Dự thảo sửa đổi Luật GTĐB: Khi đề xuất không đi cùng chính kiến
Phóng viên - 26/05/2020 | 16:40 (GTM + 7)
Các đề xuất trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi thật ra đều có lý do, sự phản ứng của dư luận đôi khi do chưa hiểu đúng, thiếu thông tin và có phần bị đẩy lên cao hơn thực tế. Nhưng điều đáng tiếc là sự lên tiếng của cơ quan chức năng trong các
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Thường xuyên sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại, anh Nguyễn Văn Tuyền, ở Cầu Giấy, Hà Nội chưa bao giờ nghĩ sẽ phải bật đèn khi lưu thông ban ngày. Trong thói quen đi lại, thường từ 6h tối anh mới bật đèn. Vì vậy, khi nghe nói đến việc dự kiến quy định bật đèn xe máy khi đi ban ngày, anh Tuyền rất bất ngờ:
"Bên châu Âu đèn sáng ban ngày là khí hậu phù hợp cho đèn sáng để người ta tránh TNGT thôi, còn khí hậu như mình đây không cần thiết phải như thế".
Tương tự, anh Nguyễn Thành Trung, ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng rất ngạc nhiên khi biết thông tin về đề xuất quy định cấm phương tiện vượt đèn xanh khi phía trước ùn tắc. Theo anh Trung, quy định này khiến người tham gia giao thông rất khó thực hiện:
"Vượt đèn đỏ mới phạt chứ vượt đèn xanh chả luật nào áp dụng được, như thế là không đúng và như thế rất là nguy hiểm, gây ra ùn tắc giao thông vì mọi người không biết đi theo kiểu gì cả, không biết áp dụng như thế nào cho phù hợp".
Đó là một vài ví dụ về những quy định mới được đề cập trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, ngay khi đưa ra đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và người tham gia giao thông. Tuy vậy, theo một số chuyên gia, những đề xuất mới trong dự thảo luật không hoàn toàn vô lý.
Dẫn kết quả khảo sát tại một số quốc gia sử dụng xe máy phổ biến Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia… TS Nguyễn Văn Bang, bộ môn Cơ khí ô tô, Trường Đại học GTVT cho rằng, các quốc gia này cũng áp dụng quy định bật đèn nhận diện đối với mô tô, xe máy.
Theo ông Bang, đèn nhận diện xe máy có ánh sáng gần, không gây chói mắt cho người tham gia giao thông, và tại các quốc gia được khảo sát, việc bật đèn ban ngày giúp giảm từ 20-30% TNGT với xe máy, nhất là các tình huống xe máy từ trong ngõ ra đường lớn:
"Cái đèn ấy bật vào ban ngày, để thông báo, cảnh báo với mọi người rằng có một chiếc xe đang tham gia giao thông trên đường và vì vậy nó sẽ giảm được nguy cơ xảy ra TNGT".
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức cũng phân tích, với quy định cấm vượt đèn xanh khi nút giao ùn tắc cũng được nhiều nước áp dụng.
Bởi khi đèn xanh bật khi nút giao đang ùn tắc, nếu phương tiện cố tình len vào nút giao, dẫn đến hiện tượng là khi đèn xanh chuyển sang hướng vuông góc được ưu tiên thì người tham gia giao thông vẫn nằm trong nút giao và vô tình lại ngáng chân hướng vuông góc khiến tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.
Như vậy, bất cứ một hệ thống đèn tín hiệu nào cũng không thể hoạt động được,giao thông bị phá vỡ. Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn phân tích:
"Người đi đường có 2 cách chọn, một là đèn xanh thì cứ đi vào, nhưng cuối cùng ngáng chân nhau, chả ông nào đi được, cuối cùng dẫn đến ùn tắc giao thông và ai cũng đứng chôn chân trên đường. Cách thứ 2 là anh phải tuân thủ, là tôi đã quy định là khi đèn xanh mà nút giao đầy phương tiện rồi thì anh không được vào, anh phải dừng lại, để khi đèn xanh chuyển sang hướng vuông góc thì những xe còn lại trong nút giao nó thoát ra nhanh được để cuối cùng đến lượt mình mình cũng đi được".
Bổ sung thêm góc nhìn này, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, việc dư luận nghi ngờ tính khả thi nếu quy định phạt phương tiện vượt đèn xanh khi nút giao ùn tắc, cũng một phần là do chưa hiểu rõ.
Bởi theo ông Bình, nếu đo đếm lượng phương tiện để đưa ra biểu đồ tuyến đường nào áp dụng, tuyến nào không, cùng với bổ sung vạch mắt võng màu vàng để cấm phương tiện dừng đỗ tại nút giao, thì quy định này vẫn có thể triển khai:
"Cho đến nay chúng ta đã có những vạch mắt cáo màu vàng những vẫn có những xe đứng trên đó mà không bị phạt. Đó là lỗi thi hành không triệt để của phía quản lý giao thông. Cho nên nếu chúng ta muốn tránh việc dừng trong nút giao khi vẫn còn đèn xanh thì việc đơn giản nhất là chúng ta vẽ vạch mắt võng màu vàng lên toàn bộ diện tích ngã tư và tiến hành phạt triệt để những xe nào đang đứng lại trên diện tích đó bất kể đèn xanh hay đèn đỏ".
Các ý kiến cũng cho rằng, việc đưa ra những quy định mới tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cũng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển.
Tuy vậy, đi cùng với quy định mới, cơ quan soạn thảo cần kịp thời công bố những căn cứ, luận điểm cũng như mặt được, mặt tác động để người dân, người tham gia nắm bắt, tránh trường hợp thông tin bị động, khiến dư luận hiểu nhầm.
Với những quy định mới có thể gây phiền toái cho người dân, việc gặp phải ý kiến trái chiều là điều dễ hiểu. Song dưới góc nhìn của VOVGT, những quy định mới,có lợi cho công tác quản lý, có lợi cho người tham gia giao thông, Ban soạn thảo cần phối hợp với các chuyên gia, cơ quan truyền thông chủ động phân tích, cung cấp thông tin kịp thời cho người tham gia giao thông thay vì chọn cách im lặng, bởi rất nhiều trường hợp, im lặng không phải là vàng.
Im lặng không là vàng
“Cấm vượt đèn xanh”, “bật đèn xe máy cả ngày”, đó là hai trong số những câu chuyện rôm rả nhất tuần qua tại các quán café, bàn trà, các diễn đàn trên mạng. Nhưng đa phần ý kiến đều theo xu hướng tiêu cực, cho rằng đó là những đề xuất “trên trời”, đề xuất từ “điều hòa máy lạnh”.
Sự quan tâm và cảm xúc của đám đông được khơi gợi, dẫn dắt khá nhiều từ những tít bài trên trang tin điện tử, các “tút” trên mạng xã hội. Mà những tít và tút này, để cho hấp dẫn, lại thường rút theo một cách …giật gân, cố ý hoặc vô tình chỉ đưa phần nội dung mà người ta dễ sửng sốt hoặc xửng cồ.
Người bình tĩnh và có đủ thông tin sẽ không phán xét vội vàng về sự “khác lạ” của đề xuất, mà nhìn nhận ở tính chính đáng của các căn cứ. Nếu trích đúng thuật ngữ là đề xuất “bật đèn nhận diện mô tô xe máy” thay vì chỉ nói là “bật đèn xe” và nếu được giải thích rằng đèn nhận diện không phải đèn chiếu sáng, thì người nghe đã không cau mày khó chịu, khi hình dung đến hàng triệu chiếc xe trên đường bật đèn dưới cái nóng hơn 40 độ ngày hè.
Cũng sẽ không có những phép thử của nhân viên một trang điện tử nào đó, “bật đèn chiếu sáng” trong ngày đỉnh điểm nắng nóng vừa qua, để rồi “đổ thêm dầu” vào đề xuất về một loại đèn hoàn toàn chẳng liên quan.
Trong khi đó, thông tin về việc đèn nhận diện mô tô xe máy được áp dụng tại một số quốc gia có điều kiện giao thông và khí hậu tương đồng Việt Nam đem lại hiệu quả rõ rệt, chỉ xuất hiện lác đác.
