Ám ảnh nạn thả rông chó

Nhiều người dân TP.HCM đang bức xúc trước vụ việc một cư dân ở quận 7, TP.HCM bị chủ chó thả rông đánh nhập viện vì bảo vệ con mình, hay trước đó là nhiều vụ việc liên quan đến nạn thả rông chó không rọ mõm, tấn công người đi đường.

Ngày 11/2, ghi nhận của phóng viên tại nhiều tuyến đường, khu dân cư quận Bình Tân, vẫn còn nhiều người dân thả rông chó, không rọ mõm, để chó phóng uế bừa bãi. Một số con chó có vẻ ngoài hung dữ, có thể vồ tới tấn công người dân bất cứ khi nào.

Chị Kim Nga tỏ ra lo lắng kèm theo bức xúc trước thực trạng này: "Nuôi thì cũng phải nhốt lại chứ nhiều khi chiều đi ra công viên đồ chơi thì nó cũng dí mấy đứa nhỏ. Nuôi thì cũng phải nhốt lại chứ có nhiều vụ nó cắn người này kia tội nghiệp lắm, nhất là con nít đồ này kia, mấy vụ lên tivi là chó cắn chết người luôn.

Giờ nhà ai nuôi chó thì cột dây lại để trước nhà đi cho nó ăn toàn chứ nếu mà không có chó thì ăn trộm đồ này kia cũng nguy hiểm".

Chó thả rông, không rọ mõm, không đi cùng chủ ở khuôn viên chung cư Ehome3 (TPHCM) Ảnh: H.H

Chị Ngọc Thảo ngụ tại quận Bình Tân, TpHCM đã phải nghỉ làm hơn 1 tháng nay vì bị con chó vô chủ lao ra đường trong lúc chị chạy xe đi làm. Hậu quả chị bị ngã gãy tay. Mọi việc sinh hoạt trong gia đình bị ảnh hưởng khá nhiều:

"Sáng ra thay đồ chuẩn bị đi làm xong khi đi làm thì đi được 1 đoạn cách nhà khoảng 500m thì không biết con chó của ai nó chạy ra, cán nó rồi cái bị gãy tay luôn, rồi đâu có làm được gì đâu, công ăn chuyện làm cũng bỏ hết luôn. Cũng không có ai ra nhận con chó hết á, rồi tự mình đi bệnh viện luôn à".

Việc chị Thảo bị chó vô chủ gây tai nạn giao thông hay vụ việc người đàn ông tại Quận 7 bị chủ chó thả rông đánh gây thương tích đã dấy lên sự bức xúc trong dư luận.

Trao đổi với phóng viên về chế tài xử phạt đối với trường hợp vật nuôi gây thương tích cho người khác, Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết, tùy mức độ mà chủ vật nuôi có thể chịu trách nhiệm hình sự: "Nếu chủ nuôi không đảm bảo các quy tắc an toàn khi nuôi chó mèo, để chó cắn người gây thương tích từ 31% trở lên thì có thể bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích theo điều 138 bộ luật hình sự, có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ 1 năm.

Trong trường hợp nạn nhân tử vong thì chủ nuôi sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý gây chết người theo điều 128  bộ luật hình sự với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 năm cho đến 5 năm".

Chó thả rông chạy tán loạn khi bị lực lượng vây bắt tại các con hẻm nhỏ thuộc P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức). Ảnh: Thanh niên

Về phía địa phương, Phường Hiệp Bình Chánh, Tp Thủ Đức, TpHCM đã thành lập đội bắt chó thả rông trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Thuỳ Hương, Phó chủ tịch UBND Phường Hiệp Bình Chánh, Tp Thủ Đức cho biết đến thời điểm hiện tại đội bắt chó đã xử lý được 20 trường hợp, khi mô hình này đi vào hoạt động đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ phía người dân.

Đối với việc thành lập đội bắt chó này thì khi ra quân rồi đi diễu hành tuyên truyền tại các tuyến đường tuyến hẻm thì được người dân rất đồng tình và mong muốn phường sẽ duy trì thường xuyên để hạn chế tình trạng chó thả rông.

Có thể thấy, chế tài xử phạt về hành vi vi phạm đối với việc thả rông vật nuôi đã có, một vài địa phương cũng đã ra quân thực hiện. Tuy nhiên để thay đổi ý thức và trách nhiệm của chủ vật nuôi đối với cộng đồng cần có những chế tài, biện pháp mạnh hơn. Bên cạnh đó, cần kiên trì và ra quân thường xuyên, đừng làm theo kiểu lâu lâu mới ra quân theo phong trào, bởi như vậy không khác nào "bắt cóc bỏ dĩa", hay "ném đá ao bèo"...