Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông để mở đường phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề thuận lợi đón các nhà đầu tư lớn, hướng đến mục tiêu tự có thể tự chủ được ngân sách...
Quy hoạch đồng bộ
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định Phạm Hồng Thái cho biết, Nam Định là tỉnh nằm ở phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng, có mạng lưới giao thông đa dạng gồm đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt.
Đường bộ hơn 12 nghìn km với 1 tuyến cao tốc 20,4 km; 5 tuyến quốc lộ 259,5 km; 13 tuyến tỉnh lộ 302,39 km; đường đô thị 465,5 km; đường huyện 376,1 km; đường xã, liên xã 1.696 km; đường thôn, xóm 9.207 km. Hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa khá đa dạng, tổng chiều dài sông, kênh của tỉnh hơn 520 km.
Nam Định có 3 cảng biển gồm: Hải Thịnh, Ninh Cơ và Cảng quân sự Thịnh Long; 6 cảng sông gồm: 2 cảng hàng hóa; 4 cảng chuyên dụng. Tỉnh có 130 bến thủy nội địa, 83 phà, bến khách ngang sông đang hoạt động trên 4 tuyến sông chính: Sông Đào, sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đáy. Hệ thống đường sắt gồm 41,2 km đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định với 6 ga hành khách và hàng hoá...
Để tạo đà phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, UBND tỉnh xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông cho từng giai đoạn như: Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Nam Định năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định năm 2020, định hướng đến năm 2030; bổ sung quy hoạch tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, kết nối Trực Tuấn - Yên Định, Lạc Quần - Ngô Đồng; bổ sung quy hoạch tuyến đường gom hai bên đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối liên vùng tỉnh Nam Định đến Hà Nam; tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định - đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định.
Các quy hoạch được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kịp thời tạo cơ sở cho việc đầu tư các dự án, từng bước hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông vận tải. Tỉnh cũng xây dựng các tuyến tránh đô thị, hình thành đường vành đai thành phố Nam Định... để từng bước cải tạo các nút giao giữa giao thông địa phương với các tuyến Quốc lộ và các tuyến đường có mật độ giao thông cao.
Phát triển hạ tầng giao thông
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định Phạm Hồng Thái, trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện mục tiêu đảm bảo giao thông, trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.
Đối với hệ thống đường giao thông huyết mạch, trong những năm qua đã cải tạo, nâng cấp hầu hết các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ có kết cấu mặt đường đạt tiêu chuẩn cấp cao A1; xây dựng mới được các cầu lớn như: cầu Tân Phong, cầu Thịnh Long; điều chuyển các tuyến đường tỉnh thành các quốc lộ như: Quốc lộ 37B, Quốc lộ 38B, Quốc lộ 21B và tuyến đường Nam Định - Phủ Lý mới (Quốc lộ 21B).
Hiện tỉnh đang nâng cấp cải tạo Tỉnh lộ 488B, Tỉnh lộ 485B và xây mới đường trục phát triển nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng); xây dựng tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, có quy mô cấp I đồng bằng với phạm vi giải phóng mặt bằng 100 m trên toàn tuyến và các cầu trên tuyến, bằng nguồn vốn nội lực của tỉnh là chủ yếu…
Mạng lưới đường giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư cải tạo trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và các nguồn vốn ODA. Hầu hết đường huyện, đường xã hiện nay đã được xây dựng đạt tiêu chuẩn. Hệ thống đường cao tốc có tuyến cao tốc Bắc - Nam chạy qua địa bàn tỉnh Nam Định, chiều dài 20,4km, trong đó đoạn Cầu Giẽ - Cao Bồ dài 16,2 km, đã đầu tư quy mô 4 làn xe; đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 4,2km quy mô 4 làn xe.
Hệ thống đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh Nam Định dài 41,2 km với 6 ga hành khách và hàng hóa thuộc các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và thành phố Nam Định, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách thông thương giữa tỉnh Nam Định và các địa phương khác trên cả nước.
