An toàn cho bác sĩ

Mỗi khi xảy ra một vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung, dư luận lại bày tỏ sự phẫn nộ mạnh mẽ, rồi một loạt các đề xuất cực đoan được đưa ra. Song, mọi việc không có gì thay đổi. Đã đến lúc cần tiếp cận câu chuyện an toàn cho bác sĩ theo một cách thức thực tế hơn.

 

Bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung tại bệnh viện không phải chuyện hãn hữu, và hậu quả không chỉ là những cái túm cổ, những cú đấm, thậm chí đã có những bác sĩ thiệt mạng vì một phút mất kiểm soát của người nhà bệnh nhân.

Năm 2018, sau khi liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành bác sĩ tại bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế thời điểm đó là Nguyễn Thị Kim Tiến đã từng phải đề nghị lực lượng công an lập chốt trong bệnh viện.

Mấy ngày trước, nhiều bác sĩ ở TP.HCM thậm chí còn kiến nghị sắm khiên, áo giáp để đề phòng bị tấn công.

Tuy nhiên, tôi cho rằng các đề xuất kể trên chỉ là ý tưởng ngẫu hứng dưới tác động của sự lo ngại bạo lực trong những thời điểm nhạy cảm mà thôi. Bởi, mối quan hệ giữa bác sĩ và người nhà bệnh nhân, về bản chất không phải mối quan hệ chứa đựng sự xung đột, hay thù địch để phải phòng vệ một cách cực đoan.

Hầu hết các vụ người nhà bệnh nhân tấn công bác sĩ đều là những tình huống bột phát do mất kiểm soát vì áp lực của nỗi lo lắng cho người thân của mình. Những đối tượng bạo lực đều thật tâm hối hận sau khi bình tĩnh lại, không có tình trạng thủ mưu để tìm cách hãm hại bác sĩ.

Tất cả các vụ việc hành hung bác sĩ đều diễn ra trong tình huống người nhà bệnh nhân và bác sĩ tiếp xúc gần trong suốt quá trình tiếp nhận cấp cứu và điều trị bệnh nhân chứ không phải người nhà đi tìm bác sĩ để ra tay.

Diễn tập xử lý tình huống bác sĩ bị hành hung tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: Hà Nội mới

Những bối cảnh trên chỉ ra một điều rất cơ bản của các tình huống bác sĩ bị hành hung. Đó là sự tiếp xúc trực tiếp của người nhà bệnh nhân với bác sĩ trong quá trình cấp cứu và điều trị người bệnh.

Vậy thì, điều cần làm không phải các biện pháp kích thích sự thù nghịch như thái độ phòng ngừa của bác sĩ, mà là không gian an toàn cho bác sĩ tác nghiệp.

Về nguyên tắc thì người không có trách nhiệm không được phép vào khu vực nhân viên y tế đang tác nghiệp y khoa. Thân nhân người bệnh rõ ràng là không có trách nhiệm, mà họ cũng không nên chứng kiến việc chữa trị và chăm sóc y tế cho người thân của mình, vì việc kiểm soát tâm lý trong những hoàn cảnh căng thẳng và đau xót là điều rất khó khăn.

Nếu thực hiện đúng quy tắc đó, sẽ không thể có lý do vì sốt ruột, vì xót người thân mà người ta trở nên mất kiểm soát để hành hung bác sĩ.

Nhưng vì sao người thân của bệnh nhân lại xuất hiện trong những hoàn cảnh đó để rồi vì mất kiểm soát mà hành hung bác sĩ? Tôi cho rằng, các bệnh viện chưa tạo đủ niềm tin rằng dịch vụ của bệnh viện đảm bảo các nhân viên y tế không cần sự hỗ trợ của người nhà bệnh nhân trong quá trình chữa chạy và chăm sóc bệnh nhân.

Hoặc, các bệnh viện chưa nhận thức đủ đầy về việc cần phải cấm người nhà bệnh nhân vào khu vực cấp cứu và bệnh nặng, để tránh ảnh hưởng đến tâm lý.

Vì vậy, tôi cho rằng thay vì trang bị các thiết bị phòng vệ cho nhân viên y tế, thay vì lập chốt công an trong bệnh viện, để gián tiếp dán nhãn người nhà bệnh nhân là mối đe dọa an toàn đối với bác sĩ, Bộ y tế nên có quy định cấm người nhà bệnh nhân vào khu vực cấp cứu, khu vực chăm sóc bệnh nhân nặng.

Đồng thời, cũng cần có quy định yêu cầu các bệnh viện, phòng khám phải đảm bảo có đủ nhân lực cho các kíp trực để hoàn thành công việc đúng chất lượng.

Đó mới là điều cần làm để đảm bảo an toàn cho bác sĩ, và cho cả người nhà bệnh nhân.