Ai sở hữu Hồ Gươm?

Những ngày này, thông tin quận Hoàn Kiếm muốn chỉnh trang lại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ và dự kiến sẽ tổ chức biểu diễn nhạc nước ở khu vực Hồ Gươm để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân… đã gây ra những phản ứng trái chiều.

Hầu hết những ý kiến phản đối đều cho rằng, Hồ Gươm và không gian quanh hồ là nơi linh thiêng, có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa và tinh thần rất lớn, không chỉ với người dân Hà Nội mà còn của người dân cả nước.

Với ý nghĩa đó thì Hồ Gươm thực tế là thuộc “sở hữu toàn dân”, và quận Hoàn Kiếm nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung không thể tùy ý làm thay đổi không gian này. Đặc biệt là khu vực mặt hồ.

Không ai có thể tưởng tượng được rằng, một ngày nào đó, trên mặt Hồ Gươm lại có những dịch vụ vui chơi giải trí, nhạc nước ầm ĩ, khuấy động không gian yên tĩnh, trầm mặc - vốn là một trong những yếu tố tạo nên giá trị và là nét riêng có của Hồ Gươm.

Bởi, người Hà Nội nói riêng, lẫn người dân Việt Nam, du khách, khi tìm đến Hồ Gươm là muốn được tận hưởng một không gian tĩnh lặng, chậm rãi, được đi dạo một cách thư thả quanh hồ, để chìm đắm trong một không gian văn hóa và có giá trị về lịch sử lâu đời, gắn với sự hình thành của Thăng Long – Hà Nội.

Thật khó chấp nhận khi những bức hình chụp mặt Hồ Gươm “lung linh mây trời” mà lại có cảnh nhạc nước hay những trò chơi ồn ã trên nó…

Phải coi Hồ Gươm là một di sản văn hóa đặc biệt cần được bảo vệ

Ngay cả những gốc cây, ngọn cỏ quanh hồ cũng mang những giá trị và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên một không gian hấp dẫn của Hồ Gươm. Chắc chắn không ai muốn đến Hồ Gươm để tham gia những trò vui chơi mà hoàn toàn có thể tổ chức ở bất kỳ đâu.

Hệ thống cây xanh là một phần không thể thiếu của không gian Hồ Gươm.

Chỉ cách đây vài tháng thôi, khi Hà Nội phải hứng chịu cơn bão lịch sử khiến hàng chục ngàn cây xanh bị bật gốc, trong đó có rất nhiều cây cổ thụ, gắn bó với bao thế hệ người dân Hà Nội, khiến ai cũng xót xa, luyến tiếc.

Và thông tin quận Hoàn Kiếm trong dự án chỉnh trang lại vườn hoa Lý Thái Tổ muốn di dời, chặt hạ một số cây xanh ở đây để mở rộng không gian khánh tiết, sân quảng trường lại một lần nữa khiến dư luận dậy sóng.

Còn nhớ cách đây không lâu, người viết đã phản ánh về việc, một trong những loài cây biểu tượng của Hồ Gươm, là cây liễu đã “sạch bóng” quanh hồ. Loài cây này cùng với Hồ Hoàn Kiếm đã đi vào biết bao nhiêu áng thơ, bài hát, những bức tranh, hàng triệu tấm ảnh của người Hà Nội, của du khách trong nước và quốc tế.

Một biểu tượng nên thơ gắn với Hồ Gươm, và cho đến nay thì đã không còn.

Đã biến mất hình ảnh "liễu rủ mặt Hồ Gươm", dù bất kỳ một sự thay đổi nào vô tình hay cố ý đều sẽ để lại những luyến tiếc cho người Hà Nội

Hay một di sản khác mà chắc chắn ai cũng biết, đó là Tháp Rùa, ngôi cổ tháp nằm giữa Hồ Gươm, là biểu tượng không thể thiếu, tô điểm cho vẻ đẹp của Hồ Gươm, có lần đã được tu sửa lại, đã làm mất đi sự mềm mại của kiến trúc gốc, cũng gây ra làn sóng phản đối dữ dội của các nhà khoa học cũng như người dân…

Bởi vậy, dù bất kỳ một loài cây nào quanh hồ, bất kỳ một di sản nào gắn với Hồ Gươm, nếu mất đi, hay bị thay đổi một cách “vô tâm”, đó là sự mất mát lớn với người Hà Nội.

Nói vậy để khẳng định rằng, không ai, hay một đơn vị nào có “quyền sở hữu Hồ Gươm”.

Dù nằm chính giữa quận Hoàn Kiếm, nhưng chắc chắn rằng, Hồ Hoàn Kiếm không phải thuộc sở hữu của riêng quận Hoàn Kiếm, hay thành phố Hà Nội, để có thể dễ dàng thay đổi.

Người ta tìm đến Hồ Gươm là để tìm về lịch sử, tìm về văn hóa của một Thăng Long - Hà Nội ngàn năm, tìm đến sự tĩnh lặng trong tâm hồn để nhớ về tiền nhân, về lịch sử đất nước, chứ không phải để tham gia những trò vui chơi giải trí mà hoàn toàn có thể tổ chức ở bất kỳ nơi nào khác - ngoài Hồ Gươm

Tuy vậy, việc mở rộng không gian Hồ Gươm như trong kế hoạch của thành phố vừa qua lại được khá nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ. Bởi không gian mở rộng ấy, hầu như không có nhiều công trình văn hóa, lịch sử, hầu hết là công sở mới xây, nên khi được mở rộng, có thể hiểu sẽ làm tăng thêm giá trị cho một địa điểm mang tính lịch sử, văn hóa là Hồ Gươm.

Tóm lại, Hồ Gươm và không gian quanh nó, vốn và vẫn sẽ mãi là một không gian “linh thiêng”, gắn bó với người dân Việt Nam, thế nên, nếu có bất kỳ một kế hoạch thay đổi nào, dù là nhỏ nhất nơi này, chúng ta đều cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng.