“Bắt pen", trào lưu độc hại mang hiểm hoạ khôn lường với tính mạng

Những ngày gần đây trên mạng xã hội lan truyền những clip được thực hiện bởi học sinh mang tên "bắt pen", tức là dùng ngón tay chèn vào khu vực cổ, từ đó tạo ra cảm giác "lạ", trải nghiệm "lạ".

Việc xuất hiện và lan truyền trào lưu độc hại đang khiến dư luận rất lo ngại cho sức khỏe, thậm chí tính mạng của học sinh. PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Phạm Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Tổng hội Y học Việt Nam về những khuyến cáo cấp bách về trào lưu này.

 

Ảnh cắt từ clip về trò "bắt pen" lan truyền trên mạng xã hội

PV: Xin bà cho biết nguy hiểm mà người trẻ không biết khi thực hiện trào lưu "bắt pen" (dùng tay chèn vào cổ)  để tạo cảm giác lạ?

Bà Phạm Hoàng Giang: Rất nhiều các bạn trẻ cho rằng là “bắt pen” là một trò vui. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là một trò chơi. Và nó có những ảnh hưởng xấu đến hệ tuần hoàn máu cũng như là hệ thần kinh ở cổ. Bởi họ sẽ dùng ngón tay để chèn nhẹ vào phần cổ, thường là ở khu vực dưới hàm hoặc là ở hai bên cổ vì mục đích là tạo nên cảm giác lạ hoặc là mất cân bằng.

Trào lưu này được thực hiện kèm theo những âm thanh hoặc là những hiệu ứng hình ảnh trên các nền tảng như tiktok để tăng cái sự thu hút và giải trí. Thứ nhất là nó sẽ cản trở tuần hoàn máu lên não. Có thể sẽ vô tình chèn ép vào những động mạch lớn ở cổ, còn gọi là động mạch cảnh và bởi vì não phụ thuộc vào lượng oxy và dưỡng chất ở trong máu để duy trì hoạt động cho nên là việc giảm lưu lượng máu đột ngột có thể dẫn đến tình trạng mất ý thức, bị chóng mặt hoặc là thậm chí là tổn thương não nếu như mà tình trạng này kéo dài.

Thứ hai là nó sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Khi chèn tay vào cổ thì sẽ ảnh hưởng đến khí quản, gây khó thở và giảm lượng không khí vào phổi, làm cho cơ thể của chúng ta bị thiếu oxy. Thứ ba là nó sẽ làm tổn thương hệ thần kinh vùng cổ. Bởi vì ở cổ có rất là nhiều dây thần kinh quan trọng, dây thần kinh mà vận động và gây những tê liệt tạm thời, hoặc là thậm chí là cả những tổn thương vĩnh viễn.

Thứ tư là nguy cơ về đột quỵ. Khi mà chén tay vào cổ thì có thể sẽ vô tình tạo áp lực lên những cái động mạch cảnh và gây ra cái sự thay đổi đột ngột ở trong huyết áp thì điều này có thể là làm xuất hiện những huyết khối ở trong cái mạch máu hoặc là gây ra những tình trạng là xé rách nội mạc của động mạch khiến cho là tăng nguy cơ đột quỵ.

Nguy cơ thứ năm đấy là tâm lý về gây hại và tự gây hại. Nếu như mà những người trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm lý thì hành động chèn cổ có thể trở thành một thói quen hoặc là cũng có thể trở thành một  hành vi gây hại nghiêm trọng.

PV: Dấu hiệu nào để những người xung quanh kịp thời cấp cứu nếu không may có biến chứng của "bắt pen", thưa bà?

Bà Phạm Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Tổng hội Y học Việt Nam

Bà Phạm Hoàng Giang: Những người xung quanh có thể là nhận biết một số dấu hiệu như sau để kịp thời can thiệp và cấp cứu. Thứ nhất, hiện tượng khó thở hoặc là thở gấp. Tức là người gặp nạn có thể có dấu hiệu là thở khó khăn, thở gấp gáp hoặc là tiếng thở là khò khè. Họ có thể không nói rõ hoặc là phải dùng nhiều sức để thở.

Thứ hai là da của họ sẽ trở nên là xanh tái hoặc là tím tái. Bạn có thể quan sát ở da mặt, môi hoặc là ở đầu ngón tay sẽ trở nên xanh tái lại hoặc là tím. Đây là một dấu hiệu mà cản trở nghiêm trọng việc lưu thông máu và vấn đề về đường hô hấp.

Thứ ba là có thể bị mất ý thức hoặc là ngất xỉu. Tức là họ có thể là bị mất thăng bằng và không phản ứng hoặc là mất ý thức hoàn toàn. Đây là một dấu hiệu cho thấy rằng là não đã bị thiếu oxy hoặc là lưu thông máu và đi loạng choạng hoặc là ngồi không vững.

Thứ năm là mất cảm giác đi hoặc là bị tê liệt ở cái vùng cổ, vùng vai hoặc là vùng tay. Và một dấu hiệu rất nghiêm trọng khác, đó là một số trường hợp có thể sẽ bị xuất hiện những cái triệu chứng về co giật hoặc là co cứng chân tay và xuất hiện những cảm giác sợ hãi hoặc là lo âu quá mức sau khi mà tham gia vào trào lưu bắt pen này.

Trong những trường hợp đó thì chúng ta là cần phải gì? Thứ nhất là phải luôn giữ bình tĩnh, sau đó là gọi cấp cứu nếu như mà xuất hiện những dấu hiệu nghiêm trọng như là ngất xỉu này hoặc là khó thở này hoặc là mất ý thức hoặc là co giật. Chúng ta cũng không được thực hiện những thao tác mà gây áp lực lên vùng cổ nữa, nó có thể gây thêm sự tổn thương. Cần phải luôn kiểm tra xem thử là người bị nạn có đang thở đều không, mạch đập có ổn định hay không. Nếu như mà không có dấu hiệu của sự sống thì cần phải thực hiện hô hấp nhân tạo.

PV: Quá nhiều trào lưu độc hại xuất hiện liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến giới trẻ. Tổng hội Y học Việt Nam khuyến nghị gì với cơ quan chức năng để kiểm soát các nội dung xấu độc, thưa bà?

Bà Phạm Hoàng Giang: Đối với cơ quan chức năng, cần phải tăng cường kiểm soát những nội dung ở trên mạng xã hội như là Tiktok hay là Facebook hoặc là Youtube đồng thời phải phát hiện và gỡ bỏ kịp thời.

Thứ hai là có thể là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để lọc những cái nội dung. Tức là cơ quan có thể hợp tác với những nhà cung cấp nền tảng để sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm theo dõi và nhận diện những nội dung xấu một cách tự động để giảm sự lan truyền của chúng. Cần phải đẩy mạnh những biện pháp và chế tài xử lý nghiêm nh, trong đó thì cần phải xây dựng và áp dụng những quy định của pháp luật về kiểm duyệt nội dung mạng.

Cùng với đó, xử lý những cá nhân hoặc là những tổ chức phát tán những nội dung độc hại này bao gồm cả những hình thức là phạt hành chính và cả hình sự nếu cần thiết. Và cần phải xử lý nghiêm với người sáng tạo và lan truyền những nội dung nguy hại này.

Khuyến nghị thứ ba, đó là phải tăng cường chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức. Trong đó sẽ có chiến dịch truyền thông giáo dục để mà nâng cao nhận thức được phụ huynh và cả giới trẻ về những trào lưu độc hại và những tác hại tiềm ẩn. Và những chiến dịch này thì cần phải phát trên nhiều kênh khác nhau như là từ truyền hình, báo chí cho đến là mạng xã hội.

Khuyến khích tạo ra những cái nội dung mà mang tính giáo dục, lan tỏa thông điệp tích cực ở trên mạng xã hội, giúp giới trẻ có thêm nhiều lựa chọn giải trí lành mạnh. Và một bước nữa rất là quan trọng đấy là cũng cần phải đào tạo giáo viên về kỹ năng sử dụng mạng Internet và nhận diện những rủi ro và hỗ trợ được học sinh trong việc là xử lý khi gặp phải những tình huống không an toàn ở trên mạng.

PV: Xin cảm ơn bà.