Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Theo quy định, từ tháng 8 năm nay, các trung tâm đào tạo lái xe sẽ bắt buộc phải trang bị phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, để học viên tập trên máy tính. Đến nay, các trung tâm đào tạo đã chuẩn bị thế nào? Cơ quan chức năng có kiên quyết thực hiện, hay lại nương tay khi các trung tâm kêu khó?
Thêm nữa, khâu sát hạch có thay đổi gì nếu bổ sung phần này vào nội dung đào tạo?
Với mục đích nâng cao kỹ năng điều khiển cho học viên tại các trung tâm đào tạo lái xe, Nghị định 138 do Chính phủ ban hành quy định tất cả các trung tâm đào tạo lái xe phải có thiết bị tập lái để học viên tập luyện kỹ năng trong điều kiện đường sá, thời tiết và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo ATGT.
Với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, các học viên sẽ được làm quen và tập phản xạ với những tình huống và cung đường, điều kiện thời tiết khác nhau. Ví dụ, khi điều khiển bằng mô hình này, học viên sẽ nhận được tín hiệu cảnh báo nếu điều khiển phương tiện đi sai làn đường, điều khiển xe đi vào làn đường dành cho người đi bộ, quên thắt dây an toàn và khi xảy ra tai nạn tự trang bị và nâng cao kỹ năng xử lý tình huống.
Anh Nguyễn Ngọc Hà, một người tham gia giao thông tại Hà Nội cho biết, anh đã biết đến mô hình thiết bị để để tập lái xe ô tô và nhiều nước tiên tiến đã đưa mô hình này vào chương trình đào tạo người lái xe. Anh Hà cho rằng, đây là một phương pháp học hiện đại và hữu ích đối với người lái xe.
“Mô hình này rất cần thiết trong việc đào tạo và sát hạch lái xe vì đối với những người bắt đầu học, còn thiếu kinh nghiệm và chưa quen thao tác, nên khi học trên mô hình giúp họ tự tin hơn và trải nghiệm được cảm giác như ngoài đường thật. Ngoài kỹ năng còn giúp cho người học quen với nhiều địa hình như đường trong đô thị, đường đèo núi, lái xe ban đêm hoặc thời tiết không thuận lợi”.
Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên kênh VOV Giao thông với một số Trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn Hà Nội như Việt Thanh, Thái Việt, Đông Đô và Trung tâm Đào tạo lái xe VOV đều nhận được phản hồi rằng, tới nay, các Trung tâm đã biết đến quy định phải trang bị phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, tuy nhiên, hiện nay, các Trung tâm đều chưa trang bị phần mềm này.
Lý do các đơn vị này chần chừ là vì chưa nhận được thông tin chính thức về lộ trình thực hiện từ phía cơ quan chức năng. Phần mềm và thiết bị mô phỏng nào sẽ được áp dụng, cũng chưa có thông tin và hướng dẫn cụ thể. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe VOV cho biết:
“Trung tâm chỗ mình hiện nay chưa có chuẩn bị gì về cái này. Mô hình ảo đó chưa thực tế lắm, thấy nó vẫn mơ hồ. Nếu chủ trương mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra bắt buộc thì các Trung tâm phải làm thôi, nhưng thực tế để nó tốt cho học viên thì hiện chưa thấy nó tốt cho học viên gì cả”.
Trao đổi cùng phóng viên kênh VOV Giao thông về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ VN cho biết: việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe đây là một điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe nên nếu trung tâm nào không trang bị sẽ không được phép đào tạo lái xe ô tô.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng quy chuẩn quốc gia đối với thiết bị này. Sau khi có quy chuẩn, sẽ có các đơn vị cung cấp phần mềm và thiết bị đạt quy chuẩn cho các trung tâm đào tạo lái xe để sử dụng trong quá trình dạy học. Dự kiến, quy chuẩn này sẽ được ban hành trong cuối quý III và đầu quý IV năm nay.
Vì thế, quy định, các trung tâm đào tạo lái xe sẽ bắt buộc phải trang bị phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, để học viên tập trên máy tính từ tháng 8 này sẽ không thực hiện được.
Ông Lương Duyên Thống cho biết thêm, nếu trước đây việc đào tạo lái xe chỉ chủ yếu trong trong sân tập lái hoặc thực tế trên đường, khi được trang bị thiết bị mô phỏng thì học viên sẽ được cảm nhận chuẩn xác các yếu tố về địa hình, thời tiết, tình trạng giao thông….
