Bất đồng quanh kế hoạch thu phí tắc nghẽn lên tới 23 USD/ngày

Nhằm giảm 15-20% lượng ô tô vào trung tâm, chính quyền thành phố New York (Mỹ) dự kiến sẽ thu phí ùn tắc giao thông và New York sẽ là thành phố đầu tiên của nước Mỹ áp dụng hình thức thu phí này.

 

Thành phố New York dự kiến thu phí với phương tiện đi vào hoặc ở lại trong khu trung tâm tính từ giữa Đường 60 thuộc khu trung tâm Manhattan với công viên Battery ở rìa nam Manhattan. Ước tính có khoảng 7,7 triệu người thường xuyên ra vào khu vực này, trong đó 1,85 triệu người đi bằng ôtô.

Cơ quan Giao thông Đô thị Mỹ (MTA) đưa ra 7 kịch bản thu phí. Mức phí sẽ thay đổi theo ngày, dao động từ  9 - 23 USD (tương đương 210.000 - 537.000 VNĐ) khi vào khu trung tâm ở khung giờ cao điểm, phí để xe qua đêm là 5 USD (khoảng 116.000 VNĐ).

Giờ cao điểm sẽ được tính từ 6h sáng đến 20h các ngày trong tuần và 10h sáng đến 22h các ngày cuối tuần.

Ngày 10/8 vừa qua, Cơ quan Quản lý Đường cao tốc Liên bang (FHWA) cho biết đã phê duyệt đánh giá môi trường cần thiết của kế hoạch này và sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp của người dân tới trước ngày 9/9.

Chính quyền thành phố New York (Mỹ) dự kiến sẽ thu phí ùn tắc giao thông. Ảnh: Reuters

 

Giám đốc điều hành MTA Janno Lieber cho biết: “Đây là một việc làm đúng, bởi vì chúng ta đều biết rằng trung tâm thành phố đang quá ngột ngạt và chúng ta không có chỗ để cho xe buýt và các phương tiện khác. Việc áp phí tắc nghẽn giao thông sẽ giúp kéo giảm ùn tắc, có lợi cho môi trường, phương tiện công cộng”.

Theo báo cáo đánh giá môi trường công bố ngày 10/8, việc thu phí sẽ giúp giảm lưu lượng giao thông khoảng 9%, cải thiện chất lượng không khí, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt và nâng cao tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng thêm 1-2%.

Cụ thể, đánh giá cho thấy ô nhiễm sẽ giảm khoảng 11% ở khu trung tâm và hạ Manhattan và gần 9% ở Thượng Manhattan. Các khu vực khác cũng có tác động tích cực nhưng ở mức thấp hơn. Ví dụ, hạt Hudson ở New Jersey sẽ thấy ô nhiễm chỉ giảm 3%.

Đồng thời, thu phí tắc nghẽn giao thông cũng giúp tăng thu ngân sách 1-1,5 tỷ USD mỗi năm để nâng cấp hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm.

Một số chuyên gia và người dân bày tỏ ý kiến:

“Tôi nghĩ kế hoạch thu phí này rất cần thiết, chính quyền cần triển khai những biện pháp như thế này để giúp giao thông trở nên dễ thở hơn”. 

“Chúng ta cần thêm kinh phí để nâng cấp hệ thống tàu điện ngầm. Chúng ta cần đầu tư để nó trở nên đáng tin cậy và nhanh hơn. Và hơn hết chúng ta cần một nơi tốt hơn, nơi mọi người thoát khỏi ô tô cá nhân; nhờ đó môi trường trở nên trong lành hơn trong tương lai”.

Đồng quan điểm, Ủy viên Giao thông vận tải NYC Ydanis Rodriguez cho biết cần phải định giá tắc nghẽn để "đầu tư vào phương tiện công cộng, hạn chế khí thải và giảm lưu lượng giao thông".

Kế hoạch thu phí tắc nghẽn này cũng vấp phải những ý kiến trái chiều. Ảnh: AP

Mặt khác, kế hoạch thu phí tắc nghẽn này cũng vấp phải những ý kiến trái chiều.

Dân biểu Tiểu bang Mike Lawler, từ Hạt Rockland, bày tỏ: “Đây là một ý tưởng khủng khiếp, không hơn gì thuế đánh vào cư dân ngoại ô."

Trên thực tế, việc thu phí sẽ gây bất lợi với một số đối tượng, chẳng hạn như những lái xe có thu nhập thấp không có lựa chọn đi lại thay thế, hoặc những người lái taxi và các phương tiện cho thuê khác. Đối với những trường hợp đó, MTA có thể đưa ra một loạt các biện pháp giảm phí hoặc ễn trừ để giúp bù đắp gánh nặng chi phí.

Tuy nhiên, điều đó là không đủ đối với Hạ nghị sĩ New York Lee Zeldin, ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc đua giành chức thống đốc. Ông đánh giá thấp kế hoạch này và cho rằng nó như một cách để MTA giải quyết việc chi tiêu không hiệu quả bằng cách lấy thêm tiền từ người dân.

"Định giá tắc nghẽn là một ý tưởng khủng khiếp sẽ tạo ra nỗi đau kinh tế mới. Cuộc sống ở New York đã đủ khó khăn cho rất nhiều người. Giờ đây, các chính trị gia và quan chức muốn rút nhiều tiền hơn, lấy thêm 1 tỷ USD từ túi của những người không đủ khả năng chi trả”, Lee Zeldin nói.

Một số người dân nêu ý kiến:

“Tôi nghĩ đây không phải ý tưởng hay, lạm phát đang diễn ra và chúng tôi đang phải trả thêm tiền. Thu nhập ít đi khiến việc chi tiêu đang rất khó khăn rồi”. 

“Tôi không nghĩ như thế là công bằng. Tôi đến từ New Jersey và tôi đã phải trả phí để vào thành phố rồi”.

Một số nhà lập pháp ở New Jersey cho rằng kế hoạch này không công bằng vì những người lái ô tô đã trả phí các cầu và đường hầm để vào New York, và tiền từ thu phí tắc nghẽn sẽ không được sử dụng để cải thiện phương tiện công cộng ở New Jersey. Một số lái xe trả phí cầu đường để vào Manhattan từ New Jersey dự kiến sẽ được giảm giá hoặc được ễn.

Thống đốc New Jersey Kathy Hochul tìm cách xoa dịu những lời chỉ trích về kế hoạch này, ít nhất là vào lúc này, nói rằng mọi thứ vẫn đang trong giai đoạn sơ bộ: “Quá trình này vẫn chưa kết thúc, vẫn còn thời gian để công chúng đóng góp ý kiến”.

Việc thu phí dự kiến sẽ không thực hiện trước cuối năm 2023. Dù không đưa ra mốc thời gian cụ thể, Cơ quan Giao thông Đô thị Mỹ (MTA) cho biết sau khi được thông qua, có thể mất tới 10 tháng để quy định có hiệu lực. Trong giai đoạn này, New York thiết kế và triển khai hệ thống thu phí.

New York là khu vực có tình trạng tắc nghẽn giao thông trầm trọng nhất tại Mỹ và sẽ là thành phố lớn đầu tiên của Mỹ sau London, Singapore, Stockholm thu phí tắc nghẽn giao thông.

Còn tại Việt Nam, Hà Nội và Tp.HCM đã nhiều lần đề xuất thu phí nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông nhưng đến nay đề án này vẫn chưa đạt được sự đồng thuận để có thể triển khai.

Mới đây nhất, vào giữa tháng 8, Sở GTVT TPHCM một lần nữa báo cáo với UBND thành phố về đề xuất thực hiện lập dự án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm.

Các chuyên gia giao thông đều cho rằng, việc hạn chế xe cơ giới đi vào trung tâm thành phố để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là rất cần thiết thế nhưng cần cân nhắc thời điểm triển khai, tránh việc phí vẫn thu mà đường vẫn ùn tắc.

Thu phí nội đô cần đi kèm với các phương án cải thiện giao thông công cộng, xây dựng các bãi đỗ xe ngoài vành đai, đặc biệt thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân.