Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Khu phố cổ Hà Nội đang đứng trước nhiều biến động to lớn, phức tạp của sự thích ứng trước sự phát triển của đời sống xã hội, đặc biệt là tình trạng hạ tầng biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng.
TP. Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để cải tạo đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, hệ thống điện, nước. Người dân phố cổ hiện không còn cảnh thiếu điện, thiếu nước, dùng xí thùng. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao do mật độ dân số lớn, diện tích ở chật hẹp, tiện nghi kém. Vẫn còn 562 người sống bên trong di tích.
Theo Tiến sĩ Tô Thị Toàn, Nguyên Ủy viên Ủy ban KHCNMT của Quốc hội, công tác di dân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát triển phố cổ. Nhưng hiện ít được người dân ủng hộ bởi giá trị thương hiệu Khu phố cổ quá lớn. Đến nay, mới có khoảng 100 hộ dời khỏi di tích, đình, chùa, đền, trường học, cơ quan: “Chúng ta phải có chính sách, chế độ động viên họ đến nơi ở mới. Dù điều kiện sống khá hơn nhưng không có công ăn việc làm, không quan hệ hàng xóm, huyết thống thì họ không biết làm gì, chơi với ai thì không được. Người làm chính sách cần lưu ý điều này”.
Đồng quan điểm, Giáo sư Đặng Văn Bài – Nguyên Cục trưởng Cục bảo vệ di sản cho rằng, đa phần quỹ kiến trúc trong phố cổ là sở hữu tư nhân, của cộng đồng. Công tác bảo tồn phải phục vụ và huy động nguồn lực từ cộng đồng, các nhà khoa học: “Quốc tế đã làm và thành công. Ở Việt Nam, phố cổ Hội An cũng đã làm. Đại diện cộng đồng chính là người gần và hiểu dân nhất, biết dân mong đợi, suy nghĩ gì. Chúng tôi rất mong thành lập sớm ban đại diện cộng đồng để thành cánh tay hỗ trợ đắc lực cho Ban quản lý phố cổ Hà Nội”.
Chia sẻ đề xuất này, bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng ban quản lý phố cổ Hà Nội khẳng định, hiện Ban đang dựa vào sự tư vấn hữu ích của các nhà khoa học trong việc tạo điều kiện cho người dân khu phố cổ di dời, cải tạo không gian nhà: “Có những bước thỏa thuận, hộ dân xin phép xây dựng các ngôi nhà xuống cấp. Chúng tôi có tổ chuyên gia trong Ban quản lý để hướng dẫn tận tình cho người dân tuân thủ đúng các quy định của Thành phố, Bộ Xây dựng đưa ra”.
PGS Nguyễn Trúc Anh – Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội nêu thông tin: Sở đang tư vấn xây dựng quy chế quản lý kiến trúc mới, trình TP Quy hoạch không gian ngầm 4 quận trung tâm, Quy hoạch phân khu quận Hoàn Kiếm, gồm: phố cổ, phố cũ, Hồ Gươm và phụ cận. Trong đó trọng tâm hướng tới phát triển dịch vụ, du lịch. Mục tiêu là giãn dân 4 quận nội thành từ 1,1 triệu dân hiện nay xuống 800 nghìn dân.
“Chúng ta tham khảo mô hình BID, những khu vực đặc thù buôn bán. Vai trò cộng đồng của người dân là quan trọng nhất. Họ bảo tồn các giá trị, cải tạo chỉnh trang các không gian công cộng, hấp dẫn du lịch, buôn bán sầm uất hơn. Từ đó thu được thêm thuế, phí để tái phát triển phố cổ”, PGS Nguyễn Trúc Anh nói.
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cũng khẳng định, Khu phố cổ Hà Nội là một quần thể sống, cần đặt người dân vào vị trí trung tâm để bảo tồn, phát huy: “Không chỉ là giá trị vật thể, phi vật thể, cốt lõi là phải lấy người dân làm trung tâm bảo tồn, phát huy. Muốn vậy, cần quan tâm các yếu tố không gian vật chất, văn hóa, tạo được nguồn thu nhập để người dân phát triển kinh tế. Đấy mới là cái cần thiết”.
Nhiều ý kiến các nhà chuyên môn cũng nhấn mạnh, Hà Nội cần nâng tầm Khu phố cổ Hà Nội trở thành một bảo tàng sinh thái độ thị mở, hiện đại, không vách ngăn; từ một di sản trở thành động lực phát triển cho thành phố. Hà Nội có thể thực hiện các tuyến phố đi bộ-mua sắm-thương mại quy mô hơn; thí điểm không gian sáng tạo-đối thoại; nhà sinh hoạt văn hóa điển hình; quy hoạch chi tiết đến từng khu phố, từng nhà dân để người dân dễ dàng thực hiện cải tạo, cơi nới tại các vị trí cần ưu tiên, bức thiết nhất.
---
Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 30/10 tại đây: