Ai thực sự muốn làm bãi đỗ xe? (Kỳ 1): 'Đỏ mắt' tìm theo quy hoạch

Những lô đất “vàng” hoặc bị chiếm dụng, hoặc bị chuyển đổi hẳn sang công trình khác. Điển hình là ô đất 16 Cát Linh (quận Đống Đa) dự kiến làm bãi đỗ xe phục vụ dân cư địa bàn và sân vận động Hàng Đẫy, thì nay là văn phòng của Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Hà Nội thực ra không thiếu các bãi đỗ xe trên quy hoạch. Tuy nhiên, phần lớn diện tích đất dành cho giao thông tĩnh vẫn chỉ nằm trên giấy. Khoảng trống này là thời cơ cho nền kinh tế ngầm trông giữ phương tiện nảy nở.

Năm 2021, bất chấp các hoạt động giao thông bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, VOV Giao thông vẫn nhận được hàng trăm cuộc gọi về đường dây nóng, hơn 300 tin nhắn của thính giả tới Fanpage, phản ánh về hiện tượng trông giữ xe trái phép. Nhiều vụ việc đã được VOV Giao thông xác nh, phản ánh tới các cơ quan chức năng, song chỉ được một thời gian, đâu lại hoàn đấy. 

Nếu ai đó hỏi, Hà Nội liệu thực sự thiếu điểm, bãi đỗ xe? Câu trả lời thật bất ngờ, là “không!”, nếu chỉ nhìn trên bản đồ quy hoạch. 

Từ năm 2003, chính quyền Thủ đô đã dự trù gần 800 héc-ta đất dành cho giao thông tĩnh, dự kiến nếu hoàn thành vào năm 2020, sẽ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu đỗ xe, phần còn lại sẽ do các công trình xây dựng đáp ứng.

Tuy nhiên, đến những ngày cuối của năm 2021, cộng cả các điểm trông giữ xe ở lòng đường, vỉa hè, Hà Nội mới bố trí được chưa đầy 60 héc-ta đất giao thông tĩnh, đáp ứng vỏn vẹn 1/10 nhu cầu thực tế.

Số phận những bãi đỗ xe trong quy hoạch đang ra sao? Nếu hỏi chị Phạm Thị Tâm (ở thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh), người có đất trong dự án Bãi đỗ xe tải và dịch vụ công cộng Nam Hồng, câu trả lời là… “để trồng rau”.

Bởi dự án nằm ở một vị trí hoang vu, cỏ mọc um tùm, chưa được kết nối giao thông, đến cán bộ địa chính xã cũng phải “đỏ mắt” mới tìm được:

'Tôi có ruộng 2 sào đang đổ đất thì người ta nói không đổ nữa để người ta làm dự án, nhưng từ đó đến giờ vẫn chưa thấy gì. Chỉ thấy bảo là sau này làm bãi xe và làm trường học. Trường học thì còn được chứ làm bãi đỗ xe hơi chật vì đường xóm chật hẹp', chị Tâm cho biết.

Khu chung cư này không được thiết kế hầm ngầm, vị trí quy hoạch bãi đỗ xe cao tầng cạnh đó lại bị chuyển đổi sai quy định thành một... chung cư khác.

Các dự án khác ở ngoại thành Hà Nội như Khu cây xanh, bãi đỗ xe xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì); Điểm đỗ xe B2-2/P2 phường Việt Hưng (quận Long Biên); Cống hóa mương Mễ Trì (Nam Từ Liêm); bãi đỗ xe tĩnh thôn Đỉnh Quán (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm) cũng rất im ắng vì... ế nhà đầu tư.

Ngược lại, các vị trí đắc địa trong nội thành lại vô cùng sôi động. Những lô đất “vàng” hoặc bị chiếm dụng, hoặc bị chuyển đổi hẳn sang công trình khác.

Điển hình là ô đất 16 Cát Linh (quận Đống Đa) dự kiến làm bãi đỗ xe phục vụ dân cư địa bàn và sân vận động Hàng Đẫy, thì nay là văn phòng của Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội.

Bất chấp biển cấm đỗ, xung quanh sân bóng và chính cơ quan này hiện hình thành nên những bãi giữ xe “lậu” chật kín ô tô, gây bong tróc, hư hỏng kết cấu vỉa hè.

Theo lời ông Bùi Tín Trung, cư dân phố Trịnh Hoài Đức, không hiểu sao một dự án cần thiết như thế lại bị “hô biến” thành công sở, trong khi thành phố có chủ trương di dời cơ quan nhà nước khỏi nội đô: 'Đây cũng là bài toán kinh tế của các cơ quan, doanh nghiệp, mình cũng không thể biết được. Hà Nội đất chật người đông, các loại phí thu phức tạp lắm'

Không có vỉa hè để đi bộ, nhường chỗ cho diện tích đỗ xe, đó cũng là thực tế mà anh Trịnh Văn Xuân, ông Quách Trường Sơn và các cư dân tại khu đô thị mới Trung Hòa-Nhân Chính (quận Cầu Giấy) buộc phải chấp nhận. Bi hài thay, khu vực họ sống có hẳn một dự án đỗ xe công cộng cao tầng, nhưng ô đất 2.400m2 đã bị “hô biến” thành chung cư Golden Palace.

'Đúng ra là bãi xe của khu dân cư mà bây giờ làm thế này. Còn ở đây làm luật rồi, đúng ra ở vỉa hè thì ai được phép đỗ'.

'Khi chuyển đổi mục đích nhà C (GoldenPalace ngày nay-PV) làm nhà ở thì không còn mặt bằng đỗ xe vì họ không xây tầng hầm. Nhà tái định cư xây chất lượng vô cùng kém, đấy là hệ lụy của thiết kế lỗi thời về kỹ thuật, góc độ về tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách'.

Bãi đỗ xe lậu mọc lên xung quanh sân Hàng Đẫy và tòa nhà văn phòng Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội (màu trắng) - vị trí lẽ ra được dành để làm bãi đỗ xe hợp phá

Bãi đỗ xe mãi nằm trên giấy - Số phận này cũng ứng với bãi đỗ xe 4 tầng tại góc phố Nguyễn Đình Chiểu-Trần Nhân Tông, nay là bãi xe chiếm dụng lòng, lề đường; Bãi xe 16 Phan Chu Trinh, nay thành trụ sở ngân hàng; Bãi xe 2.000 m2 trên phố Tràng Thi hiện là siêu thị; Bãi xe ở góc phố Hai Bà Trưng-Hàng Bài thành dự án văn phòng cao cấp; Bãi xe ngầm Công viên Tuổi trẻ, nay cũng thành siêu thị.

Cá biệt, có một dự án đi theo chiều ngược lại, được chuyển đổi thành bãi xe ngầm ở 295 Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng). Song sau nhiều năm, việc tận dụng 3 tầng hầm có sẵn từ dự án khách sạn bỏ dở trước đó vẫn chưa tiến triển. Theo bà Lê Thị Cúc, người sống đối diện ô đất này, từ khi bãi đỗ xe “lậu” trong đó bị giải tỏa, nơi đây đã trở thành lãnh địa của… rắn rết.

'Nếu làm thành bãi đỗ xe thì sẽ sạch sẽ, không còn rắn rết trong đấy, bụi cây giờ thành rừng cây rồi, toàn rắn hổ mang. Đêm không cẩn thận là rắn cắn chết toi, có lần nó còn bò ra ngoài đường, sợ, chạy gần chết. Bây giờ làm thì nhân dân vừa được sạch sẽ, đỡ ô nhiễm, có tiền vào ngân sách, không tốt hơn là cứ để hoang như này ư', bà Cúc nói.

Bụi rậm bỏ hoang, bãi trồng rau, trụ sở ngân hàng, siêu thị, tòa nhà văn phòng, công sở… Đó là chân dung thật của đa số bãi đỗ xe sau khi thực hiện quy hoạch ở Hà Nội.

Vậy còn những bãi đỗ xe đang và đã được triển khai, số phận của chúng ra sao? Câu trả lời sẽ có trong kỳ 2, với nhan đề: “Miền đất dữ với các dự án bãi đỗ xe”.