Cơn bão COVID-19 kéo dài 2 năm ròng, nhiều người lao động chọn cách rút bảo hiểm một lần để “chữa cháy” cuộc sống tạm thời. Luật vẫn còn nhiều mặt hạn chế, mức đóng-hưởng còn thấp đã khiến người lao động không mặn mà với BHXH.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Một số người dân chia sẻ:
"Cái này là chỗ dựa cho mình, mình không đóng là mình không vững tâm được".
"Khi mà người lao động thực sự có nhu cầu, giải quyết bảo hiểm cho một lần và BHXH thi hành cũng chứng tỏ đang hướng tới đáp ứng quyền lợi người lao động".
"Nguyên nhân chủ yếu là thu nhập thấp, không có tích lũy công việc bấp bênh và không có niềm tin dài hạn vào chính công việc mà mình đang làm".
Hiện, cả nước có khoảng 50 triệu lao động trong độ tuổi, số tham gia BHXH chỉ gần 16,6 triệu, chiếm 37%. Mức độ bao phủ Bảo hiểm xã hội (BHXH) thấp trở thành thách thức kép tới an toàn thu nhập của lao động trong độ tuổi và về lâu dài khi đến tuổi nghỉ hưu.
Thống kê mỗi năm có hơn 700.000 người rút BHXH một lần, đồng nghĩa với hai người tham gia vào hệ thống thì một người rời đi. Ảnh hưởng của đại dịch, quý 1 năm 2022 đã có gần 209.000 người chọn rời quỹ hưu trí. Người rút gia tăng qua từng năm tạo thành xu hướng, gây áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng bao phủ BHXH và an toàn tài chính hưu trí cho người cao tuổi trong tương lai.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng vụ BHXH, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, người lao động được quyền tham gia vào tiếp cận chính sách bảo hiểm, trong đó có BHXH một lần thì đây là sự ưu việc. Gần đây có việc người dân đổ xô đi rút bảo hiểm xã hội và chúng ta khuyến nghị không nên.
"Về mặt chính sách thì mục tiêu hướng tới tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội, trong đó mong muốn người dân tham gia đóng góp, tích lũy và hướng tới bảo hiểm hưu trí. Nhưng hưởng trong một lần thì đấy là quyền của người lao động.
Còn thời gian qua, các cơ quan Bộ Lao động cũng như BHXH tuyên truyền thông tin liên quan tới việc mong muốn người lao động bảo lưu thời gian tham gia để hướng tới hưu trí, đó là chúng ta mong muốn hướng tới tính bền vững, về các quyền lợi lâu dài.
Cơ quan chức năng đang thực hiện song song mục tiêu trong định hướng người lao động tới những chính sách về đảm bảo an sinh lâu dài và nhu cầu nguyện vọng được hưởng một lần", ông Trần Hải Nam cho biết.
Ông Nam cũng thừa nhận rằng, Luật Bảo hiểm xã hội sau 6 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng còn có những hạn chế.
Bởi vậy, Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu cùng các Bộ, ngành để đánh giá lại và sửa đổi Luật BHXH cho giai đoạn tới; trong đó ưu tiên 5 nhóm chính sách, bao gồm: hướng tới thực hiện mục tiêu về BHXH đa tầng linh hoạt; mở rộng diện bao phủ tham gia; mở rộng diện bao phủ với nhóm thụ hưởng; bổ sung quy định về quản lý thu nhập BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Ông Nam thông tin thêm: "Dự kiến là tại kỳ họp 6, tức là vào khoảng tháng 10/2023, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án luật. Tại kỳ họp thứ 7 tháng 5/2024, Quốc hội sẽ thông qua các luật và nếu theo đúng tiến độ như vậy thì dự kiến luật bảo hiểm xã hội sửa đổi mới sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025, đấy là kỳ vọng trong sửa đổi và kỳ vọng này nó cũng là hướng tới việc cụ thể hóa".