Tương tự như vậy, chuyện cấm lưu thông ngay cả khi đèn xanh khi phía trước đang ùn tắc, cũng không hề gây phản ứng đối với những ai từng theo dõi tình hình ùn tắc ở đô thị, mà được hiểu như một giải pháp phân luồng, điều tiết từ xa. Bởi rất nhiều trường hợp, ùn tắc sờ sờ phía trước, nhưng vì đến pha đèn xanh nên người người vẫn thi nhau ào lên.
Lực lượng chức năng chưa kịp tiếp cận phân luồng thì giao thông đã bế tắc. Đối với các nút đèn tín hiệu ở đường ngang, tình trạng đó lại càng phổ biến.
Giao thông thông minh hướng tới việc giảm đến mức thấp nhất sự có mặt của con người trong khâu quản lý và điều hành, thì việc điều chỉnh hành vi bằng các quy phạm pháp luật và giám sát bằng thiết bị kỹ thuật là xu thế tất yếu. Nhưng cũng bởi thiếu thông tin này, cộng với góc nhìn mang tính cảm quan và có phần định kiến, đã làm dấy lên những dư luận về việc “quy định cho vui” hoặc lực lượng chức năng tự “mua dây buộc mình”.
Điều đáng tiếc là một nửa còn lại – rất quan trọng của thông tin – đã chưa được cơ quan chức năng chủ động cung cấp cho người dân một cách kịp thời, giữa lúc dư luận quan tâm nhất. Sự lên tiếng của một vài nhân vật không thực sự có sức nặng càng khiến cho luồng dư luận tiêu cực bị “đẩy” lên.
Trong khi, chủ thể của các đề xuất này lại chọn cách im lặng, hoặc giải trình với cấp trên, hoặc nghe ngóng tình hình, mà chưa thấy thuyết minh cho người dân hiểu. Ở chừng mực nào đó, sự im lặng này càng khiến dư luận đinh ninh rằng, cơ quan chức năng đã cẩu thả, thiếu trách nhiệm với đề xuất của mình.
Một nửa sự thật không còn là sự thật. Khi thông tin chỉ đưa một nửa, câu chuyện đã rẽ đi một hướng rất xa so với tiên lượng của chủ thể mà nó phát đi.
Khi đề xuất không đi cùng chính kiến, thì dù mục đích có tốt, căn cứ có khoa học hay không, cũng chẳng nghĩa gì. Phát đi thông tin nửa vời, và lại im lặng khi người dân đang cần nhất những sự giải thích chi tiết để hiểu rõ, để được thuyết phục… Hậu quả dễ thấy của cách truyền phát thông tin này, đó là sự suy hao niềm tin nơi công chúng.
Bởi vậy, trong trường hợp này, sự im lặng tuyệt đối không phải là vàng, mà chỉ có thể là cách lựa chọn đáng tiếc nhất.
Ẩu đả gây thương tích, hành hung người khác sau va chạm giao thông thậm chí tấn công cả những người can ngăn, vì sao vẫn xảy ra? Thực trạng đáng báo động, gây tâm lý bất an, tổn hại đến sức khỏe, thậm chí cướp đi mạng sống của người tham gia giao thông làm cách nào để chấm dứt?
Những năm qua, nút thắt “cổ chai” cầu Long Thành, Trạm thu phí Long Phước hay nút giao An Phú đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều lái xe khi lưu thông trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.
Hiện Nghị định 168 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã chính thức có hiệu lực từ 01/1/2025, tăng mạnh mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm. Tuy nhiên, có những trường hợp gặp khó khăn về tài chính trong việc nộp phạt.
Vứt hết máy đốt và tinh dầu vào thùng rác, quay clip đăng lên các trang mạng xã hội như để chứng minh và thể hiện quyết tâm bỏ thuốc lá điện tử của mình.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là một trong những điểm đến nổi tiếng và thu hút khách du lịch bậc nhất tại TP.HCM. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng buôn bán hàng rong tràn lan tại đây đang gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực.
Sau nửa tháng vận hành chính thức và miễn phí 1 tháng cho người dân, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thu hút hàng vạn lượt khách trải nghiệm/ngày.