Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Giá trị của tư vấn tâm lý trong mùa dịch

Chu Đức-Tuấn Linh - 24/04/2022 | 11:27 (GTM + 7)

2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề tâm lý xã hội, khiến nhu cầu thăm khám, tư vấn và trị liệu tổn thương tinh thần tăng vọt.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề tâm lý xã hội, khiến nhu cầu thăm khám, tư vấn và trị liệu tổn thương tinh thần tăng vọt - Ảnh minh họa

2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề tâm lý xã hội, khiến nhu cầu thăm khám, tư vấn và trị liệu tổn thương tinh thần tăng vọt - Ảnh minh họa

Nghề tư vấn tâm lý cũng vì thế được chú ý nhiều hơn. Thực tế công việc của họ là gì? Nghề này cần phẩm chất nào, các nhà cung cấp dịch vụ liệu có đáp ứng được nhu cầu xã hội?

Giai đoạn dịch bệnh vừa qua là quãng thời gian khủng hoảng với gia đình chị Trịnh Thủy, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Con chị vốn có dấu hiệu tăng động từ trước, nên trong giai đoạn giãn cách, phong tỏa và hạn chế giao tiếp vừa qua, tình trạng của cháu trở càng trở nên trầm trọng.

Áp lực vừa phải duy trì công việc, thu nhập, vừa chăm sóc con trong bối cảnh trường học đóng cửa khiến vợ chồng chị Thủy liên tục gặp stress, căng thẳng: “Thời gian vừa rồi thì con cũng bị ảnh hưởng tâm lý vì không được ra ngoài. Để giải tỏa thì thi thoảng con hét ầm ĩ hết cả lên. Mọi người trong nhà cũng xác định là phải sống chung rồi nhưng nhiều khi cũng chính vì bạn ấy như thế nên mọi người trong gia đình cũng căng thẳng với nhau luôn. Đi làm từ sáng đến tối về đã căng thẳng, mệt mỏi mà con cái lại như thế nữa khiến không khí gia đình cũng căng thẳng hơn”

Thực tế, áp lực tâm lý xuất phát từ những vấn đề trong sinh hoạt gia đình, trong công việc là không hề nhỏ. Đại dịch xảy ra, cuộc sống thường ngày thay đổi đột ngột đã thổi bùng lên những dồn nén về mặt cảm xúc.

Chị Thúy Loan, sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội đã gặp trầm cảm sau sinh rất nặng, thậm chí có ý định đoạn tuyệt với gia đình, xã hội: “Lúc ban đầu khi sinh đứa lớn, mình hay buồn nhưng công việc nó cuốn nên chả để ý đâu. Đến khi bầu đứa thứ 2, càng đến gần ngày sinh tâm lý càng không ổn định. Ngày thì không sao nhưng có những đêm cơn trầm cảm đến, mình cầm dao định rạch bụng. Đợt đó mình phải dùng thuốc. Giai đoạn đầu dùng thuốc khá chông chênh.  Bên cơ sở cũng động viên và hỗ trợ để mình tích cực điều trị hơn.”

Cả chị Thủy và chị Loan đều tìm đến các trung tâm hỗ trợ tâm lý và sau đó, tìm lại được sự cân bằng cảm xúc, qua đó cải thiện mối quan hệ với các thành viên khác trong gia đình.

Theo chị Lê Trần Vân Anh, chuyên viên tư vấn tại một trung tâm dịch vụ tâm lý ở quận Hà Đông, Hà Nội, thực tế, đa số người gặp rắc rối về tinh thần đều có nhu cầu được chia sẻ, giải tỏa căng thẳng, áp lực tâm lý.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, để tìm được một người, một địa chỉ đủ tin cậy, đủ bí mật để lắng nghe câu chuyện của họ là không dễ dàng: “Đầu tiên mình cần giới thiệu mình là ai, ở đâu, học hành như thế nào để xây dựng sự tin tưởng. Thứ hai, sẽ cho họ biết nguyên tắc về mặt đạo đức, bảo mật thông tin, thân chủ có quyền dừng, ngắt bất cứ lúc nào. Với các bạn dưới 18 tuổi cần bản đồng thuận của cha mẹ. Sau đấy gợi ý họ tự giới thiệu, lý do bạn ấy gặp mình. Sự kiên nhẫn của mình sẽ dần dần khiến họ cảm thấy, à rõ ràng có một người ở đây muốn lắng nghe họ”

Chị Mai Phan, một chuyên gia tư vấn tâm lý cũng nhận định, việc gia tăng nhu cầu tư vấn tâm lý đang đòi hỏi cần có nhiều hình thức tư vấn khác nhau, thay vì gặp mặt trực tiếp như truyền thống. Cùng với đó, các chuyên viên tư vấn cần phải được học nhiều khóa tập huấn để phán đoán tình hình, qua đó có phản hồi chính xác nhất cho khách hàng.

“Trong thời gian dịch bệnh, hầu hết việc tư vấn được chuyển sang hình thức online, bao gồm hình thức gọi điện thoại, video call hay thậm chí là nhắn tin vì có những thân chủ họ không sẵn sàng với các hình thức còn lại do tâm lý. Mình còn phụ trách mảng truyền thông trên fanpage. Trên đó mình tiếp nhận chia sẻ hoặc chia sẻ ý kiến của các thân chủ, giúp các bạn dịu đi các vấn đề đang gặp phải chủ đề thường là chia sẻ về các vấn đề tâm lý mà các thân chủ hay gặp phải. Nội dung phải được viết một cách dễ hiểu nhất có thể.”

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, một nhà cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý tại Hà Nội cho biết, khách hàng tại trung tâm khá đa dạng, trong số khoảng 6.000 người sử dụng ứng dụng của trung tâm, ngoài người ở Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, còn có người ở khu vực Tp.HCM, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Khoảng 20% đã dừng trị liệu do đã tự tìm kiếm được cách vượt qua rối loạn tâm lý sau khoảng 3-4 buổi tham vấn trên ứng dụng. Cao điểm, một tư vấn viên có thể tiếp nhận và trò chuyện với 9 khách hàng.

Trung tâm nơi ông Hoàng làm việc đang có sự tham gia của 18 nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần và chuyên viên tâm lý. Tùy từng trường hợp sẽ được tư vấn với đúng chuyên gia. Một điều trăn trở với ông Hoàng là làm sao có thể kéo giảm chi phí dịch vụ để tăng khả năng tiếp cận cho khách hàng.

“Các bạn đi làm một ca tham vấn trị liệu phải chi trả từ ít nhất 250 nghìn, có ca trả tới 5 triệu/60 hoặc 90 phút với chuyên gia. Đây là số tiền rất lớn so với thu nhập, khi mà đa số người tới là người trẻ. Dr.PSY có giải pháp là thực hiện các dự án miễn phí, kêu gọi các chuyên gia trong ngành cùng hỗ trợ miễn phí hoặc ở một mức phí rất thấp”

Theo Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Trần Văn Công, những năm gần đây, người Việt đã quan tâm hơn về vấn đề sức khỏe tâm thần, song thực tế là chưa đủ, nhiều người vẫn đang nhầm tưởng rối loạn tâm lý với các bệnh lý tâm thần và coi bệnh tâm thần còn rất đáng sợ.

Trong khi đó, nguồn nhân lực về vấn đề này chưa được tập trung đầu tư đúng mức. Các bệnh viện công quá tải, trong khi các phòng khám, trung tâm tư nhân vẫn đang loay hoay tìm kiếm nguồn nhân sự chất lượng.

“Nguồn lực về chuyên gia ở Việt Nam ở lĩnh vực này thì cũng hạn chế, tức là để có thể tìm được họ tiếp cận được họ cũng không phải là dễ. Và kể cả tìm được rồi thì cái khả năng, kinh nghiệm phải biết của những cái người tư vấn đấy cũng sẽ có thể không đáp ứng được cái nhu cầu của gia đình, chưa kể là vấn đề kinh phí. Do phụ huynh hoàn toàn phải trả kinh phí cho cái dịch vụ họ cần. Họ vừa khó tìm, họ lại vừa mất nhiều tiền thì đâm ra là họ cũng cảm thấy có thể không giúp được nhiều cho con mình, cuối cùng thì họ sẽ không không tìm kiếm nữa.”

Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thu Hương, cho rằng: “Trong mã nghề của hệ thống nghề nghiệp Nhà nước của Việt Nam chưa có mã nghề của nhà tâm lý tại các cơ sở. Rất khó để có thể trả lương cho một chuyên gia, một nhà chuyên môn về tâm lý học”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thế hệ sau có phải tự chữa lành tâm hồn?      

Thực trạng người dân hiện nay hiểu biết lơ mơ, hoặc biết cũng coi nhẹ về sức khỏe tâm thần đã được nhắc đến từ lâu. Nhưng như bao xã hội đang trên đà phát triển khác, kinh tế, công nghệ, khoa học càng bùng nổ, tỉ lệ thuận cùng với đó là sự gia tăng các loại tổn thương tinh thần.         

Áp lực cuộc sống sinh ra rối loạn tâm lý, và cũng chính áp lực cuộc sống không cho con người có nhiều thời gian, tâm trí để nghĩ nhiều về các bất ổn của mình. Người càng có vị trí, vỏ bọc tốt đẹp, hoàn hảo bao nhiêu, lại càng cố gắng che giấu những tổn thương cá nhân, âm thầm chịu đựng bấy nhiêu.     

Thời đại internet dù được mở mang kiến thức, tầm nhìn, song đa số người dân vẫn có định kiến, kỳ thị về các chứng rối loạn tâm thần, coi tâm thần là một biểu hiện lệch lạc, phì cười trước các biểu hiện “hâm”, “ngơ ngáo”, hoặc lo lắng quá mức, mà ít khi nhìn sâu hơn vào căn nguyên của các biểu hiện ấy.         

Nhiều thế hệ đã lớn lên mà không may mắn có được sự trợ giúp, đồng hành kịp thời của người lớn khi chơi vơi giữa áp lực học tập, làm việc và các mối quan hệ xã hội phức tạp. Tùy theo khả năng thích ứng của mỗi người, họ tự chống chịu và chữa lành một phần những tổn thương gặp phải.

Và sau này khi trưởng thành, họ cũng mặc định diễn trình đó là tự nhiên, những khó khăn về tâm lý là tất yếu ai cũng sẽ gặp và phải tự vượt qua.         

Chính góc nhìn ấy đã và đang khiến sức khỏe tâm thần ngày càng trở nên trầm trọng, dù đời sống vật chất ngày càng tốt hơn. Những biểu hiện rối loạn tâm lý thể nhẹ, không kiềm chế được cảm xúc, đến trầm cảm, rối loạn lưỡng cực… đã không được chú ý và trị liệu từ sớm. Biểu hiện là những cơn trầm uất, những suy nghĩ tiêu cực, tự hủy hoại bản thân đang ngày một xuất hiện dày hơn.         

Muốn một xã hội có tâm hồn khỏe mạnh, có tinh thần phong phú, cần một thế hệ lớn lên trong sự hiểu biết, được thấu cảm và thoải mái chia sẻ những vấn đề tâm lý, được lắng nghe và giải tỏa áp lực, được thăm khám và trị liệu những tổn thương nếu có trong tâm trí.         

Và để làm được điều đó, không gì hơn bằng cách bắt tay vào ngay việc phát huy bộ phận tâm lý học đường. Bên trong cánh cổng trường học là một xã hội thu nhỏ, và quá nhiều vấn đề nảy sinh với học sinh, nhất là sau thời gian học online rất dài, những kỹ năng, cảm xúc và mối quan hệ cần thời gian để các em hồi phục, bắt nhịp dần trở lại.         

Lo cho thế hệ trẻ em hiện tại cũng là lo lắng cho sức khỏe của xã hội trong tương lai. Chỉ số hạnh phúc được đo đếm không chỉ bởi những thành tích, thống kê khô khan. Thế hệ hiện tại và quá khứ đã phải tự mình loay hoay sống chung với những bất ổn tâm lý, thế hệ tương lai có thoát được khỏi vòng lặp ấy hay không? 

Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //