Bao giờ mới thôi quy hoạch treo để dân đỡ khổ

Quy hoạch treo không chỉ khiến người dân khổ sở, bị tước quyền lợi chính đáng trên tài sản của mình, mà còn gây lãng phí nguồn tài nguyên đất...

Ảnh nh họa

“Quy hoạch treo” là cụm từ mà bất kì ai nghe đến đều cảm thấy ngán ngẩm.

Bởi quy hoạch treo không chỉ khiến người dân khổ sở, bị tước quyền lợi chính đáng trên tài sản của mình, mà còn gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, kìm hãm phát triển kinh tế, tước đi quyền đầu tư bình đẳng của các doanh nghiệp và phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm. Thực trạng này không còn riêng ở những thành phố lớn mà đã len lỏi về các tỉnh lẻ. 

Nằm sát trung tâm TP Cần Thơ nhưng người dân khu vực Bình Nhựt, Phường Long Hòa, quận Bình Thủy nhiều năm nay không có nước sạch sử dụng.

Tất cả sinh hoạt đều nhờ vào nước giếng khoan. Cũng bởi vì sử dụng nước giếng khoan mà các vật dụng dùng hàng ngày như: Máy giặt, xô thùng, nhà vệ sinh đều phủ màu màu vàng sậm bởi độ phèn trong nước khoan quá cao.

Nhiều lần người dân kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết cung cấp nước sạch, thậm chí họ sẵn sàng chịu hết chi phí đấu nối đường ống nhưng không được chấp thuận.

Anh Vũ Văn Thụ - người dân sống trong khu vực Phường Long Hòa, quận Bình Thủy phản ánh rằng: “Mỗi tháng nhà tôi tốn khoảng 200 ngàn tiền nước, một tháng xài khoảng 17 bình, mua 12 ngàn/bình”.

Theo người dân, khoảng hơn chục năm trước thì nơi đây có nước sạch sử dụng bình thường, nhưng bắt đầu từ năm 2011 có thông báo nơi đây quy hoạch vào khu phân lô tách thửa nên không kéo điện nước để tránh tình trạng xây nhà không phép ồ ạt.

Bà Trần Thị Bạch Yến – Phó Chủ tịch UBND Phường Long Hòa, quận Bình Thủy lý giải: “Qua khảo sát thì tuyến này nằm trong khu phân lô tách thửa, người dân xây dựng nhà không phép thì theo chỉ đạo chung của UBND TP là không được kéo điện kéo nước để tránh nhà không phép mọc lên. Ủy ban phường cũng chờ hướng giải quyết từ UBND TP và công ty cấp thoát nước cũng chưa đồng ý cấp nước cho tuyến này”.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, dự án “Nhà máy chế biến gạo chất lượng cao Vì Dân” do Công ty Cổ phần gạo Vì Dân làm chủ đầu tư tại Cụm công nghiệp kho tàng và bến bãi Tân Tiến, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh. Diện tích sử dụng đất khoảng 13 hecta.

Thế nhưng những hộ xung quanh dự án có cây trồng và các công trình khác hơn năm nay đều nằm chờ vì doanh nghiệp giải tỏa nhưng bóng dáng thì mất tăm không thấy thi công. Trong khi vốn liếng của bà con đổ vào cây trồng là không nhỏ.

Ông Ngô Văn Kiệt – ngụ Xã Tân Tiến, Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang bức xúc: "Bây giờ tiền đổ vô cả tỉ bạc, bây giờ làm hay không làm. Nếu không làm thì cho dân hay để dân đầu tư chăm sóc cây cối mới có nguồn thu nhập”. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Dự án gạo vì dân do đích thân tôi kí nên tôi đích thân nghe được ý kiến của bà con hôm nay. Tôi đã xin ý kiến UBND tỉnh trong tuần này làm việc trực tiếp với nhà đầu tư coi có làm hay không. Nếu không làm thì PCT UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên sẽ thu hồi dự án này lại, tìm nhà đầu thư khác. Còn đất bà con đang ở có trồng có chặt cứ tiếp tục khai thác”.

Nếu như đối sách của tỉnh Hậu Giang là lắng nghe và giải quyết nhanh nhất có thể những bức xúc của người dân về những phiền toái ảnh hưởng của dự án treo đến đời sống, sản xuất kinh tế thì vẫn còn không ít nơi vấn đề này đang bị ngành chức năng bỏ ngõ.

Điển hình như 300 hộ dân tại xã Thanh Đức, huyện Long Hồ và xã Mỹ An, huyện Mang Thít tỉnh Vĩnh Long rơi vào khu quy hoạch tuyến công nghiệp Cổ Chiên, nhưng 15 năm qua dự án vẫn nằm trên bản vẽ. Giá thu hồi được áp dụng đối với đất lúa là 35.000đ một mét vuông, cây lâu năm là 40.500 đồng và thổ cư là 60.000 đồng/m2.

Không đồng ý với mức giá bồi thường, đến nay hàng trăm hộ dân vẫn chưa đồng ý giao mặt bằng nhưng cũng rơi vào cảnh cùng cực và kiệt quệ vì đất đai lâm cảnh bỏ hoang, người dân phải sống tạm bợ trong những căn nhà xuống cấp nghiêm trọng nhưng chẳng thể sửa sang hoặc cất mới. 

Quy hoạch treo diễn ra với muôn hình vạn trạng và cách giải quyết của mỗi địa phương mỗi khác. Nhưng theo quy định của Luật Đất đai, dự án đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương, nếu sau 3 năm không triển khai sẽ bị thu hồi, đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất.

Luật đã quy định rõ như vậy, nhưng các cơ quan, địa phương không thực thi nghiêm, để nhiều dự án treo kéo dài hàng chục năm mà chẳng có cơ quan nào chịu trách nhiệm, như vậy đồng nghĩa với việc dân cư vùng dự án treo tiếp tục thiệt thòi khổ sở và bỉ cực.