Áp thuế Tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Tác động kinh tế ra sao? (Phần 2)

Với những tác động được Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường” chỉ ra, liệu có nên đưa mặt hàng nước giải khát (NGK) có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?

 

Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường có thể khuyến khích các sản phẩm thay thế tích cực. Ảnh: TL

Có thể thấy, xét về tác động kinh tế, việc áp thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường dẫn tới tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Cũng như thực trạng chung của doanh nghiệp ngành đồ uống, ngành nước giải khát (NGK) là ngành dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách.

Vì thế, quá trình soạn thảo các văn bản, chính sách tác động tới doanh nghiệp ngành NGK càng đòi hỏi phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo đó, TS Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CEIM đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường:

"Với những dữ liệu hiện nay trong thuyết nh của cơ quan soạn thảo cùng yếu tố bối cảnh và đánh giá tác động kinh tế thì chúng tôi kiến nghị là chưa áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường nếu chúng ta chưa thực hiện đánh giá toàn diện. Và với cơ sở dữ liệu này thì chúng tôi đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB với nước giải khát có đường. Chúng tôi cho rằng cần lựa chọn thời điểm phù hợp hơn để đề xuất bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB thay vì thời điểm này. Đồng thời sức chống chịu của các ngành đều sụt giảm nên chỉ cần một thay đổi nhỏ về chính sách cũng có thể tác động rất nặng tới doanh nghiệp, tới ngành và người lao động".

Ông Vũ Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, khi chưa có đầy đủ các đánh giá tác động, VBA cũng kiến nghị xem xét cân nhắc chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB tại lần sửa đổi này:

"Nếu khuyến nghị tăng thuế thì chúng tôi không bao giờ phản đối nhưng chúng tôi chỉ đề nghị trong điều kiện khó khăn hiện nay của ngành thì chúng ta nên xem xét kỹ hơn, một là đánh giá tác động cho kỹ và dựa vào những báo cáo thực tiễn của Việt Nam, mình đừng dựa vào những cái có tính lý thuyết của nước ngoài, nước ngoài để chúng ta tham khảo".

Mặt khác, các chính sách tác động tới ngành NGK nói riêng và ngành đồ uống nói chung sẽ tạo tác động lan tỏa trong quan hệ liên ngành tới nhóm ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú. Nếu tác động của chính sách diễn ra theo hướng tiêu cực tới ngành đồ uống, thì sẽ làm trầm trọng thêm mức độ khó khăn, ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú; và do đó là sự phát triển của toàn ngành dịch vụ và tăng trưởng của nền kinh tế.

Do vậy, bản thân cơ quan soạn thảo cũng cần xác định những vấn đề từ câu chữ trong dự thảo Luật. Chẳng hạn việc xác định nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam là như thế nào? Và tại sao lại đánh thuế nước giải khát có độ đường 5g/100ml?

Từ băn khoăn đó, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam kiến nghị: "Vậy chúng tôi nghĩ rằng để đưa ra một chính sách thuế có tính khả thi, đảm bảo tính rõ ràng nh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và khuyến khích các đơn vị làm ăn chính đáng. Riêng nước giải khát có đường có chuỗi cung ứng rất sâu dài liên tục từ khâu nguyên liệu tới khâu sản xuất sau đó liên quan tới khâu dịch vụ, bán lẻ rồi ăn uống. Vì vậy nó ảnh hưởng cả doanh thu, người lao động, công ăn việc làm nên chúng ta phải cất nhắc".

Đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được đánh giá là chưa phù hợp và tác động tiêu cực đến nền kinh tế - Ảnh: Tuổi trẻ

Trước thực tế có nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ đang sản xuất nước giải khát có đường và không đóng thuế, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng cần đánh giá toàn diện hơn nữa để xem tác động tới hành vi sản xuất, tiêu dùng nước giải khát có đường:

"Còn vấn đề phi chính thức, còn vấn đề khảo sát cả dịch vụ, người tiêu dùng. Bởi vì nhấn mạnh lại là cả hệ sinh thái, cả cái chuỗi sẽ điều chỉnh hành vi chứ không chỉ một mình bên sản xuất hay bộ phận nhỏ người tiêu dùng".

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, việc áp thuế cần hướng tới điều tiết hành vi của người tiêu dùng hơn là tăng thu ngân sách. Việc áp thuế nước giải khát có đường thực chất là điều chỉnh lượng đường đưa vào cơ thể cho hợp lý chứ không làm giảm thừa cân béo phì. Do đó cần bổ sung thêm đánh giá tác động tới sức khỏe, bởi đây là vấn đề rất được quan tâm nhưng dự thảo lại thiếu đánh giá về y tế:

"Nếu chúng ta đánh thuế TTĐB với NGK có đường thì cũng cần nghiên cứu kỹ xem tiêu chuẩn VN hay tiêu chuẩn nào trên cơ sở khoa học. Tôi nói điều đấy để chúng ta cân nhắc là không phải không đánh thuế hay đánh thuế, mà chúng ta cần cân nhắc mức thuế 10% nhưng mà việc NGK có đường theo tiêu chuẩn 5g/100ml cần cân nhắc. Tại sao chúng ta lại đưa ra quy định như vậy? Và đánh giá tác động và cơ sở bằng chứng về khoa học như thế nào?".

Các chuyên gia cho rằng, để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, tăng thuế TTĐB chỉ là một phần, còn lại phải có các biện pháp khác quan trọng để định hướng hành vi, thay đổi tiêu dùng. Do đó, khi đưa ra một chính sách thuế cần phải cân nhắc tính khả thi của chính sách khi đi vào thực tiễn./.