Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Mòn mỏi chờ nhận căn cước công dân

Trọng Điển - Nhất Hoàng - 08/07/2022 | 15:51 (GTM + 7)

Nhiều người dân phản ánh về việc đã lấy số nhưng phải chờ đến 2-3 ngày mới được làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip, thậm chí có trường hợp đã làm xong các thủ tục nhưng chờ cả năm vẫn chưa nhận được… Nguyên nhân do đâu? Công an TP.HCM đã giải quyết vấn đề này ra sao?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đã đến lúc, cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng quận, huyện; cũng như ứng dụng triệt  để công nghệ thông tin nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc,kịp thời cấp CCCD theo đúng giấy hẹn.…. 

Người dân làm căn cước công dân ở TP.HCM.

Người dân làm căn cước công dân ở TP.HCM.

Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân đã có mặt tại Đội Cảnh sát Hành chính về Trật tự xã hội Công an TP. Thủ Đức để chờ làm CCCD gắn chip. Nhiều người cũng đến từ rất sớm để chờ lấy số thứ tự.

Thức dậy từ sáng sớm và phải bỏ công việc ở Đồng Nai, chị Trần Thị Minh Thủy (ngụ TP. Thủ Đức) ngồi đợi làm CCCD nhưng đến lượt mình lấy số thì phải quay về; hẹn 9 ngày sau quay lại mới làm được căn cước công dân.

“Chị thì đi làm hơi xa, chị đi làm ở Long Thành. Thay vì người ta đi làm ở Nhơn Trạch đi thì về đây chị phải ngủ lại 1 đêm, tới sáng sớm 5 giờ sáng chị đi rồi".

Khác với chị Thủy, anh Như Sỹ (ngụ quận 12) đã làm CCCD gắn chip từ tháng 2/2022 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được CCCD. Hiện cũng không biết là giấy tờ mình có sai sót hay sửa gì không để kịp bổ sung. Anh Sỹ có lên công an quận để hỏi thông tin thì do lượng người tập trung quá đông nên anh đã đi lại nhiều lần, vẫn chưa thể hỏi được.

“Quá mất thời gian, ví dụ như mình làm từ tháng 2 đến giờ mà thông tin thì không nghe đáp trả gì đến, cũng không nghe hướng dẫn gì hết. Cầm giấy lên công an quận thì chen chúc, không vào được, đông lắm, chưa biết khi nào xong luôn, làm phiền phức.”

Cũng giống như anh Sỹ, chị Phan Thị Diễm My (ngụ phường Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức) đã làm CCCD hơn 1 năm nay những vẫn chưa nhận được. Do làm công nhân nên chị My cũng không thể đi lại nhiều lần để hỏi thông tin.

“Hồi bữa em làm thì người ta chỉ đưa tờ giấy xong là tới nay không hỏi gì hết. Em ra phường thì phường đóng cửa rồi nên em có biết lấy ở đâu đâu. Em nghe nói là bây giờ ra ngoài quận, không có thì mình phải làm lại. Em thấy ở phường này nhiều người làm vẫn chưa có”.

Ảnh: Người lao động

Ảnh: Người lao động

Về vấn đề người dân đã hoàn tất các thủ tục từ rất lâu nhưng vẫn chưa nhận được CCCD gắn chip, Thượng tá Trần Trung Hiếu (Phó Trưởng Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM) cho biết, công an xác định nguyên nhân do có sự sai lệch giữa các trường thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư so với thông tin người dân tự kê khai trong quá trình làm CCCD.

Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác như người dân chuyển khẩu, về quê nên cơ quan chức năng không thể in được thẻ CCCD gắn chip để cấp trả đến người dân.

"Khi thu nhận hồ sơ xong thì dân ở thường trú lại chuyển khẩu cho nên là bị ảnh hưởng, hoặc là dân tạm trú thì người ta lại về quê. Sắp tới, công an TP.HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo, rà soát để trao trả lại cho người dân để đảm bảo quyền lợi chính đáng”.

