Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Hai, 7/4/2025
Tài chính - Thị trường

Mỹ sẽ áp thuế 46% với hàng Việt: Cần chủ động đối ứng linh hoạt

Như Ngọc - Thùy Linh: Thứ năm 03/04/2025, 19:39 (GMT+7)

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố biểu thuế nhập khẩu mới, áp dụng cho hàng hóa từ hàng chục nền kinh tế trên thế giới. Với Việt Nam, dự kiến từ ngày 9-4 tới, một số hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị áp thuế lên tới 46%.

 Mỹ áp thuế cao với hàng hóa Việt Nam

Theo sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump, mức thuế 10% sẽ được áp dụng đối với mọi quốc gia xuất khẩu sang Mỹ, trong khi đó các mức thuế đối ứng khác nhau sẽ được áp dụng đối với khoảng 60 quốc gia có thâm hụt thương mại cao với Mỹ, áp thuế cao hoặc có các hàng rào thương mại đối với hàng hóa của nước này. Việc tính mức thuế đối ứng đối với mỗi nước là sự chia đôi mức thuế và giá trị các hàng rào phi thuế quan mà những nước này áp dụng đối với Mỹ. 

Các quốc gia bị áp thuế đối ứng bao gồm Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác. Ba nước bị áp thuế đối ứng cao nhất là Campuchia, Lào và Madagascar. Mức thuế chung 10% sẽ được áp dụng từ ngày 05/04, trong khi đó, các mức thuế đối ứng sẽ có hiệu lực từ ngày 09/04. 

Tổng thống Trump cho biết: "Ngày 02/04 năm 2025 sẽ mãi được nhớ tới là ngày mà ngành công nghiệp Mỹ được tái sinh, ngày mà nước Mỹ lấy lại vận mệnh của mình và ngày mà chúng ta khiến nước Mỹ trở nên giàu có trở lại. Đây là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đây chính là bản Tuyên ngôn độc lập kinh tế của chúng ta.

Trong nhiều năm, người dân Mỹ đã bị gạt sang một bên trong khi các nước khác trở nên giàu có và mạnh mẽ, và chủ yếu là nhờ chúng ta. Tuy nhiên, giờ là thời điểm để chúng ta trở nên giàu có và bằng cách này, chúng ta sẽ sử dụng hàng nghìn tỷ đô la để giảm thuế và trả nợ quốc gia. Với hành động ngày hôm nay, chúng ta cuối cùng cũng sẽ khiến nước Mỹ trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết".

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới (Ảnh: Reuters).

Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự của Việt Nam tại San Francisco, California (Mỹ), từ ngày 5-4-2025, mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho mọi hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Từ ngày 9-4, mức thuế “có đi có lại” cao hơn sẽ áp lên hơn 60 quốc gia được Mỹ coi là "gây mất cân bằng thương mại", như Trung Quốc (34%) và Việt Nam (46%).

Với trường hợp Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ là 136,6 tỉ đô la Mỹ, nhập khẩu là 13,1 tỉ đô la. Như vậy, thâm hụt là 123,5 tỉ đô la, tương đương 90% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu mà Mỹ cho rằng đây là mức thuế mà Việt Nam đang áp cho hàng hóa Mỹ. Điều này khiến Mỹ áp thuế 46%, tức một nửa mức tính toán.

Do đó, với việc sẽ áp mức thuế với các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, những ngành công nghiệp chính dễ bị tổn thương nhất khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ…

Là một doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ 8 năm qua, bà Đỗ Thị Bích Hảo – Giám đốc Công ty TNHH may mặc Vinageni cho biết kể từ sau dịch Covid, hàng xuất khẩu sang Mỹ của doanh nghiệp vẫn chưa ổn định bởi nguy cơ tăng thuế nhập khẩu của thị trường Mỹ vào hàng may mặc của Việt Nam nói riêng, cạnh tranh giá gia công.

Do đó với thông tin áp mức thuế quan được Mỹ công bố vào rạng sáng nay sẽ là một trong những khó khăn để ngành dệt may Việt Nam tiến vào thị trường Mỹ thời gian tới: "Theo thông tin thuế quan Mỹ tăng sáng nay đã thông báo trên truyền thông thì đó là một trong những khó khăn để ngành dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ. Thứ nhất chúng ta chưa chủ động được nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thứ 2 là chi phí nhân công của chúng ta so với nước như Ai Cập, Bangladesh thì chúng ta vẫn cao hơn, sắp tới là Myanmar và một số nước Đông Nam Á ngành may đang có xu hướng dịch chuyển dần. Vì vậy cạnh tranh đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ đặc biệt khó khăn trong thời gian tới"

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên cao cấp Viện thương mại và kinh tế quốc tế, trường Đại học Kinh tế quốc dân nhìn nhận việc chính quyền tổng thống Donal Trump đánh thuế không phải mới và đột ngột. Tuy nhiên, quyết định áp thuế mới của Mỹ lần này có phần cứng rắn hơn so với kỳ vọng của giới phân tích.