Tuyến đường sắt tốc độ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, đoạn chạy qua tỉnh Nam Định dài khoảng 31km. Tuyến đường sắt này đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi...
Những dự án triển vọng
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị thông tin: cùng với việc hoàn thiện quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan triển khai các công trình, dự án giao thông trọng điểm quốc gia, trọng điểm của tỉnh bàn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định, dài khoảng 28,7km, đi qua 3 huyện Nghĩa Hưng, huyện Trực Ninh và Xuân Trường.
Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định, tổng mức đầu tư trên 2.655 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến 65,58 km; trong đó, làm mới 38,02km; mở rộng, nâng cấp 12,96 km theo quy mô đường cấp III đồng, 2 làn xe cơ giới; còn lại là trùng vào tuyến Quốc lộ 37B, Quốc lộ 21 và đoạn thuộc dự án cầu Thịnh Long, không xây dựng, dài 14,6km.
Dự án xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tổng mức vốn đầu tư trên 5.326 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn: giai đoạn I là 2.839 tỷ đồng, giai đoạn II là 2.487,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương; ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017-2025.
Dự án cầu vượt sông Đáy thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, tổng chiều dài tuyến chính khoảng 2km, quy mô 4 làn xe. Phần cầu vượt sông có chiều dài khoảng 1,3km, mặt cắt ngang là 17,5m; phần đường dẫn có chiều dài khoảng 0,7 km, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.450 tỷ đồng, từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phần còn lại được bố trí từ ngân sách tỉnh Nam Định và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tất cả các dự án này đang được triển khai hoặc đã hoàn thành một số hạng mục. Đây là những dự án giao thông huyết mạch, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Nam Định và các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng như cả nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, để tạo sự kết nối các vùng kinh tế trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, thời gian tới, Nam Định tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
Tỉnh sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ và đưa các dự án giao thông có tính khả thi cao vào kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để thống nhất chỉ đạo thực hiện.
Tỉnh tập trung triển khai và hoàn thành các dự án giao thông huyết mạch có tầm ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế xã hội như: Dự án xây dựng cầu Bến Mới trên Quốc lộ 38B qua sông Đáy; cầu Ninh Cường trên Quốc lộ 37B qua sông Ninh Cơ. Dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc cầu giẽ Ninh Bình (giai đoạn II); tuyến đường bộ ven biển; triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định; xây dựng, hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch../.
Một Noel an lành đang đến, đường phố Hà Nội tấp nập, đông vui. Trong niềm vui ấy, người Hà Nội không quên ngày Noel lịch sử năm 1972 – ngày “Giáng sinh màu lửa”, nhắc nhở người Việt Nam niềm tự hào về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu.
Sáng 22/12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành sau 17 năm với không ít khó khăn, thách thức. Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) văn phòng Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn nhanh VOV Giao thông bên lề sự kiện quan trọng này.
Từ giữa năm 2024, TP. Hà Nội đã thí điểm triển khai trông giữ xe không dùng tiền mặt. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người dân và minh bạch trong thu phí trông giữ phương tiện.
Trong quá trình thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM, đã có nhiều vấn đề phát sinh như giải phóng mặt bằng, di dời các chướng ngại vật ngầm dưới lòng đất, thay đổi về thông số kỹ thuật dựa trên điều kiện thực tế tại công trường, các quy trình thủ tục về hợp đồng,...
Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt danh mục tuyến đường, phố được sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, trong đó bổ sung 191 tuyến đường, phố đủ điều kiện vào danh sách được trông giữ xe dưới lòng đường.
Hàng chục điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đã được xử lý khắc phục kịp thời, công tác bảo trì sửa chữa thường xuyên, xử lý cầu yếu và tăng cường chất lượng mặt đường tại các tuyến quốc lộ khu vực phía Bắc về cơ bản hoàn tất, giúp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT, đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết.