp lực, giải quyết trong giờ hành chính mà số lượng nhiều quá thì họ có giải quyết được đâu”.
Chị Huỳnh Thúy Vi, nhân viên văn phòng tại phường Bình Hưng Hòa A cho biết áp lực công việc là quá lớn khi cố gắng giải quyết hết công việc trong ngày ở cơ quan: “Phường Bình Tân thì công việc phải gấp 2 lần phường khác, công việc rất nhiều làm ngày này qua ngày kia cũng không hết, biên chế còn giảm; thời gian làm xong có khi 6-7h, có khi vẫn ở lại đến 8-9h là bình thường vì rất nhiều công việc”.
Theo quy định hiện nay, mỗi phường/xã loại 1 tại TP.HCM bị khống chế mức giao biên chế tối đa 37 cán bộ (bao gồm công chức và không chuyên trách). Nếu theo quy định này, một phường hơn 100 nghìn dân và một phường 30 nghìn dân số có biên chế cán bộ như nhau. Do đó, lãnh đạo tại nhiều phường, quận tại TP.HCM đang kiến nghị tăng biên chế theo nguyên tắc phường, xã trên 50 nghìn người được xem là đông dân, và cứ thêm 10 nghìn dân sẽ được bổ sung một biên chế.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cũng cho rằng, nên tính tới việc phân bổ công chức xã, phường dựa vào đặc thù địa phương chứ không bị bó buộc bởi số lượng người như quy định chung hiện nay.
“Đã có quy định tùy theo số lượng dân cư xếp tại phường sẽ liên quan tới số lượng công chức phường, xã, đã có phân loại. Trong trường hợp ngoài kiểu bình thường ra thì phải có trường hợp đặc biệt để xử lý kịp thời, giải quyết vấn đề từ thực tiễn”, ông Nguyễn Đức Hà cho biết
PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên trưởng khoa Nhân sự, Học viện hành chính Quốc Gia cho rằng, việc nhồi nhét các khu đô thị, chung cư cao tầng với hàng vạn dân khiến bộ máy hành chính phường quá tải là điều đã được dự báo. Trong những năm qua, số lượng dân cư tại nhiều phường, xã phình to rất nhanh về dân số nên khối lượng công việc hành chính phải giải quyết hằng ngày rất lớn và có xu hướng gia tăng, mức độ phức tạp của công việc càng cao.
Do đó, PGS.TS Võ Kim Sơn đề xuất nên linh hoạt trong việc bố trí biên chế theo quy mô dân số và tính chất đa dạng, phức tạp của địa bàn: “Điều quan trọng là phải xem xét, điều chỉnh lại con người làm việc tại xã, phường theo cơ chế linh hoạt. Mỗi vị trí việc làm gắn với một công chức, do đó vị trí việc làm tăng lên gắn với nhu cầu của công dân, dịch vụ cho công dân trong phạm vi quyền hạn tăng lên, tự động được bổ sung. Nên có tư duy đổi mới từ việc có quy chế rõ ràng cho bộ máy từ cấp xã có quyền điều chỉnh biên chế khi khối lượng công việc tăng lên”.
Quá trình đô thị hóa nhanh khiến nhiều xã/ phường ở các đô thị lớn mọc lên các khu đô thị với quy mô, số lượng dân cư lớn. Tốc độ gia tăng dân số không chỉ gây sức ép lên cơ sở hạ tầng mà còn khiến bộ máy chính quyền cơ sở chịu áp lực quá lớn.
Câu chuyện dân số đông, nhưng thiếu nhân sự cấp xã/ phường hiện nay cho thấy cần sớm có cơ chế để “Gỡ khổ” cho cán bộ và người dân”.
Các tòa chung cư hàng chục tầng đi vào hoạt động sẽ nhanh chóng kéo theo một lượng lớn người dân về ở. Vì thế, khi một khu đô thị mới hình thành thì điều đương nhiên là chính quyền cơ sở cũng phải cáng đáng thêm một khối lượng lớn công việc từ việc gia tăng dân số cơ học.
Trong khi đó, ở các khu đô thị, sự biến động dân cư rất lớn, thất thường và khó quản lý do sự dịch chuyển liên tục của người mua, người bán đối với mỗi căn hộ ở các tòa nhà. Điều này khiến việc quản lý hành chính ở những phường/xã đông dân cư vốn đã quá tải lại càng thêm khó khăn.
Trong khi đó, theo mặt bằng chung, một xã/ phường đông dân cư tại Hà Nội, TP.HCM có khoảng 100 đến 120 nghìn người, gấp 3-4 lần so với một huyện ở biên giới phía bắc nhưng nhưng bộ máy là chỉ là cấp phường với lương cấp phường, biên chế cấp phường...là điều không hợp lý.
Điều này dẫn đến việc xử lý hồ sơ, phục vụ người dân với khung biên chế công chức sẽ rất khó khăn. Nhiều khảo sát cho thấy, khối lượng hồ sơ bình quân của công chức ở những nơi này gấp nhiều lần so với các phường, xã ở tỉnh, thành phố khác. Do đó, việc tăng công chức cho các xã, phường đông dân là cần thiết.
Để tăng số lượng công chức cho những nơi cần thiết, trước hết nằm ở việc điều tiết biên chế dôi dư, giảm cán bộ ở xã, phường ít dân và tăng cho nơi đông dân để cân đối bộ máy. Hiện, khối lượng công việc ở phường xã ít hay nhiều thường căn cứ vào diện tích, dân số ở địa bàn.
Nơi nào dân nhiều, công việc tăng thì số lượng cán bộ công chức cũng tăng và ngược lại. Điều này cũng tránh được sự bất bình đẳng trong đội ngũ công chức cơ sở khi cùng một vị trí, một mức lương nhưng số lượng người phải phục vụ khác xa nhau.
Việc điều chỉnh nhân lực theo hướng phù hợp với số dân sinh sống là điều cần thiết và cần sớm được làm ngay. Tuy vậy, giải pháp căn cơ cho vấn đề này còn nằm ở việc phải ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết hồ sơ hành chính.
Trong đó cần sớm đào tạo về chuyển đổi số, cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý để mỗi cán bộ công chức làm việc hiệu quả hơn, năng suất xử lý công việc tốt hơn.
Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin thì đội ngũ cán bộ cơ sở tại xã/ phường sẽ từng bước chuẩn hóa quy trình làm việc, đồng bộ và đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục và trả kết quả cho người dân.
Mặt khác, bên cạnh nỗ lực từ bộ máy chính quyền, rất cần những giải pháp để thực hiện quy hoạch theo hướng bền vững nhằm ngăn chặn tình trạng nhồi nhét chung cư, gây ra áp lực về hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa - xã hội và áp lực lên đội ngũ cán bộ hành chính tại địa phương.