Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Huyền thoại sông Vàm Nao

Kim Loan - 20/10/2022 | 22:04 (GTM + 7)

Sông Vàm Nao ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang không chỉ được xem là dòng sông ngắn nhất Việt Nam mà còn gắn với nhiều cái nhất khác, như: nơi có nhiều truyền thuyết nhất, có nhiều loài cá to lớn nhất, hung dữ nhất, độc lạ nhất và những vụ đắm thuyền đều xảy ra nhiều nhất trên dòng sông này.

Nơi đây có hiện tượng “san nước” độc đáo từ sông Tiền qua sông Hậu. Nước xoáy, tạo ra những hốc sâu bí ẩn, là nơi trú ngụ lý tưởng của biết bao loài kình ngư nổi tiếng của dòng Mekong. Mời quý thính giả cùng Người Cũ Cảnh Xưa ngược về An Giang để nghe kể về quá khứ “hùng mãnh” của dòng sông Vàm Nao huyền thoại.

Sông Vàm Nao

Sông Vàm Nao

Từ địa phận Campuchia vào biên giới Việt Nam, sông Tiền và sông Hậu cứ “lì lì” chạy song song. Chạy được khoảng 50 cây số thì bỗng trở nên năng động hẳn lên bởi một “kẻ bao đồng” mang tên Vàm Nao.

Sông Vàm Nao vắt ngang nối sông Tiền và sông Hậu (nói nôm na, dựa theo chữ H in hoa thì Vàm Nao là dấu gạch nối). Tuy sông rõ ràng là một nhánh của Mekong êm đềm, nhưng cái “nết chảy” cuộn tròn của nước cùng những quái ngư một thời làm mưa làm gió đã khiến cả con sông này trở nên khác biệt và “hung hãn”. Từ đó, Vàm Nao mang tiếng ồn ào nhất trong số những con sông ngắn của miền Tây.

Sông Vàm Nao có bề rộng mặt nước đến 700 m, sâu hơn 17m, chia hai bờ của huyện Chợ Mới và huyện Phú Tân (An Giang). Có thể nói, đây là “vàm” sông rộng lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp, là một người dân bản địa của vùng đất cù lao Phú Tân, tỉnh An Giang đã từng lớn lên cùng con sông Vàm Nao, trong đôi mắt ông, sông Vàm Nao rất đẹp nhưng rất hung dữ vì những cơn sóng chực chờ nuốt chửng ghe thuyền, cũng từ đó mà dân gian đã đặt cho cái tên Vàm Nao: "Sở dĩ con sông này có chữ Vàm là thế này, cái vàm này nó hung dữ lắm, ghe xuồng đi ngang đều bị nó nhấn chìm. Nên người ta đặt Vàm nghĩa là chỗ nhấn nước, còn Nao là khi tới đó phải biết nôn nao lo sợ, sợ bị chìm, người ta sợ lắm".

Tiếng tăm của sông Vàm Nao được ghi vào sử sách đến tận này nay là dòng sông có nhiều loài cá lạ thuộc sách đỏ của Việt Nam. Theo các bậc cao niên sinh ra và lớn lên ở Vàm Nao, con sống này có nhiều chỗ sâu đến mấy sợi dây thừng, tức khoảng 30m. Dòng nước chảy xiết, đáy sông sâu với nhiều hang hốc nên Vàm Nao đã kéo theo các loài cá “khủng”, nặng hàng trăm ký từ sông Mê Kông tìm về trú ẩn như cá hô, cá tra dầu, cá vồ cờ, cá nược, cá đuối, cá đao, cá sấu, cá bông gấm hay còn có biệt danh là “cọp nước”.

Nhiều ngư dân thông thuộc Vàm Nao giải thích sở dĩ dòng sông này quy tụ nhiều loài cá khổng lồ là vì khúc sông này nước năng động, nhiều loài cá nhỏ tìm về sinh sôi là nguồn thức ăn lý tưởng cho các loài cá khác. Điều đặc biệt hơn là loài cá to hay sống dưới tầng nước mát tận đáy sông.

Thời gian dài, sông Vàm Nao trở thành nơi để các thợ săn nổi tiếng từ miệt Cà Mau, Rạch Giá tìm đến săn lùng cá khủng. Nhiều nhất là săn cá hô, thời hoàng kim chỉ riêng việc đầu tư lưới săn cá hô đã hết mấy cây vàng. Nhưng nếu là tay sát cá thì chỉ cần một mùa bắt được 2 con là dư sức huề vốn. Một con cá bán xong mua được mấy cây vàng, một mùa bắt được vài con cá coi như có bạc triệu xài rủng rỉnh năm này qua năm kia.

Cá hô (dân gian gọi là “cá vua”), cá vồ cờ... là những loài “quái ngư” được ngư dân đánh bắt được trên sông Vàm Nao - Ảnh: Tuổi trẻ

Cá hô (dân gian gọi là “cá vua”), cá vồ cờ... là những loài “quái ngư” được ngư dân đánh bắt được trên sông Vàm Nao - Ảnh: Tuổi trẻ

Bà Bùi Thị Hừng – ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới một thời cùng chồng tung hoành trên sông Vàm Nao bắt cá dữ kể lại: "Cá bông lao con nào con nấy 15-20 kg, bắt lên nó nằm như đứa con nít vậy đó. Mình dở cả thành xuồng để thả nó xuống dưới, chứ để nằm trên xuồng nó nhảy dữ lắm. Bắt được cá hô 80-100kg cũng có luôn, giăng lưới mành dính cá hô, nó dính vô lưới là cứ ùn ụn hoài không ngóc đầu lên được. Nó chạy dù dù, khi nào nó mệt cái nằm êm cái 2-3 xuồng xúm lại kéo lên".

Vàm Nao cũng ồn ào nhất miền Tây với lịch sử là con sông hung dữ nhấn chìm nhiều ghe tàu khi chạy qua. Dân gian thường hay nói: “Bắp non mà nướng cửa lò; Đố ai ve được con đò Vàm Nao”, ghe tàu nào cũng khiếp, sợ bị lật nên nao lòng, thoái chí.

Những năm lũ lớn, ghe tàu qua ngã ba sông Vàm Nao hay bị sóng lưỡi búa đánh chìm, cứ cách vài ngày lại nghe văng vẳng tiếng khóc, kêu cứu. Người dân địa phương cho biết, dưới đáy sông sâu Vàm Nao ngày nay còn chứa hàng trăm xác ghe tàu bị chìm.

Kể từ tháng 7 trở đi, người dân luôn nhắc nhở khuyến cáo ai lưu thông ghe thuyền trên sông Vàm Nao thì nên mặc áo phao. Trên khúc sông này xuất hiện một biệt đội cứu hộ U70, gồm 7 thành viên, hùng tiền mua ghe chạy dọc tuần tra trên sông, làm việc giúp dân hơn nửa thế kỷ.

Ông Dương Văn Lợi, Đội trưởng đội cứu hộ sông Vàm Nao cho hay: "Hai mươi mấy năm trước, hầu như năm nào cũng rất gian nan đi vớt xác. Hai mươi năm nay đỡ hơn nhưng cũng làm việc này. Nước ở đây chảy mạnh lắm, ghe xuồng phải chạy bọc dòng sông, chứ nếu chạy vào là bị sóng nước nuốt chửng luôn".

Xưa, các ghe thương hồ miệt Cái Vừng, Chợ Vàm, từ phía sông Tiền muốn qua Bình Thạnh Đông, Cái Dầu, bên sông Hậu, để đỡ phải “chèo chống mỏi mê” người ta đã biết lợi dụng dòng chảy, chờ con nước ròng thả xuống, qua hết sông Vàm Nao khoảng 6km thì vừa lúc triều cường. Nước lớn, dòng sông Hậu chảy ngược lên hướng Châu Đốc. Vậy là ghe thương hồ vẫn đi được một mạch “nước xuôi”, tức không phải mất thời gian cả buổi trời cặm sào chờ con nước.

Nhắc đến Vàm Nao, người ta sẽ không qua bài thơ Thuyền qua Núi Sập/ Thoại Sơn của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa:

"Một thuyền cầm hạc một mình ta,

Đường hiểm gian nan khắp trải qua.

Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi,

Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà".

Vàm Nao là con sông có dòng chảy khác lạ, giao nhau của hai dòng nước sông Tiền và sông Hậu nên tạo ra nước xoáy, dễ nhấn chìm thuyền ghe. Ảnh: Nhân dân

Vàm Nao là con sông có dòng chảy khác lạ, giao nhau của hai dòng nước sông Tiền và sông Hậu nên tạo ra nước xoáy, dễ nhấn chìm thuyền ghe. Ảnh: Nhân dân

Ngày nay, những câu chuyện kì bí về sông Vàm Nao đã là chuyện xưa, theo dòng chảy thời gian, nước sông Vàm Nao đã hiền hòa hơn nên thương hồ qua lại không còn ngán ngại. Ổ cá Vàm Nao theo từng con nước, tôm cá cũng vơi dần. Trút bỏ bộ mặt hung tợn, Vàm Nao mấy mùa nước nổi qua đã trở thành điểm du ngoạn của dân thị thành.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp lý giải lý do bỗng dưng sông Vàm Nao trở nên hiền hậu bất ngờ: "Con sông Vàm Nao có thể nói nó rất đặc biệt, chú biết từ hồi nó hung dữ đến ngày nó hiền khô. Lý do nó hiền là vì phía bên sông Hậu người ta đào rất nhiều kênh, nên nó nhận nước nhiều về trang trải trong đồng. Ngày xưa, Vàm Nao là sông nhỏ nên nước chảy xiết, bây giờ sông lớn thêm nên nước chảy hiền lại".

Ngày nay, nhiều đơn vị lữ hành đã chọn lòng hồ ấp Vàm Nao, xã Tân Trung (H.Phú Tân) làm điểm du lịch trải nghiệm để chào tour du khách. Lòng hồ ấp Vàm Nao như lòng chảo nên mùa nước nổi, nước từ sông Vàm Nao tràn vào tạo nên cảnh vật hữu tình. Lúc đó các loài cá tôm tới trốn sóng gió trong các rặng cây nên thích hợp cho khách du lịch trải nghiệm câu cá, kéo dớn bắt cá như ngư dân.

Để có cảm giác mạnh hơn thì lặn hụp theo con nước đục, mò ốc bươu, mò vẹm. Đặc biệt, đến đây, du khách được thưởng thức cá bông lau “chính hãng” sông nước miền Tây.

Thả cá trên sông Vàm Nao. Ảnh: laodong.vn

Thả cá trên sông Vàm Nao. Ảnh: laodong.vn

Ngày nay, ngư dân và chính quyền địa phương vẫn thường tổ chức các hoạt động thả cá trên sông Vàm Nao, tạo nguồn lợi thủy sản. Ở vàm sông này, vẫn còn nhiều gia đình quyết gắn chặt cuộc đời mình với nghề câu lưới trên dòng sông cho đến khi tay không còn đủ vững để giữ mái chèo, lái con thuyền về bến đợi.

Mỗi chuyến ra khơi bủa lưới mang cả niềm tin và hy vọng về những bữa cơm gia đình bớt phần đạm bạc, cho con trẻ được cắp sách đến trường. Và mỗi chuyến “săn đêm” sẽ trở thành những giai thoại tự hào kể lại cho con cháu mai sau về ký ức một thời dọc ngang trên sông nước Vàm Nao.

Ý kiến của bạn
Hà Nội và những 'dòng sông chết'

Hà Nội và những "dòng sông chết"

Nếu tính trên toàn bộ địa bàn Hà Nội, hiện chúng ta đang "sở hữu" 7 dòng sông lớn nhỏ khác nhau. Trong đó chảy qua địa bàn nội thành có các sông như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Kim Ngưu... Thế nhưng điều đáng nói, trong 4 con sông vừa kể tên, 3 trong số chúng đã... chết, đúng theo nghĩa đen

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Hiện dự án đầu tư hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc – Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn đang trong quá trình thi công. Thực tế tình hình giao thông tại đây như thế nào? VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với những người tham gia giao thông thường xuyên di chuyển qua khu vực này.

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Tính đến cuối năm 2023, đã có hơn 90% người dân trên cả nước tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT). Khi nâng mức đóng BHYT của hơn 93 triệu người thì không chỉ cần tăng mức hưởng mà còn cần tăng cả khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được BHYT chi trả.

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ khi được công bố đã đem lại kỳ vọng giải bài toán nhà ở xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, việc giải ngân rất chậm, nhiều dự án không thể triển khai, người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư.

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua (18 - 22/3), thị trường hàng hóa biến động mạnh. Điều này thể hiện qua sự phân hóa, giằng co rõ rệt trên diễn biến giá của các mặt hàng.

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang gấp rút lựa chọn SGK năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Quyền chọn SGK được giao cho các trường, làm thế nào để thầy cô phát huy vai trò tự chủ, trách nhiệm, đồng thời hệ thống được kiến thức những năm học trước đó cho học sinh?

Lãi suất huy động tìm đáy mới

Lãi suất huy động tìm đáy mới

Tính đến tuần cuối tháng 3, mức lãi tiết kiệm 5%/năm đã chính thức biến mất khỏi dải lãi suất các ngân hàng quốc doanh.

// //