Dưới góc độ công đoàn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Liên Đoàn Lao động Việt Nam nhìn nhận, chỉ khi nào có thu nhập cao thì người lao động mới mặn mà với bảo hiểm xã hội hưu trí.
Còn dù có xây dựng luật chính sách có ưu việt mà không tăng lương, tăng thu nhập thì người lao động vẫn chọn thanh toán 1 lần. Vì đa số họ không thể kiên trì với hành trình dài 20 năm hay 15 năm.
"Chính sách bảo hiểm xã hội không đứng riêng lẻ độc lập mà nó phải kèm theo rất nhiều những chính sách khác. Đó là khi người lao động, nhất là người lao động trong ngành dệt may, da giày, điện tử thì người ta thấy gần như 40 tuổi là nguy cơ họ đã phải chấm dứt hợp đồng lao động vì bất kỳ một lý do gì do chủ sử dụng lao động tạo nên. Do đó, họ thấy rằng thời gian họ đóng bảo hiểm xã hội mà đủ 20 năm là khó theo đuổi, khó đủ kiên trị để thực hiện theo quy định này, cho nên đấy cũng là một trong những lý do mà họ rút, rồi niềm tin vào công việc họ biết rằng có khi là mấy năm nữa mình phải nghỉ rồi”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, muốn cho toàn dân tham gia BHXH thì không nhất thiết phải 20 năm đóng BHXH, có thể xuống 15 năm, hay 10 năm và mức đóng phải linh hoạt.
"Tôi có lương cao, tôi đóng cao. Tôi chưa có lương cao, thì tôi đóng thấp. Hoặc tôi có nguồn thu nhập chính đáng do con, do cháu thì tôi có thể đóng một lần 5 năm. Khi tôi đến tuổi rồi mà tôi chưa đủ số năm đóng, thì tôi có thể đóng sau 5 năm để tôi được về hưu", ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần. Mục tiêu hướng tới là BHXH toàn dân và quỹ BHXH công khai, minh bạch, được quản lý một cách chặt chẽ để người lao động tin tưởng.
Cùng đến với góc nhìn của Kênh VOV Giao thông qua bài bình luận: “Làm sao để BHXH thực sự hấp dẫn với người lao động?"
Là người lao động, hầu hết đều muốn khi đến tuổi đều muốn được nghỉ ngơi và có chế độ hưu trí. Vừa tránh phụ thuộc vào con cháu, lại đề phòng được rủi ro khi không còn khả năng lao động. Bảo hiểm xã hội vì thể luôn thể hiện sự ưu việt của mỗi nhà nước.
Việc nhiều năm qua, nhà nước cho phép người lao động được phép tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là phù hợp với tâm nguyện ấy.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình thực thi Luật bảo hiểm xã hội thời gian vừa qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Khiến nhiều nơi, người lao động đổ xô đi rút bảo hiểm xã hội một lần,gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý. Nguy cơ làm đổ vỡ quỹ an sinh xã hội đã được gầy công xây dựng bấy lâu là hiện hữu.
Chưa kể, tình trạng, rút sổ bảo hiểm để cho vay, sang tay lòng vòng kiếm lời cũng xuất hiện. Người lao động dù được cơ quan chức năng cảnh báo, việc rút” một cục” tiềm ẩn rủi ro rất lớn về sau nhưng vẫn phải làm.
Nguyên nhân là thời gian đóng bảo hiểm quá dài với 20 năm liên tục mới được lĩnh lương hưu. Trong khi chỗ làm việc của nhiều người lại liên tục biến động, thu nhập lúc cao lúc thấp. Lo cái ăn cái mặc hàng ngày đã vất vả, thu không đủ chi, không có khả năng tích lũy nên việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là vượt quá tầm với.
Việc cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần cũng khiến người lao động cảm thấy dễ dãi khi khi thực hiện nên bỏ qua các tính toán lâu dài.
Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp lách luật, trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nhưng vẫn không bị truy thu, xử phạt; gây mãn cho nhiều người về quỹ bảo hiểm xã hội.
Hiện nay, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành tiến hành tồng hợp để sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội trong thời gian tới như là linh hoạt trong cách đóng bảo hiểm xã hội; rút ngắn thời gian đóng; hỗ trợ bằng tiền nhiều hơn nữa cho các đối tượng đóng tự nguyện là người nghèo, người dễ bị tổn thương.
Vấn đề lúc này là chờ đến khi sửa luật, thực trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần; số người đóng bảo hiểm xã hội ít đi đang diễn ra cần được khắc phục ngay và chấn chỉnh kịp thời.
Theo đó, bản thân ngành bảo hiểm xã hội với vai trò chủ quản được giao phải phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn lao động đẩy mạnh truyền thông để người lao động hiểu rõ thiệt hơn của việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đồng thời điều chỉnh và kịp thời chi trả cho người lao động theo chính sách bảo hiểm khi bị tai nạn lao động, trợ cấp thất nghiệp; ốm đau, thai sản. Người tham gia khi đó sẽ củng cố thêm niềm tin vào hệ thống bảo hiểm xã hội để tiếp tục yên tâm đóng góp.
Về lâu dài, nếu coi bảo hiểm xã hội là một trụ cột đảm bảo an sinh xã hội thì vấn đề thực thi công bằng trong trích nộp quỹ của doanh nghiệp và các tổ chức cho người lao động cũng cần được kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Đơn vị, tổ chức nào làm sai, né tránh, không đảm bảo quyền và nghĩa vụ phải bị xử lý. Các đơn vị làm tốt phải được tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách để tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người lao động; giúp họ vừa ổn định cuộc sống trước mắt; đồng thời tính toán các bước sinh kế khi đến tuổi nghỉ hưu.
Rõ ràng để bảo hiểm xã hội thực sự hấp dẫn với người tham gia, rất cần sự chuyển động thực chất từ cơ quan quản lý đến các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp từ chính sách đến các hành động cụ thể để giải quyết bất cập ngay trước mắt đến lâu dài.
Sự việc hàng vạn người đổ về tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự mới khai trương phần nào cho thấy tình trạng thiếu điểm vui chơi công cộng tại thủ đô chưa có nhiều cải thiện. Trong khi đó, nhiều bảo tàng cũ hay một số tuyến phố đi bộ mới… lại rơi vào tình trạng đìu hiu, vắng khách.
Suốt nhiều năm qua, khu vực ngõ 381 Nguyễn Khang nối từ phố Nguyễn Khang đến Khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên trong cảnh ùn tắc, đặc biệt vào khung giờ cao điểm. Mặt đường hư hỏng, không khí thì bụi gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh đây.
Bình quân mỗi người dân Hà Nội có 3 m2 diện tích không gian công cộng. Riêng quận Hoàn Kiếm, mỗi người dân chỉ có khoảng 0,1 m2. Không chỉ thiếu không gian công cộng, mà các công viên, vườn hoa trong thành phố rất khó cho người khuyết tật tiếp cận.
Hội An là một thành phố du lịch có nghề “may nóng” nổi tiếng trong và ngoài nước. Cũng vì thế mà mỗi ngày phố cổ Hội An có lượng vải thừa thải ra rất nhiều.
Sau bài phản ánh từ VOV Giao Thông, phản hồi từ Sở TNMT thành phố Thủ Đức thì đến cuối tháng 9 năm 2024 công ty CP Dệt may Liên Phương dự kiến sẽ hoàn thành thiết bị lọc khói theo công nghệ mới và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.
Thỉnh thoảng, truyền thông lại phản ánh ý thức của một nhóm người trong cộng đồng, khi ở nơi công cộng… tất nhiên là những việc làm tiêu cực, và gây phẫn nộ với những người còn lại.