Bảo hành bằng… biển

Trong thời gian qua, khi các cơ quan đảm bảo an toàn giao thông xoá những dòng chữ không phù hợp trên biển báo giao thông ở một số tuyến đường cao tốc do tập đoàn Sơn Hải thi công thì đã có nhiều ý kiến tranh luận.

Kênh VOV Giao thông khẳng định, những dòng chữ bị xóa là nội dung không hợp lệ đối với biển báo giao thông. 

Quan sát cách nhiều người thảo luận, trao đổi về việc cơ quan chức năng (ở đây là cơ quan quản lý cao tốc) xóa dòng chữ “Đường do Tập đoàn Sơn Hải thi công bảo hành 10 năm” trên cao tốc Bắc Nam, đoạn từ Mai Sơn đi QL45, tôi cảm thấy vừa buồn cười vừa ngạc nhiên.

Buồn cười ở chỗ có khá nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng làm như vậy đâu đó là không công bằng, hoặc không tốt với Tập đoàn Sơn Hải, với nhà thầu. Thậm chí, một số khác cho rằng, làm như thế là trù dập.

Đây là vấn đề mà cá nhân tôi cũng thấy, trong nhiều năm đã phát sinh và trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng đã phải đứng ra giải quyết.

Tôi còn nhớ, khi Hà Nội xây dựng đường trên cao Vành đai 3, một nhà thầu khi họ thi công đoạn đi qua nút giao BigC, cũng đã ghi tên mình lên trên dầm cầu giữa đường. Sau đó, chính công ty đó phải bỏ tiền ra để xóa đi.

Tôi không hiểu, việc xóa dòng chữ “Tập đoàn Sơn Hải thi công bảo hành 10 năm” trên các biển chỉ dẫn giao thông là công việc của ai và ai trả tiền cho việc đó?

Ảnh: Báo Lao động

Nhưng điều quan trọng hơn cần phải làm rõ và cần phải nói rõ một việc như thế này. Ở đây, với các công ty, doanh nghiệp (trong trường hợp này là Tập đoàn Sơn Hải) là nhà thầu được trả tiền theo hợp đồng nhận thầu để xây dựng công trình (gồm một đoạn đường cùng với các biển báo giao thông trên đoạn đường đó).

Thực tế, các biển báo chỉ dẫn giao thông và chỉ dẫn liên quan trên đường quốc lộ trong phạm vi hành lang quốc lộ là một phần cấu thành của công trình mà nhà thầu đó đã được trả tiền, đã được nhận tiền để thi công.

Với các nhà thầu, tôi nghĩ theo hợp đồng, họ đã nắm rất rõ ràng việc có nghĩa vụ phải làm đúng như thiết kế, làm đúng theo tiêu chuẩn và sau đó bàn giao cho đơn vị thuê mình.

Tôi nghĩ, một nhà thầu nào đó sơn thêm bất kỳ thứ gì lên trên những biển báo giao thông, lên những cấu phần khác của các công trình mà họ đã được trả tiền để nhận thầu thi công là không tuân thủ đúng hợp đồng.

Ở đây sẽ có một vấn đề khác nữa, đó là trách nhiệm bảo hành 10 năm, 20 năm hay 30 năm… liệu có phát sinh thông qua một dòng chữ được chèn vào biển báo giao thông hay không? Câu trả lời là không!

Bởi một nghĩa vụ bảo hành như vậy là phải có và phải tồn tại trong hợp đồng nhận thầu mà nhà thầu ký với cơ quan trao thầu, chứ nó không phát sinh do việc một ai đó sơn một chữ nào đó lên một biển giao thông.

Biển báo trên tuyến cao tốc được thiết kế và phê duyệt (ảnh trái) và biển báo nhà thầu thi công thêm dòng chữ không đúng quy chuẩn (Ảnh: Báo Giao thông)

Thậm chí, một nhà thầu tự ý sơn dòng chữ đó lên biển báo như vậy, lẽ ra phải bị xử phạt, vì đó là hành vi làm sai lệch nội dung biển báo, có thể coi là một hành vi gây mất chú ý, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Tôi sẽ còn ngạc nhiên hơn, nếu như cơ quan quản lý đường bộ phải tự bỏ tiền để thuê người xóa dòng chữ đó. Lẽ ra, cơ quan chức năng cần phải có một văn bản rõ ràng và kiên quyết yêu cầu nhà thầu phải tự bỏ tiền, tự xóa những dòng chữ đó đi, thì mới đúng với tính chất, đúng với nguyên tắc của việc này.

Và cũng để không có thêm những nhà thầu khác, khi làm một công trình này hay công trình kia, lại muốn đưa tên mình vào đó, sử dụng một tài sản công cho việc quảng cáo của riêng mình.

Nhìn rộng hơn, trong các hợp đồng xây dựng các đoạn đường cao tốc Bắc Nam, sẽ có rất nhiều nhà thầu khác nhau.

Chúng ta có thể không biết tên những nhà thầu đó, bởi vì rất đơn giản, về nguyên tắc và về nghĩa vụ pháp lý, họ không được phép sử dụng các cấu phần ở trên con đường chỉ để cho mục đích tuyên truyền với mọi người rằng, đây là con đường do chúng tôi nhận thầu!