Trước đó, các chuyên gia dự báo mức thuế sẽ dao động trong khoảng 20-30% đối với một số ngành hàng cụ thể, nhưng thực tế nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, phải đối mặt với mức thuế cao hơn dự kiến: "Với việc đánh thuế 46% như vậy tôi cho rằng hàng Việt Nam bán sang Mỹ chắc chắn sẽ khó bán hơn vì giá bán cho người tiêu dùng trong nước có thể tăng lên 1,5 lần. Tôi nghĩ giá hàng Việt Nam bán ở Mỹ sẽ khó khăn hơn cho nên mức độ nhập khẩu hàng từ Việt Nam của các doanh nghiệp Mỹ sẽ giảm xuống, nghĩa là sẽ làm cho thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam sẽ giảm xuống hay nói cách khác xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm xuống. Điều đó thì những mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ như nông sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, kể cả điện thoại, linh kiện điện tử hay sắt thép nhôm đều dính cả vì đánh thuế chung mà. Điều này sẽ ùn ứ ra và làm cho hàng hoá không đi vào thị trường Mỹ được, kênh phân phối bị chững lại. Do đó hàng sẽ bị ế thừa"

Về tác động với kinh tế Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Việt - Chuyên gia chính sách công chuyển động kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định đây là một điều đáng tiếc và sẽ ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm nay và những năm tiếp theo.

Điều đầu tiên có thể nhìn thấy ngay được là việc chịu mức thuế suất cao sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tỷ trọng thương mại của Việt Nam với Mỹ. Đồng thời ảnh hưởng tới kinh tế đối ngoại cũng như khả năng Việt Nam duy trì tăng trưởng xuất nhập khẩu nói chung và thặng dư thương mại hàng hoá nói riêng. Điều quan ngại hơn là việc áp thuế mới của Mỹ tới đây có thể làm suy giảm động lực tăng trưởng các cầu tiêu dùng cũng như các động lực đầu tư sản xuất toàn cầu.

TS Nguyễn Quốc Việt phân tích thêm: "Một điểm quan trọng chúng ta cần lưu ý là nếu nhìn vào tổng cầu thì chúng ta nhìn ở khía cạnh là đóng góp của xuất nhập khẩu nếu chỉ nhìn đơn thuần về trị số tuyệt đối là thặng dư thương mại không phải là lớn nhưng điều quan trọng hơn là tăng trưởng xuất nhập khẩu. Ví dụ như sự khác biệt tăng trưởng xuất nhập khẩu rất lớn giữa năm 2024 và 2023 thì nó tạo động lực về mặt việc làm, đầu tư. Và khi có làn sóng đầu tư cả tư nhân và nước ngoài thì nó kéo theo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập và triển vọng tăng thu nhập của người lao động.

Việc đó kéo tổng cầu trong nước đi lên. Nhất là tiêu dùng đầu cuối ở trong nước của chúng ta. Đây là nền tảng cơ bản để chúng ta duy trì động lực tăng trưởng cao trong thời gian tới. Như vậy giữa các cấu phần của nền kinh tế cũng đều liên quan tới nhau và khả năng dẫn đến năng lực cạnh tranh về xuất khẩu bị suy giảm do chúng ta chịu nền thuế suất cao hơn so với các nước có cùng năng lực cạnh tranh và cùng thị trường xuất khẩu là Hoa Kỳ. Nó sẽ là một trong những điểm mà chúng ta phải khắc phục trong thời gian tới"

Tìm giải pháp ứng phó

Trước việc các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, các chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, như EVFTA, CPTPP, RCEP… hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal.

Toàn cảnh cuộc họp của Thường trực Chính phủ sáng 3/4 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Toàn cảnh cuộc họp của Thường trực Chính phủ sáng 3/4 (Ảnh: Đoàn Bắc).

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất: "Tôi nghĩ chúng ta nên đa dạng hoá thị trường như EU, Trung Đông nhưng các thị trường khác đều có rào cản nhưng cần tham gia sâu vào tìm cách vượt các loại rào cản. Chúng ta cần tiết kiệm các loại chi phí hành chính, chi phí môi trường kinh doanh bôi trơn, chi phí phi chính thức,…

Chúng ta phải thông thoáng để doanh nghiệp hoạt động, đổi mới sáng tạo tạo ra mặt hàng mới, chúng ta phải liên kết đối tác nước ngoài để sản xuất liên doanh chia sẻ rủi ro. Tôi nghĩ chúng ta phải đa dạng hoá cách làm, phương thức, công cụ thì mới đa dạng hoá giá trị xuất khẩu. Nếu chúng ta cứ làm như cũ thì thuế này sẽ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ mà điều đó chính là điều ông Donal Trump đang muốn làm"

TS Nguyễn Quốc Việt - Chuyên gia chính sách công chuyển động kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội lo lắng nhất là câu chuyện các doanh nghiệp Việt đang dần thích ứng và tham gia được một phần vào chuỗi cung ứng toàn thì sẽ khó đỡ nổi cú shock thuế này.