Theo Công an TP.HCM, đến nay Công an TP đã thu nhận hơn 5,6 triệu hồ sơ cấp CCCD gắn chip, trong đó có hơn 5,3 triệu hồ sơ đã được đơn vị truyền dữ liệu về Bộ Công an, đạt tỉ lệ hơn 94%. Công an TP cũng đã cấp trả hơn 4,5 triệu thẻ CCCD gắn chip đến người dân.

Thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM) cho biết, trước phản ánh của người dân về việc đã lấy số nhưng phải chờ nhiều ngày mới được làm CCCD gắn chip điện tử, thậm chí có trường hợp người dân đã thực hiện xong các thủ tục nhưng sau một khoảng thời gian vẫn không nhận được thẻ, Ban giám đốc Công an TP.HCM cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc rà soát và xác định nguyên nhân dẫn đến các bất cập.

Khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ phù hợp nhằm khắc phục triệt để và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cấp CCCD gắn chip trong thời gian tới. Tăng cường thêm số lượng máy móc, thiết bị tại một số địa bàn quận, huyện đang bị quá tải về cấp CCCD gắn chip; bố trí thêm lực lượng và tăng thời gian làm việc để giải quyết nhu cầu cấp CCCD gắn chip của người dân. Kiểm tra lại trên hệ thống đối với những trường hợp người dân đã thực hiện hoàn tất các khâu thủ tục nhưng chưa được cấp CCCD gắn chip để có phương án xử lý thỏa đáng cho người dân...

Công an TP.HCM cũng tăng cường thêm 12 điểm cấp CCCD, nâng số điểm cấp toàn TP lên 46 điểm. Điều động, bố trí thêm 57 trưởng công an xã, 113 phó trưởng công an xã, tăng cường 100 cán bộ, chiến sĩ cho các địa bàn.

“Ban giám đốc công an Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phải tăng cường, phối hợp hỗ trợ tối đa cho công an các quận huyện, TP. Thủ Đức trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD cũng như trả CCCD.

Tạo điều kiện để người dân được giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, hạn chế nguyên nhân phát sinh tiêu cực. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát, bổ sung thêm 12 điểm cấp CCCD và đa dạng hóa hình thức tiếp nhận", Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.

Ngoài liên hệ cảnh sát khu vực để nắm tiến độ cấp CCCD thì người dân cũng có thể liên hệ đường dây nóng Bộ Công an theo số 1900.0368 hoặc Công an TP, quận, huyện và phường, xã. Các trường hợp người dân phản ánh về việc cấp CCCD qua mã QR code ở các điểm cấp CCCD sẽ được chuyển thẳng về Phòng Tham mưu tổng hợp để xử lý.

Trong thời gian tới, đơn vị nào tiếp tục để xảy ra tình trạng người dân hoặc các cơ quan báo chí phản ánh nhiều lần liên quan công tác cấp và trả thẻ CCCD thì thủ trưởng đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc Công an TP.HCM.

Người dân mòn mỏi chờ được CCCD gắn chíp. Ảnh: Tuổi trẻ

Người dân mòn mỏi chờ được CCCD gắn chíp. Ảnh: Tuổi trẻ

Góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Đừng để người dân mỏi mòn chờ chiếc thẻ căn cước công dân”.

Việc cấp căn cước công dân ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước đang gặp  nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến những hệ lụy không hề nhỏ đối với nhiều người dân trong giao dịch hàng ngày. Nhiều người dù đã kê khai, làm các thủ tục lấy dấu vân tay, chụp ảnh, có giấy hẹn trả kết quả nhưng vẫn mòn mỏi chờ đợi.

Lý do  được thông báo là do khai sai, kê nhầm hoặc thiếu thông tin cần phải bổ sung, điều chỉnh. Có người nhận được yêu cầu phải làm lại hoặc về tận quê để lấy mã định danh cá nhân.

Trong khi, ngành công an cũng chạy đua với thời gian, thứ bảy, chủ nhật cũng không nghỉ, làm cả ngày lẫn đêm. Cán bộ chiến sĩ ở các đơn vị như cảnh sát giao thông, cảnh sát kinh tế, cảnh sát cơ động dù không phải chuyên ngành trật tự hành chính cũng được huy động xuống quận, huyện, phường xã để hỗ trợ.

Cảnh sát khu vực nhiều nơi cũng nhiệt tình, thành lập nhóm trên Zalo, Viber để thông báo cho từng trường hợp đến tuổi cần làm cước công dân gắn chip cũng như hỗ trợ chỉnh sửa thông tin.

Sự tận tâm của ngành công an là vậy nhưng có đến các địa điểm làm CCCD mới thấy mọi thứ đều trở lên quá tải. Người dân xếp hàng dài chờ đợi đến lượt. Mang theo đủ loại giấy tờ tùy thân, từ hộ khẩu; giấy khai sinh đến chứng minh nhân dân cũ mới; thực hiện điền tờ khai; chụp ảnh, lăn tay.

Các bộ công an thì vừa phải hỏi vừa phải thao tác nhập liệu vào máy tính; in ra, rà soát, đối chiếu với từng trường hợp cụ thể. Do vậy, đã có nhiều sai sót trong lúc thực hiện, dẫn đến thông tin chưa đúng, chưa đủ.

Nhất là tình trạng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia lưu trữ một đằng, thực tế kê khai làm căn cước công dân lại khác; khi nhập vào máy phát hiện lỗi, cần chỉnh sửa; thậm chí khi chuẩn bị in căn cước công dân mới phát sinh. Trong khi máy móc, thiết bị ở cơ sở nơi cấp CCCD không phải nơi nào cũng đủ, cũng chạy tốt; chỉ cần trục trặc một chút sẽ kéo theo thời gian chờ đợi của rất nhiều người.

Đó là chưa kể có những cá nhân, cố tình khai man; làm giả hồ sơ CCCD để trục lợi. Về phía lực lượng chức năng, cá biệt có trường hợp cán bộ chiến sĩ không tận tình hướng dẫn, có biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân.

Thẻ CCCD có gắn chíp điện tử là một bước đột phá về quản lý con người trong thời đại số hóa. Nhân thân của mỗi công dân sẽ được định danh khá chính xác và có tính bảo mật cao khi đưa vào số hóa thông qua chíp điện tử. Đặc biệt là có thể tích hợp được hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như: giấy phép lái xe; thẻ bảo hiểm y tế; sổ BHXH; sổ hộ khẩu; tạm trú tạm vắng…

Đây là những tiện ích rất lớn đối với mỗi người; đồng thời cũng giúp vấn đề quản lý công dân ở tầm quốc gia được quy củ và an toàn hơn.

Vấn đề hiện nay là ngành công an các địa phương cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn, hạn chế đã thấy để đẩy nhanh tiến độ. Trong đó có việc tăng cường đội ngũ cán bộ chiến sĩ cho công an các xã, phường thị trấn. Đầu tư thêm trang thiết bị máy móc. Phối hợp với chính quyền cơ sở, nhất là tổ dân phố; các tổ chức đoàn thể để thông báo hướng dẫn chi tiết cho người dân.

Đặc biệt là ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để người dân tự kê khai trực tuyến; có cách làm phù hợp với từng nhóm đối tượng. Kê khai theo tổ, theo hộ gia đình trước khi nhập dữ liệu chính thức. Khi phát hiện sai sót, cần kịp thời thông báo để người dân chỉnh sửa.

Người dân cũng vì trách nhiệm, cần chia sẻ những khó khăn khi đi làm CCCD; đọc kỹ hướng dẫn, tuân thủ kê khai trung thực, chi tiết, cụ thể; khi thấy có nhầm lẫn cần kịp thời thông báo cho công an cơ sở để chỉnh sửa, điều tiết.

Làm căn cước công dân có gắn chíp điện tử là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân nên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành công an các địa phương; đừng để người dân rối bời vì phải chờ đợi quá lâu.

Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua với diễn biến phân hoá.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

// //