9 tháng, hơn 13.000 vụ TNGT: Mức giảm chưa đạt yêu cầu

Trong 9 tháng qua, toàn quốc đã xảy ra hơn 13.200 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 6000 người, hơn 10.000 người bị thương...

Hiện trường vụ 2 tàu đâm nhau tại ga Núi Thành (Quảng Nam)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Dù tình hình tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, mức giảm tai nạn giao thông chưa đạt yêu cầu. Số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm được 1,83%, trong khi mục tiêu là giảm 5% số người chết do tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm ngoái.

23 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 9 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng trên 20%. Trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tại nạn giao thông đường sắt và 4 vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng tại Kon Tum, Cao Bằng, Quảng Nam, Lai Châu làm chết nhiều người.

Các đại biểu dự hội nghị đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong 9 tháng qua như: nhu cầu vận tải lớn, số lượng phương tiện tiếp tục tăng cao; một số địa phương chưa vào cuộc trong việc kiểm soát tải trọng xe; công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị còn nhiều bất cập...

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, một trong 3 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái nêu thực tế:

 

"Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn rất kém, tập trung các lỗi như vi phạm nồng độ cồn, điều khiển xe đi sai làn đường, sai phần đường quy định, chạy xe quá tốc độ, vượt ẩu. Thứ 2 nữa là hạ tầng giao thông xuống cấp, mặt đường hẹp. Tây Ninh là khu kinh tế trọng điểm phía Nam, lượng hàng hóa vận chuyển qua quốc lộ 22 và 22B thì rất nhiều nhưng mà đường đã xuống cấp. Nguyên nhân thứ 3 là lái xe thiếu quan sát, trong đó có yếu tố lái xe vừa lái xe vừa nghe điện thoại".

Nhu cầu vận tải lớn, số lượng phương tiện tiếp tục tăng cao; một số địa phương chưa vào cuộc trong việc kiểm soát tải trọng xe; công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị còn nhiều bất cập... 

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng nhận định, mức giảm số người chết vì tai nạn giao thông 9 tháng năm 2018 chưa đạt được mục tiêu, trong khi từ nay đến cuối năm số lượng phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng mạnh để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2019 sẽ là thách thức lớn.

Vì vậy, các bộ, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai nghiêm các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông. Với Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng các đề án dài hạn về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng đảm bảo điều kiện an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường đèo dốc nguy hiểm, điểm đen; đầu tư nâng cấp hệ thống giám sát hành trình:

 

"Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách đảm bảo an ninh trật tự đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; siết chặt công tác quản lý đào tạo, sát sạch cấp giấy phép lái xe và tập huấn kỹ năng lái xe an toàn cho lái xe kinh doanh vận tải. Đầu tư nâng cấp hệ thống giám sát hành hình nhằm kịp thời cung cấp dữ liệu vi phạm tốc độ và hành trình của phương tiện kinh doanh vận tải để xử lý vi phạm, số liệu vận tốc bình quân phục vụ công tác quản lý, điều tiết, chống ùn tắc giao thông".

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm trong trách nhiệm được giao, trong đó chính quyền các địa phương cần triển khai các giải pháp, cương quyết không để tiếp tục xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, cả trên đường bộ, đường sắt và đường thủy.