Do đó, ông kiến nghị cần sự đồng lòng từ chính phủ tới cộng đồng doanh nghiệp: "Điều đó sẽ dẫn đến việc chúng ta phải thúc đẩy hơn nữa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu, kết nối các thị trường mới, tận dụng các thị trường nằm trong Hiệp định FTA là một trong những điểm nhà nước cần quan tâm trong thời gian tới. Tôi cũng mong các Hiệp hội, các ngành hàng doanh nghiệp cùng đồng lòng hỗ trợ thúc đẩy lẫn nhau để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ có trách nhiệm cộng đồng để giúp cho doanh nghiệp nội địa có sức bền sức chống chịu nào đó nhất định để vượt qua giai đoạn khó khăn và đứt gãy của thị trường, đặc biệt của thị trường Hoa Kỳ nếu như mức thuế 46% không thay đổi"

Ngay trong sáng nay, chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việt Nam có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống: "Luôn luôn là phải ứng phó với tình hình, chung sống với tất cả những cái gì khó khăn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Thuế lần này thì ta thị trường xuất khẩu lớn nhất sẽ bị ách. Không còn cách nào khác vẫn phải là đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và phải làm rất nhanh và nhiều vấn đề"

Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn. 

Thủ tướng nêu rõ, đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước; rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách phù hợp và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao: "Trung Á và Châu Âu hàng hóa của Việt Nam rất tốt, điểm ách tắc nhất là về giao thông. Giao thông thì đường sắt là đường quy mô lớn, giá rẻ và khả năng xuyên biên giới, rất thuận lợi. Bây giờ đường sắt của ta nối đến Trung Quốc thì sẽ nối được trên toàn thế giới. Vì vậy, tuyến đường sắt là tuyến đường sắt huyết mạch để thúc đẩy động cơ, động lực mới cho phát triển, trong xuất khẩu, mới có thị trường. Có những biện pháp rất đồng bộ thì Việt Nam mới ứng phó với tình hiện nay".

Thủ tướng đề nghị thời gian tới tập trung vào đầu tư công trung hạn, với những dự án đã phê duyệt khi có vốn phải thực hiện luôn, tránh lãng phí nguồn lực; đặc biệt ưu tiên các dự án đường cao tốc, thúc đẩy hòa thiện tuyến đường cao tốc Đông-Tây; ưu tiên các dự án về an ninh, quốc phòng; giao cho các địa phương quản lý các tuyến đường bộ đi qua địa phương mình. Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên như Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua./.

Như Ngọc - Thùy Linh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
vovgiaothong.vn
Hà Nội: Danh sách 14 điểm giải quyết phạt nguội

Hà Nội: Danh sách 14 điểm giải quyết phạt nguội

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết các vi phạm giao thông bị ghi nhận qua hệ thống camera giám sát, Công an TP Hà Nội vừa công bố danh sách các địa điểm tiếp nhận và xử lý phạt nguội mới trên địa bàn thành phố.

Giá xăng dầu tiếp tục tăng

Giá xăng dầu tiếp tục tăng

Giá xăng dầu đồng loạt tăng từ 15h hôm nay ngày 3/4, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Cháy nhà cấp 4 lúc rạng sáng, 3 người tử vong

Cháy nhà cấp 4 lúc rạng sáng, 3 người tử vong

Đám cháy bùng phát tại căn nhà cấp 4 rạng sáng 2/4 ở đường Mạc Vân, phường Xóm Củi (quận 8, TP Hồ Chí Minh) nơi có 8 người trong gia đình sinh sống. 5 người thoát ra ngoài, 3 người không may mắn bị kẹt lại tử vong, trong đó có bé trai khoảng 5 tuổi…

Các trường hợp bị tước GPLX ô tô

Các trường hợp bị tước GPLX ô tô

Thính giả Minh Quân hỏi (Cần Thơ): “Xin hỏi, theo Nghị định 168 thì tài xế vi phạm những lỗi nào sẽ bị tước giấy phép lái xe ô tô?”.

Kiên Giang: Ngổn ngang những bãi rác trong lòng thành phố

Kiên Giang: Ngổn ngang những bãi rác trong lòng thành phố

Thời gian qua, tại nhiều khu vực ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang xuất hiện những bãi rác tự phát ngổn ngang, bốc mùi hôi, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.

Vụ cháy ở quận 8 (TP.HCM): Người mẹ quay lại cứu con trai thì căn nhà đổ sập

Vụ cháy ở quận 8 (TP.HCM): Người mẹ quay lại cứu con trai thì căn nhà đổ sập

Người mẹ quay lại ngôi nhà cứu con trai lớn nhưng lúc đó căn nhà bất ngờ đổ sập xuống nên không thể thoát ra được.

Cung đường Thống Nhất

Cung đường Thống Nhất

Trong kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn như một huyết quản khổng lồ “tiếp máu” từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trên mạng đường chằng chịt, vĩ đại đó; không chỉ có có đường ô tô, mà cả đường sông, đường giao liên chuyển quân từ Bắc vào Nam, đường dây thông tin, và đường ống xăng dầu.