Hà Nội: Hàng cây phong và bài học trồng cây đô thị
Phóng viên - 10/04/2021 | 9:23 (GTM + 7)
Vậy là sau nhiều năm, viễn cảnh lãng mạn về một “Trời Âu giữa lòng Hà Nội” đã không còn nữa...
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Sống tại số 71 đường Nguyễn Chí Thanh, ông Phạm Xuân Mạnh không khỏi tiếc nuối khi phải chứng kiến hàng cây phong lá đỏ ngày một héo úa.
Gần 3 năm trồng, đến nay, hàng cây phong không đẹp được như kỳ vọng. Nhất là phải chống chịu mùa đông khô lạnh của Việt Nam, hàng cây ngày một trơ trụi, thiếu sức sống.
Ông Mạnh chia sẻ: “Tôi thấy 3 năm trước những hàng cây ở đây rất xanh tươi mà lại nhổ bỏ đi để quy hoạch thành nhưng hàng cây phong như hiện tại. Tôi nghĩ đến bây giờ cũng không nên thay cây nữa vì sẽ rất tốn kém. Không biết thay xong thì nó có phát triển được như những hàng cây cũ hay không. Mà tới bây giờ có những cây vẫn còn tươi vẫn có lá, vẫn đâm chồi nảy lộc”
Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn hàng cây phong được trồng trên dải phân cách đều đang trụi lá. Tuy nhiên, vẫn có một vài cây bắt đầu nhú lên một chút lá xanh. Người dân sinh sống thường xuyên trên tuyến phố này cho biết, không phải hoàn toàn những cây ở đây đều khô héo mà tới mùa vẫn lác đác có cây đâm chồi, xuất hiện lá xanh dù chưa được xum xuê như mong đợi.
Được biết, TP. Hà Nội đã đồng ý với phương án thay thế cây phong bằng toàn bộ cây bàng lá nhỏ thân thẳng, bổ sung các giá đỡ giỏ hoa trang trí, việc thay thế sẽ hoàn thành trước dịp lễ 30/04, 1/5.
Theo đó, chi phí dịch chuyển cây phong cũ sẽ thực hiện bằng nguồn kinh phí của đơn vị Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và của Công ty CP Đầu tư Tân Đại Đường.
Trước thông tin sẽ thay thế hàng cây phong bằng giống cây mới, một số người dân bày tỏ quan điểm:
“Nên thay cây phong cũ, hạ bỏ hết những cây khô này xong rồi cho cây mới lên, cây mới lên cho tươi tốt đẹp hơn cho thành phố xanh tươi đẹp”.
“Hàng kia của bên cây xanh trồng phải nên thay đi, thay chứ ai để chết thế kia thành phố mà để cây chết là không nên để”.
“Cái cây này nó cũng không đem lại cái lợi ích gì cho người dân khi mà tham gia giao thông”.
“Tôi nghĩ là thay làm gì rất là lãng phí xong rồi lại thay nữa, chả biết là như thế nào.”
Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho biết, qua theo dõi hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố, cây phong trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sinh trưởng và phát triển kém.
Cho đến nay, 262 cây phong do Công ty CP đầu tư Tân Đại Đường tặng thành phố, được trồng thử nghiệm từ năm 2018. Trong đó, tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng trồng 143 cây.
Sau gần 3 năm trồng thử nghiệm, bước đầu cho thấy, cây chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Trong đó, 45 cây đã chết, ảnh hưởng đến cảnh quan của tuyến phố. Có 217 cây còn sống sinh trưởng, phát triển kém. Sau một thời gian, lá bị héo; cành, nhánh bị khô và hay bị sâu bệnh.
Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội: Việc chọn cây, trồng cây xanh trong đô thị cần phải được nghiên cứu công phu, tham vấn từ các chuyên gia, phải qua nhiều nghiên cứu và rút ra bài học từ thực tế. Đây cũng là bài học đắt giá cho TP. Hà Nội trong việc trồng cây đô thị.
“Cây xanh không phải tự dưng mọc lên, đấy là tiền của, cho dù là từ cây giống đến duy trì, trồng trọt. Việc trồng và chặt vừa rồi thể hiện tính nghiệp dư trước ứng xử ngẫu hứng với cây xanh đô thị. Vì vậy, kết quả không được như mong đợi và cuối cùng là tốn kém trong xử lý. Đây cũng là kết quả của việc làm cẩu thả, tùy hứng.
Cách thay cây này bằng cây khác cũng ngẫu hứng và cũng chưa thấy có giải trình rằng cây mới sẽ thay thế và hứa hẹn rằng cây mới sẽ tốt hơn cây cũ”, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho biết.
Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, Hà Nội được coi là thành phố cây xanh từ hàng chục năm trước. Điều này chứng tỏ tầm nhìn, quy hoạch cây đô thị của người đứng đầu TP và là kết quả của cộng đồng các nhà khoa học. Mong rằng đây là bài học cho Hà Nội cũng như các địa phương khác trong cách ứng xử với cây xanh đô thị.
Vậy là sau nhiều năm, viễn cảnh lãng mạn về một “Trời Âu giữa lòng Hà Nội” đã không còn nữa. Thay vào đó là những thân cây gầy guộc, cành cây trơ trụi đang sống thoi thóp theo thời gian…
Mùa hè năm nay, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng lại nắng nóng hơn bao giờ hết. Và liệu Hà Nội đã rút ra được bài học về quy hoạch cây đô thị?./.
---
Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây:
Tỉnh Long An là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Địa phương này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về giao thông do sự phát triển nhanh chóng của các khu vực lân cận, đặc biệt là TP.HCM.
Sau loạt bài về câu chuyện “Quá nhiều bất ổn ở ngôi trường chuẩn” của VOV Giao thông cách đây nửa tháng, nhiều phụ huynh bày tỏ tán thành với những phản ánh là đúng sự thật, và bữa cơm bán trú của các em có chút chút cải thiện.
Xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời từ 5 đến 12 năm phải kiểm định hai năm một lần, xe trên 12 năm phải kiểm định hàng năm. Đó nội dung đáng chú ý trong Thông tư 47 năm 2024 của Bộ GTVT vừa được ban hành.
Xóm đạo Phạm Thế Hiển, quận 8 là xóm đạo lớn nhất ở TP.HCM, dịp Giáng sinh thường trang hoàng lộng lẫy đẹp mắt. Khoảng năm 1954 nhiều người ở khu vực phía Bắc di cư vào đây và lập nên xóm đạo.
Việc phát triển công nghệ liên quan tới pin xe điện đóng vai trò quan trọng không kém gì việc ra đời những thế hệ xe điện mới. Nhưng mới đây, ngành xe điện Châu Âu đã phải đón nhận tin buồn khi hãng pin xe điện lớn nhất khu vực, Northvolt, mới đây đã nộp đơn xin phá sản.
Những ngày cuối năm, lưu lượng giao thông tăng cao, cùng với đó là hàng loạt công trình thi công, các dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố diễn ra, khiến việc tự lái xe hơi vào nội đô trở nên một lựa chọn khó khăn.