Về những giải pháp để áp dụng mô hình này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ VN cho biết:
“Tổng cục Đường bộ VN sẽ xây dựng một phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông thực tế, các vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các tình huống điển hình để chuyển giao cho các cơ sở đào tạo để đào tạo người học xử lý trên thiết bị mô phỏng. Đây là một giải pháp để người học trải nghiệm đầy đủ tình huống, rèn luyện kỹ năng. Mô hình này có thể coi là một giải pháp để nâng cao ATGT, giảm thiểu tai nạn”.
Hiện nay, ứng dụng công nghệ mô phỏng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong hoạt động giáo dục và đào tạo đã trở thành xu hướng. Vì thế việc đưa vào sử dụng thiết bị và mô hình học lái xe là một xu hướng tất yếu trong quá trình đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo lái xe.
Tuy nhiên, để mô hình này mang lại sớm mang lại hiệu quả cho học viên đồng thời tạo thuận lợi trong công tác giảng dạy, anh Hồ Sỹ Tuyến, giáo viên dạy lái xe thuộc Trung tâm Việt Thanh nêu ý kiến:
“Mô hình này thực sự có hiệu quả nhưng đối với giáo trình dạy học đã được thiết lập 18-20 năm nay thì để thay đổi là không dễ dàng. Mong rằng các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể và mô hình đưa vào sử dụng sát với điều kiện thực tế để công tác đào tạo không bị xáo trộn và đạt hiệu quả cao”.
Chú trọng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cũng chính là quan tâm đến tính mạng người dân. Trong khi thực tế là chúng ta đanng chưa trang bị cho học viên đầy đủ về kiến thức, kỹ năng và cả ý thức lái xe.
Vì thế, việc trang bị phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe vào quy trình đào tạo là một giải pháp để các cơ quan chức năng đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành; góp phần nâng cao chất lượng chương trình dạy học. Vậy làm sao để quy định này khả thi và đem lại hiệu quả trên thực tiễn.
“Đừng để các trung tâm đào tạo lái xe nhắm mắt và tưởng tượng” (Bài bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOV giao thông)
Mục đ, khoản 2, điều 1, Nghị định 138/2018/NĐ-CP quy định: Phòng học Kỹ thuật lái xe phải có thiết bị mô phòng để đào tạo lái xe. Chỉ còn 3 tháng nữa, quy định phòng học kỹ thuật lái xe của các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe sẽ phải có thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe theo mục đ, khoản 2, điều 1, Nghị định 138/NĐ-CP.
Tuy nhiên, đến lúc này, các trung tâm đào tạo vẫn chưa được hướng dẫn thế nào là thiết bị mô phỏng. Quy cách, tiêu chuẩn của thiết bị này ra sao? Đó là thiết bị điện tử, 3D, hay thiết bị cơ khí, dưới hình thức mô hình, sa bàn…? Chưa có bất cứ một văn bản hướng dẫn nào trả lời những câu hỏi này.
Về nguyên tắc, khi chưa có hướng dẫn cụ thể, các trung tâm có thể dùng bất cứ thiết bị gì mà học viên có thể hình dung được quá trình lái xe cũng đều được coi là thiết bị mô phỏng. Họ có thể đầu tư những thiết bị 3D đắt tiền, có thể chỉ đơn giản là một cái đầu video để phát các clip mô phỏng tình huống cho học viên, nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc chọn đầu tư thiết bị nào là bài toán đau đầu đối với các trung tâm khi mà không biết khi nào thì sẽ có hướng dẫn chính thức về các tiêu chuẩn thiết bị, và các tiêu chuẩn đó cụ thể ra sao. Nguy cơ đầu tư rồi phải bỏ vì không đáp ứng tiêu chuẩn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Một quyết định pháp lý khi đã ấn định thời gian có hiệu lực, thì điều bắt buộc là các quy định trong đó cần được cụ thể hóa nhằm tránh các hiện tượng đối phó, thực hiện cho có, hoặc đối tượng thi hành phải tự hình dung, dẫn đến đầu tư một cách lãng phí.
Chỉ còn 3 tháng nữa để các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trang bị thiết bị mô phỏng cho phòng học kỹ thuật. Bởi thế, đã là quá chậm chễ để Bộ giao thông vận tải cần ban hành các thông tư hướng dẫn liên quan đến Nghị định này, không chỉ riêng quy định về thiết bị mô phỏng.
Học viên học lái xe không thể nhắm mắt để tưởng tượng cách lái xe, và các trung tâm đào tạo cũng không thể nhắm mắt và tưởng tượng về thứ thiết bị mà mình sẽ đầu tư.