Gia đình bà Lê Thị Ánh ở thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã quen với việc phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nhà. Rác hữu cơ gồm rau củ quả, thức ăn thừa được phân loại riêng và ủ làm phân bón cho cây trồng. Bà Lê Thị Ánh chia sẻ: "Tôi thấy đó cũng tốt, tại vì phân loại rồi mình bỏ ra có người thu gom nó cũng sạch sẽ môi trường hơn...."
Sau thời gian thực hiện mô hình thí điểm, mô hình ủ phân bón hữu cơ (phân compost) tại ấp Đông Bình, xã Tân Thành đang tiến triển tốt, đã có sản phẩm phân compost và đang thực hiện thu mẫu để phân tích chất lượng phân compost. Từ việc phân loại rác thải đã giúp hộ dân biết cách tận dụng và xem rác là tài nguyên.
Ông Dương Thanh Thuận, Trưởng ấp Đông Bình, xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang phấn khởi cho biết, trên địa bàn được chọn làm mô hình điểm là niềm phấn khởi của người dân. Bước đầu có 100 hộ được triển khai thực hiện thí điểm mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Từ đó, giúp người dân nâng cao ý thức hơn trong bảo vệ môi trường. Đây là mô hình thiết thực, nên trong thời gian tới được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, ấp tiếp tục nhân rộng trên các hộ dân trên địa bàn.
Ông Dương Thanh Thuận, cho biết: “Hướng dẫn người dân phân loại rác, rồi mình thành lập tổ thu gom. Xây hố để ủ phân, còn cái nào không được thì đưa ra bên môi trường thu gom. Vỏ rau củ quả người dân sử dụng hàng ngày phụ phẩm bỏ, lấy cái đó để ủ phân”.
Có thể thấy việc phân loại giúp cho công nhân thu gom dễ dàng hơn, mang lại giá trị kinh tế vì nhiều loại rác có khả năng tái chế cao, làm phân bón rất tốt cho cây trồng, đặc biệt trong bối cảnh phân bón tăng thì việc tận dụng rác thải làm phân bón hữu cơ giúp tiếp kiệm chi phí rất lớn.
Tại HTX Nông sản an toàn Long Trị A, ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, phần lớn bà con xã viên ở đây cũng dần chuyển sang phân hữu cơ mấy vụ vừa qua. HTX hiện có 21 thành viên, gần 34ha đất sản xuất, trong đó có 13 hộ chuyên sản xuất rau ăn lá các loại, với trên 2ha. 100% thành viên trong HTX đã chuyển sang sử dụng phân hữu cơ thay cho phân bón hóa học trên cây trông, rau, màu. Đặc biệt, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Ông Hồ Ngọc Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Long Trị A, cho biết: “Làm phân vi sinh, hữu cơ để trồng cho rau màu cái đó, tức nhiên trong nhóm lúc nào cũng có làm hết. Hộ nào cũng tự thân hoạt động hết để làm”.
Với Đề án Hậu Giang xanh, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phấn đấu 50% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom và xử lý tập trung hoặc xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, riêng các xã nông thôn mới nâng cao đạt từ 95% trở lên. Phấn đấu đến năm 2030, 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường…
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Rõ ràng các mô hình này rất hiệu quả. Người dân tự nguyện, tự giác thì người ta mới tham gia triệt để trên cơ sở những mô hình như thế trong đề án này chúng tôi sẽ tổng hợp lại các mô hình để nhân rộng trong địa bàn tỉnh. Rất hy vọng người dân trong tỉnh đồng lòng tham gia thì đề án Hậu Giang xanh chúng ta sẽ gặt hái nhiều kết quả tốt.
Có thế thấy, những hoạt động như thu gom, phân loại hay tái chế rác đều là việc chúng ta dễ dàng thực hiện mỗi ngày và có thể góp phần làm thay đổi vấn đề môi trường của chúng ta. Những hành động dù nhỏ nhưng sẽ nhân lên thành kết quả lớn nếu nhiều người đồng lòng chung tay thực hiện.