Khi các cơ quan đẩy mạnh việc truy thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và kinh doanh online, nhiều chủ shop online có nhiều “chiêu” lách thuế. Làm thế nào để các cơ quan chức năng có thể kiểm soát thu thuế của hoạt động kinh doanh online?
Việt Nam hiện đang là quốc gia tiềm năng nhất khu vực ASEAN về thương mại điện tử. Kết quả này có được là nhờ sự đầu tư lớn của Nhà nước vào nền tảng công nghệ thông tin và sự nỗ lực của nhiều bộ, ngành liên quan trong hoàn thiện các quy định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, người bán hàng, ngăn chặn các vi phạm diễn ra trong môi trường trực tuyến.
Tuy nhiên, gần đây, khi các cơ quan thuế đẩy mạnh việc truy thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và kinh doanh online, nhiều chủ shop online đã có nhiều “chiêu” lách thuế. Làm thế nào để các cơ quan chức năng có thể kiểm soát thu thuế của hoạt động kinh doanh online?
Với hơn 5 năm kinh doanh online, chị Nguyễn Ngân ở Hà Nội cho biết, doanh thu từ hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử thời gian gần đây sụt giảm liên tục do ngoài khoản phí 2,5-3% doanh thu nộp cho các sàn, còn gặp tình trạng nhiều bán “phá giá” để cạnh tranh. Tuy nhiên, theo chị Ngân, từ 1/8, các cơ quan chức năng tiến hành truy thu thuế hoạt động kinh doanh online sẽ giúp ngăn chặn tình trạng này song đến nay chị vẫn chưa nhận được thông tin chính thức :
"Mình thấy có thông tin truy thu thuế của các shop bán trên sàn thương mại điện tử, nhưng rất mơ hồ, chưa nắm rõ lắm. Mong các cơ quan chức năng có những thông báo cụ thể hơn. Ví dụ như từ ngày nào đến ngày nào; hoặc từ mức kinh doanh thu được bao nhiêu tiền sẽ bắt đầu phải nộp thuế, nộp ở đâu hay phải làm như thế nào? Việc công bố nên cho các shop chuẩn bị trước 6 tháng, 9 tháng", chị Ngân cho biết.
Trong một số group về kinh doanh online các bài viết liên quan đến truy thu thuế từ hoạt động bán hàng online thu hút hàng nghìn comment, lượt chia sẻ.
Một số đơn vị, cá nhân đã nhận được thông báo truy thu thuế bán hàng online năm 2020 từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, với bảng kê chi tiết doanh thu từ một số sàn thương mại điện tử và đơn vị vận chuyển.
Đa phần các chủ shop đều nghiêm túc đóng thuế cho ngân sách nhà nước nhưng có không ít đơn vị, cá nhân lại tìm nhiều chiêu lách, tránh nộp thuế như: yêu cầu khách hàng thanh toán trước khi mua hàng, bao gồm cả phí ship, tính thêm 1,5% thuế nếu chọn hình thức ship COD (nhận hàng rồi thanh toán) hay sử dụng nhiều số tài khoản thanh toán khác nhau…
Một số người mua hàng phản ánh:
"Các bạn ý yêu cầu mua hàng chuyển khoản trước vào một số tài khoản khác chứ không phải tài khoản của các bạn đó, kèm theo tên Facebook chứ không nói nội dung là áo A, áo B hay bất cứ sản phẩm gì".
"Gần đây khi mua hàng online, các chủ cửa hàng đều yêu cầu thanh toán trước bằng chuyển khoản, nếu mà ship COD thì thêm phí. Người ta bảo do sợ bị khách bùng hàng và bị thu thuế".
"Nếu mà kinh doanh online rồi thì cả chủ shop và khách hàng trích một ít lợi nhuận nhất định để nộp thuế. Trước đó phải báo với khách, nếu khách đồng ý mới chia khoản thuế đó cho khách".
Theo Luật sư Lê Minh Trường, Giám đốc Công ty Luật Minh Khuê, phương thức kinh doanh online bản chất là các giao dịch mua bán phát sinh lợi nhuận. Theo Thông tư 40 của Bộ Tài chính, các cá nhân kinh doanh online hay truyền thống đều phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế khác. Nếu các đơn vị, cá nhân kinh doanh online không kê khai thuế là vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý thuế, sẽ bị truy thu thuế và xử lý vi phạm hành chính tùy theo mức độ.
Hiện nay, một số đơn vị, cá nhân sử dụng nhiều chiêu để lách, trốn nộp thuế nhưng các cơ quan Nhà nước đã có các công cụ để kiểm soát. Những hành vi thuê, mượn tài khoản ngân hàng nhằm trốn thuế đều có thể bị xử lý.
Luật sư Lê Minh Trường dẫn chứng: "Theo quy định của Luật, chúng ta đã có Nghị định 143 năm 2021 về tất cả các hành vi cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của ngân hàng có thể phải chịu mức phạt từ 40-50 triệu đồng. Như vậy những cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội, những người thuê hoặc người mua, mượn đều bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt từ 40-50 triệu động. Nếu thuê, hoặc mượn trên 10 tài khoản thanh toán sẽ chịu trách nhiệm hình sự".
Với tốc độ phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử hiện nay, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương thời gian tới cần có những giải pháp để quản lý thuế của hoạt động kinh doanh trên nền tảng số: "Phải có một khung pháp luật phù hợp để quản lý hoạt động thương mại điện tử và quản lý các hoạt động rất đa dạng, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để phát triển giao dịch. Việt Nam cần tham khảo các kinh nghiệm quốc tế để sớm thu thuế đối với các giao dịch n ày, nếu không tạo ra sự bất bình đẳng đối với các giao dịch truyền thống".
Nửa đầu năm 2022, toàn ngành thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 15 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, trung gian thanh toán, 3 doanh nghiệp là công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam và 6 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế đã thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu được 220 tỉ đồng.
Hiện, Cục thuế TP. Hà Nội đã thu thập thông tin của 32.800 địa chỉ bán hàng online, trong đó xác minh được 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thuộc đối tượng quản lý thuế. Hiện cơ quan này đã đưa vào quản lý 465 cá nhân có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước ngoài và hơn 1.300 người nộp thuế online. 6 tháng đầu năm, Cục thuế Tp.HCM đã xử lý truy thu 140 tỷ đồng tiền thuế từ 110 cá nhân có phát sinh thu nhập từ Google
Nộp thuế là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi công dân, đặc biệt đối với những đơn vị, cá nhân có hoạt động kinh doanh phát sinh trên nền tảng internet. Tuy nhiên đây là lĩnh vực có sự thay đổi liên tục, liên quan đến nhiều quốc gia, bởi vậy những giải pháp để kiểm soát, quản lý việc thu thuế cần phải công khai, minh bạch và linh hoạt để thích ứng với tình hình mới.
Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: "Công khai, minh bạch thông tin thu thuế kinh doanh online".
Theo số liệu của cơ quan chức năng, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam năm 2021 có tốc độ tăng trưởng khoảng 20, đạt khoảng 13,7 tỉ USD. Dự báo năm 2022, tốc độ tăng trưởng cao hơn và có thể đạt 39 tỉ USD vào năm 2025.
Giá trị hàng hóa, dịch vụ giao dịch qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội rất lớn, tuy nhiên số đơn vị, cá nhân thực hiện nộp thuế chiếm tỷ lệ nhỏ, chủ yếu thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, làm thất thu cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền khổng lồ và tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh.
Từ năm 2018 đến giữa tháng 7 năm nay, thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu, Tổng cục thuế đã thu được gần 5.500 tỷ đồng, trong đó, một số nhà cung cấp nước ngoài đã nộp trên 2.000 tỷ đồng…
Điều này cho thấy, Việt Nam cần kiểm soát, quản lý thu thuế từ các đơn vị, cá nhân phát sinh doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử để tăng thu cho ngân sách Nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, công bằng giữa các đơn vị kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử.
Vậy, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp, công cụ gì để ngăn chặn tình trạng trốn, né thuế?
Trước hết, cần phải xây dựng một khung pháp lý về thu thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử, phân chia rõ các nhóm đối tượng để có những biện pháp, công cụ quản lý thuế phù hợp. Trong đó, cần điều chỉnh một số quy định cho phù hợp với thông lệ quốc tế để thực hiện giám sát, truy thu thuế đối với nhóm các tổ chức, cá nhân trong nước kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ nước ngoài.
Hiện, Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng và 3 công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài. Trung bình mỗi ngày có khoảng 3,5 triệu lượt khách truy cập các sàn.
Bởi vậy, các cơ quan thuế làm việc trực tiếp với các đơn vị là chủ sở hữu các sàn thương mại điện tử để nắm bắt số lượng, các thông tin của các đơn vị, cá nhân tham gia trên sàn và doanh thu phát sinh để tiến hành các biện pháp thu thuế.
Đối với nhóm các đơn vị, cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, thông qua quản lý mã số định danh, số căn cước công dân để giám sát hoạt động kinh doanh trên internet, từ việc xác minh các nguồn doanh thu nghi ngờ phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh online và tiến hành truy thu thuế.
Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố quan trọng để tránh tình trạng trốn thuế, cần đầu tư nguồn lực vào xây dựng phần mềm, công nghệ hiện đại để dò tìm tự động phát hiện các giao dịch mua bán trên internet, cũng như nâng cao năng lực của cán bộ thuế.
Việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử cũng là yếu tố tạo thuận lợi cho các cá nhân thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thu thuế.
Để đạt được sự đồng thuận của người dân đối với việc nộp thuế, các cơ quan quản lý thuế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đơn vị, cá nhân về trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế, cũng như các chế tài xử phạt đối với hành vi trốn thuế, giúp người dân thấy rõ mục đích, kế hoạch sử dụng ngân sách Nhà nước vào công tác đầu tư hạ tầng công nghệ, tạo lập môi trường kinh doanh trực tuyến an toàn, hiệu quả.
Mặt khác, việc thông báo công khai về điều kiện phải nộp thuế cũng như các kế hoạch, địa điểm, đơn vị và thời gian thu thuế là điều cần thiết, tạo sự tin tưởng cho người dân và tránh tình trạng bị các đối tượng xấu lợi dụng trục lợi.
Với tổng vốn xây lắp khoảng 33,5 tỷ USD, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến đem lại tiềm năng vô cùng to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường và tiếp cận lĩnh vực công nghiệp đường sắt.
Từng là niềm tự hào, nhưng ngành công nghiệp ô tô Đức đang đối mặt với vô vàn khó khăn, trên đà suy thoái và chịu sự cạnh tranh gay gắt của các hãng xe Trung Quốc.
Từ anh shipper đến chị công nhân, hay em gái nhỏ nhân viên văn phòng, ban ngày đi làm mưu sinh; nhưng tối đến, họ lại dành thời gian, sức lực để cứu giúp những mảnh đời gặp nạn trên đường. Đó là những thành viên của đội cứu hộ 911 tại TP Thủ Đức do bạn Nguyễn Hoàng Kim Ngân thành lập.
Chung tay xóa cầu xuống cấp, tạm bợ bằng những công trình kiên cố, đó là việc làm tử tế từ anh Nguyễn Hoài Thanh, chàng thanh niên trẻ ở Hậu Giang, luôn hết mình với công việc thiên nguyện và lan tỏa tình yêu thương đến cộng đồng.
Trước tình trạng gian lận hóa đơn điện tử ngày càng tinh vi, ngành Thuế đang nỗ lực nâng cao năng lực kiểm soát thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích và cảnh báo rủi ro.
Giữa lòng Sài Gòn, xô bồ, tấp nập những khu cư xá cũ kỹ như chiếc gạch nối thời gian giúp người ta nhớ về Sài Gòn những ngày xưa cũ. Từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, cư xá từng là biểu tượng đánh dấu một thời kỳ của mảnh đất này ghi dấu biết bao hoài niệm.