Làm sao để khắc phục tình trạng “có tiền mà không tiêu được"?
Huy Hoàng - 06/07/2022 | 14:52 (GTM + 7)
6 tháng đầu năm 2022, toàn TP.HCM chỉ mới giải ngân được hơn 5.940 tỷ đồng vốn đầu tư công được giao cả năm (đạt tỷ lệ khoản 17%). Đây được xem là mức giải ngân thấp nhất trong lịch sử của TP.HCM và khiến cho địa phương này lọt top các tỉnh thành có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Những ngày này, không khí thi công tại dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thành phố Thủ Đức) nhộn nhịp hẳn so với thời gian trước. Việc khởi động lại một trong những dự án kéo dài nhiều năm đã khiến không ít người dân trên địa bàn vui mừng:
"Ai cũng vui hết, ai cũng mừng. Mong ra mọi việc sẽ suôn sẻ, sớm hoàn thành để người dân được buôn bán tốt hơn".
"Làm rồi nó sạch sẽ, không bị ngập nước, khách đi lại nhiều thì buôn bán cũng thuận tiện hơn".
"Chúng tôi đi lại gặp nhiều khó khăn, tránh né dễ gặp tai nạn nên tôi rất vui khi tuyến đường này khởi động lại".
Ông Hoàng Tùng – Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho biết địa phương đang phối hợp cùng với các bên liên quan phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng đường Lương Định Của và cầu Long Đại vào cuối năm nay.
Không chỉ vậy, địa phương cũng đang khẩn trương khởi động lại nhiều dự án “đắp chiếu nhiều năm” như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long hay đường Vành Đai 2 qua thành phố Thủ Đức.
Ông Tùng cho rằng nếu triển khai tốt các giải pháp cần thiết thì không chỉ khiến các dự án thoát cảnh án binh bất động mà còn giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thay vì con số 17% như 6 tháng đầu năm 2022:
"Nhóm công việc quan trọng là đẩy nhanh các dự án có sẵn, khi mình đẩy nhanh cái này là giải ngân được thôi, đặc biệt là bồi thường giải phóng mặt bằng. Có khi thấy tỷ lệ giải ngân của thành phố là 17% nhưng chỉ cần 1 dự án bồi thường giải ngân xong có thể lên 50% vì phần giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng mức đầu tư", ông Tùng cho biết.
Là lĩnh vực được phân bổ vốn đầu tư công khá lớn, song đến nay ngành giao thông vận tải TPHCM cũng chỉ có thể giải ngân được khoảng 19% tổng kế hoạch vốn được giao của cả năm.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Trần Trí Trung - trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Sở GTVT TPHCM nói: "Một trong những vấn đề quan trọng chính là công tác giải phóng mặt bằng, đây là vướng mắc ảnh hưởng nhiều nhất đến công tác giải ngân.
Việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của ngành giao thông và các ngành khác. Ngành giao thông cũng đã ban hành nhiều kế hoạch chi tiết để đôn đốc, họp định kỳ để nắm bắt tình hình triển khai thực tế".
Theo ông Lê Ngọc Hùng – Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM thì tính đến hết tháng 6, Ban này mới chỉ giải ngân được khoảng 10% trong số hơn 6000 tỷ đồng vốn đầu tư công cả năm. Sở dĩ có việc này theo ông Hùng là do đặc thù của các công trình xây dựng cơ bản thường là cuối tháng 3, tháng 4 mới giao được kế hoạch vốn. Lúc đó mới triển khai các bước tiếp theo như kế hoạch mời thầu, tổ chức đấu thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu…dẫn đến giá trị giải ngân thấp.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Kho bạc nhà nước TP.HCM cho rằng do ảnh hưởng từ cuộc xung đột chính trị Nga – Ukraine khiến giá xăng dầu tăng cao, trực tiếp ảnh hưởng đến giá cả các nguyên vật liệu đầu vào của ngành xây dựng, điều này đã gây áp lực rất lớn cho các nhà thầu trong triển khai các dự án:
"Họ có có một quan ngại là nếu tiếp tục "càng làm càng lỗ" vì dự thầu với giá ở thời điểm đầu năm 2022 hoặc là cuối năm 2021 thì giá vật liệu không tăng đột biến như hiện nay. Các nhà thầu đang có tâm lý làm cầm chừng để chờ chính sách điều chỉnh giá vật liệu xây dựng, cơ chế điều chỉnh giá hợp đồng", ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng giải ngân vốn đầu tư thấp, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết lãnh đạo thành phố đã quyết định thành lập 3 tổ chuyên trách gồm tổ giải phóng mặt bằng, tổ các dự án có vốn lớn và tổ giải ngân vốn ODA duy trì hoạt động hàng tuần hàng tháng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Ông Mãi cho biết thêm: "Đang có tình trạng các đơn vị được giao vốn từ đầu năm qua rà soát thấy khả năng không giải ngân được có đề nghị giảm, vì vậy sở ngành hay quận huyện nào có đủ hồ sơ đầu tư công có thể giải ngân ngay trong năm nay đề nghị rà soát lại và báo cáo ngay cho thường trực ủy ban để bổ sung vào kế hoạch trung hạn và kế hoạch năm 2022. Giao cho Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu cho thường trực ủy ban chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công 2023 để tránh tình trạng như năm 2022 bị chậm trễ".
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm diễn ra sáng 4/7 vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì xử lý ngay những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nhất là về giải phóng mặt bằng, kịp thời công bố giá nguyên, vật liệu xây dựng hàng tháng phục vụ các dự án đầu tư công; Chú trọng rà soát điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công; báo cáo cụ thể và đề xuất xử lý nghiêm các cơ quan, địa phương làm chậm, vi phạm quy định, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Với những gì đang diễn ra, rõ ràng cần phải có những cách làm mới, những giải pháp quyết liệt hơn nữa để xử lý dứt điểm tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tồn tại nhiều năm qua.
Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông bài bình luận:“Cần một phương thuốc đặc trị để giải quyết tình trạng có tiền mà không tiêu được tiền”.
TP.HCM là địa phương chịu tác động nặng nề nhất của đợt tái bùng phát dịch lần thứ 4 hồi nửa cuối năm 2021, những tín hiệu lạc quan về tăng trưởng kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022 không thể bù đắp được sự thật rằng lần đầu tiên thành phố có mức giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất trong lịch sử.
Thực trạng này một lần nữa cho thấy công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ và sử dụng vốn đầu tư công của địa phương này đang “thực sự có vấn đề”. Ở bình diện rộng hơn, tình trạng này cũng không phải là cá biệt.
Nhìn vào công tác giải ngân vốn đầu tư công của các Bộ ngành, các địa phương nhiều năm qua, không khó để nhận ra một bức tranh hoàn toàn trái ngược. Đó là sự rề rà, chậm rãi đến mức sốt ruột ở những tháng đầu năm đối lập với sự vội vã, cấp tập vào những tháng cuối năm.
Với cách vận hành như thời gian qua, thì sự thiếu hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư công là điều không quá khó hiểu.
Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc thường xuyên được để cập tại các phiên báo cáo về tình hình kinh tế xã hội cũng như trên các phương tiện truyền thông.
Tiếc rằng sự quen thuộc này lại mang đến những tín hiệu thiếu lạc quan trong bối cảnh các địa phương nói riêng, cả nước nói chung đang cần có những điểm tựa quan trọng để đi nhanh hơn trong quá trình phục hồi kinh tế xã hội. Nhất là trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Không ít ý kiến cho rằng cần phải có những phương thuốc đặc trị cho căn bệnh mang tên “chậm giải ngân vốn đầu tư công”. Nếu không muốn tình trạng này trở thành căn bệnh trầm kha cho nền kinh tế đất nước thì Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh lại Luật đầu tư công cũng như các luật và văn bản dưới luật liên quan.
Không chỉ vậy, cần sớm ban hành một cơ chế đặc thù trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, qua đó tháo gỡ một trong những nút thắt lớn nhất trong quá trình triển khai dự án lẫn thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư. Các Bộ ngành, địa phương cần chặt chẽ hơn trong công tác xây dựng kế hoạch vốn hàng năm, cần hạn chế thấp nhất tình trạng “ghi vốn cho có”.
Hơn thế nữa, trong chỉ đạo, điều hành và sử dụng vốn cần có những chế tài xử lý quyết liệt với tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Tập trung xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng chậm giải ngân. Chủ động, linh hoạt chuyển nguồn vốn từ các dư án thiếu hiệu quả sang các dự án có mức độ khả thi cao hơn.
Không thể cứ mãi chần chừ, du di, châm chước cho những thói quen cũ, và cần nhớ rằng “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”.
Sáng 22/12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành sau 17 năm với không ít khó khăn, thách thức. Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) văn phòng Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn nhanh VOV Giao thông bên lề sự kiện quan trọng này.
Sáng 22/12, UBND TPHCM tổ chức lễ công bố vận hành chính thức tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Sau đó, từ 10h, 14 nhà ga của tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ đồng loạt mở cửa và sẵn sàng đón khách.
Đó là sự háo hức, mong mỏi, là niềm tự hào, hãnh diện khi đã thực sự “chạm” vào giấc mơ metro. Từ dấu mốc mang ý nghĩa lịch sử này, người dân TP.HCM gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào những bước chuyển mình của giao thông đô thị hiện đại.
Trong quá trình thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM, đã có nhiều vấn đề phát sinh như giải phóng mặt bằng, di dời các chướng ngại vật ngầm dưới lòng đất, thay đổi về thông số kỹ thuật dựa trên điều kiện thực tế tại công trường, các quy trình thủ tục về hợp đồng,...
Với thế hệ trẻ, khi đứng trước nhiều “cám dỗ” chi tiêu và những quyết định tài chính lớn, thì việc trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là điều cần thiết để đảm bảo một tương lai ổn định và vững vàng.
Để giữ chân lao động, các đơn vị sử dụng lao động cần đưa ra mức tiền lương, chế độ làm việc hấp dẫn. Đồng thời có chuỗi chăm lo cho người làm, đảm bảo công việc ổn định, lâu dài chứ không phải ở chỗ thu nhập, tiền thưởng là có thể thu hút nhân sự, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Sáng nào, phố Cầu Mới, quận Đống Đa, Hà Nội, nằm ngay sát chợ Ngã Tư Sở cũng tấp nập hoạt động kinh doanh buôn bán, nhiều mặt hàng hoa quả, rau củ, thịt cá được bày bán tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường.