Công viên giải trí lớn nhất Thủ đô (Kỳ 3): Hài hòa vấn đề tâm linh trong cơn lốc đô thị hóa
Nhóm PV - 26/05/2022 | 10:09 (GTM + 7)
“Người sống lấy hết đất của người chết” là một nỗi lo có thực tại các vùng quê đang lên cơn sốt đất trước cơn lốc đô thị hóa. Nhưng ở chiều ngược lại, với góc nhìn rộng hơn, tập tục địa táng người đã khuất cũng đang để lại nhiều vấn đề về môi trường.
Tài nguyên đất để phát triển kinh tế xã hội cũng đang gặp trở lực khi các nghĩa địa ngày một lan rộng.
Cần định hướng như thế nào để giải bài toán hài hòa vấn đề tâm linh với nhu cầu phát triển địa phương một cách bền vững, để các dự án lớn thay đổi bộ mặt nông thôn sẽ được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa?
Như nhiều người cao tuổi cùng làng, ông Bùi Văn Vụ, ở xóm 4, thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh rất trăn trở về việc cả 4 nghĩa trang của xã đều thuộc diện di dời để nhường chỗ cho các dự án lớn của thành phố Hà Nội, trong đó có dự án công viên Kim Quy.
Ông Vụ lo ngại, mộ của các bậc tiền nhân sẽ phải di dời đi xa, trong khi chính người già trong làng sẽ không biết chôn ở đâu khi khuất bóng: “Các nghĩa trang có từ lâu đời, các dự án được nhà nước di chuyển mồ mả về nghĩa trang công viên cây xanh, diện tích cũng rất chật.
Người dân đã nhiều lần đề nghị kể cả bằng văn bản, trao đổi với các cấp lãnh đạo, nhà nước có quy hoạch, có dự án để các thế hệ sau có nghĩa trang”
Theo bà Nguyễn Thị Mai, trưởng thôn Ngọc Chi, thành viên tổ vận động của xã Vĩnh Ngọc, việc không thể triển khai dự án công viên Kim Quy dù chỉ còn 3% diện tích đất vướng giải phóng mặt bằng liên quan 48 ngôi mộ, khiến nhiều đề xuất đột phá đã được cân nhắc, bên cạnh xem xét nguyện vọng của bà con.
“Ví dụ bây giờ chúng ta làm đến đâu, quây tôn đến đấy, đảm bảo cho các vấn đề tâm linh, cho các cụ nằm ở đấy yên nghỉ. Sau khi ý thức của người dân nắm được chủ trương chính sách, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân dần dần để di dời, thực hiện chủ trương chung”, bà Mai nói.
Thực tế, Công viên Kim Quy, dự án trọng điểm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô “treo” nhiều năm dù đã giải phóng mặt bằng được 97% cũng buộc chính quyền địa phương tìm phương án tiếp cận linh hoạt.
Ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chia sẻ: “Tại thời điểm này, các phần đất đã giao theo quyết định của UBND TP thì chủ đầu tư đã bắt đầu triển khai công tác đầu tư dự án.
Huyện cũng phối hợp hỗ trợ chủ đầu tư trên các diện tích đã được bàn giao. Huyện và chủ đầu tư thống nhất tập trung quyết tâm thực hiện vận động giải phóng mặt bằng 100% hoàn thành trong năm 2022”
Luật sư Phạm Thành Tài, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội nhận định, để tránh ách tắc các dự án đã đền bù trên 90% mặt bằng, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tới đây cần cân nhắc quy định rõ về việc Nhà nước có nên thu hồi đất đối với trường hợp chủ đầu tư đã thỏa thuận được 80-90% diện tích dự án, nhưng không thể thỏa thuận với người dân về diện tích đất còn lại hay không.
"Theo tôi, cần thiết phải sửa đổi bổ sung các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân.
Quy định các tiêu chí minh bạch, rõ ràng dựa trên thu hồi đất, sử dụng đất và lợi ích quốc gia, công cộng. Bồi thường theo đúng giá trị, đảm bảo sinh kế bền vững cho người có đất bị thu hồi.
Có chính sách về phúc lợi xã hội cho người dân không còn tuổi lao động, người yếu thế trong xã hội", Luật sư Phạm Thành Tài cho biết.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường lại cho rằng, không thể viện lý do thiếu đất nghĩa trang để làm chậm tiến độ dự án. Bởi lẽ, đất đai phải theo quy hoạch, kể cả nơi chôn cất, rất khó để thay đổi quy hoạch chỉ vì ý chí của một bộ phận nhỏ dân cư, không phải dự án nào cũng chiều được ý nguyện của tất cả.
Cũng theo Giáo sư Đặng Hùng Võ: "Dự án đó tương lai làm công viên thế thì cho người ta vẫn để mộ ở công viên. Người dân không muốn chuyển thì thôi, làm việc khác xung quanh ngôi mộ, người dân có chịu được không?
Nếu chịu được thì được, nếu không chịu được thì họ cầm tiền họ tự chuyển mộ. Không phải huyện, xã nào cũng có nghĩa trang. Chắc chắn sau này không thể có chuyện nghĩa trang chôn lung tung. Thế thì nghĩa trang phải quy về, có khi cả thành phố có 1 nghĩa trang thôi chứ không phải muốn chôn chỗ nào cũng được."
Ở góc độ khác, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng khẳng định, tình trạng dự án vướng đất nghĩa trang phản ánh một thực tế phổ biến tại các khu vực đô thị hóa, cần cách tiếp cận đa chiều.
Nhân dân rất muốn có một nơi gần để ngày Tết, ngày rằm đi thăm viếng. Nhưng theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, đó cũng không phải là giải pháp mang tính lâu dài. Thực tế, diện tích đất không tăng tỉ lệ thuận với nhu cầu địa táng. Nghĩa trang công viên thành phố bố trí ở xã Vĩnh Ngọc cũng sắp kín hố chôn, chưa kể, hài cốt phân hủy trong đất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng không khí, môi trường sống.
“Hài cốt của những người thân đó có thể hỏa thiêu thành cốt nhỏ thôi. Rồi cho vào các tháp, trong tháp có thể để được rất nhiều cốt, cho cả xã và những vùng xung quanh chỉ cần một tháp thôi.
Khi chúng ta thiêu thì không ảnh hưởng đến không khí, vệ sinh môi trường, lại giải quyết được 2 vấn đề: Người có mồ mả gia tiên ở đó vẫn có chỗ đi đi, về về, đảm bảo được cảnh quan trong xã hội, yếu tố tâm linh, lại không tốn bao nhiêu đất”, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh cho biết.
Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, khi vận động nhân dân, cần giúp họ hiểu, điều quan trọng nhất trong thế giới tâm linh không phải là để linh hồn ông bà tổ tiên trụ vào mộ, mà phải đưa về cõi vĩnh hằng. Các bậc tiền nhân chắc hẳn cũng không hề muốn gây trở ngại cho sự phát triển của địa phương, cho thế hệ đang sống.
Đồng quan điểm, Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức cũng đề nghị đẩy mạnh công tác vận động bà con chuyển dần từ hình thức địa táng sang hỏa táng để hóa giải nhiều vấn đề về hiện trạng đất nghĩa địa xen kẹt đất dự án.
“Tôi đồng ý với chuyện luôn giải thích cho dân, hướng dân tới văn minh hiện đại, tiện lợi trong việc tiễn biệt người thân, thờ cúng, thăm viếng.
Giải pháp là các công viên nghĩa trang đã thu hút dần người dân, chúng ta cần tăng cường sự ủng hộ, việc địa táng như trước kia đã không còn phù hợp với xu thế, nhất là đất đô thị.
Đừng có làm không như công bố, hay làm khác đi thì người ta vẫn chộn rộn, ý muốn của người ta là truyền thống, mình đưa hiện đại vào phải có sự chuyển tiếp mềm, không nên áp đặt”
Việc chuyển dần hình thức địa táng sang hỏa táng, tiết kiệm diện tích đất, bảo vệ môi trường có lẽ là lời giải khả dĩ và bền vững cho bài toán hài hòa vấn đề tâm linh trong cơn lốc đô thị hóa hiện nay.
Rất cần sự định hướng kiên trì, vận động mềm dẻo, linh hoạt và giải quyết thấu đáo từ cả phía chủ đầu tư, Nhà nước và các đoàn thể cơ sở địa phương để người dân tin tưởng, ủng hộ giao mặt bằng, giúp đẩy nhanh các dự án trọng điểm của thành phố.
Một Noel an lành đang đến, đường phố Hà Nội tấp nập, đông vui. Trong niềm vui ấy, người Hà Nội không quên ngày Noel lịch sử năm 1972 – ngày “Giáng sinh màu lửa”, nhắc nhở người Việt Nam niềm tự hào về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu.
Từ giữa năm 2024, TP. Hà Nội đã thí điểm triển khai trông giữ xe không dùng tiền mặt. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người dân và minh bạch trong thu phí trông giữ phương tiện.
Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt danh mục tuyến đường, phố được sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, trong đó bổ sung 191 tuyến đường, phố đủ điều kiện vào danh sách được trông giữ xe dưới lòng đường.
Hàng chục điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đã được xử lý khắc phục kịp thời, công tác bảo trì sửa chữa thường xuyên, xử lý cầu yếu và tăng cường chất lượng mặt đường tại các tuyến quốc lộ khu vực phía Bắc về cơ bản hoàn tất, giúp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT, đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết.
Công tác xóa bỏ điểm tập kết rác ban ngày đồng thời chỉ tổ chức thu gom rác thải 1 lần/1 ngày vào sau 19 giờ đã giúp quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) dỡ bỏ 45 điểm tập kết rác ban ngày, mang lại diện mạo đô thị sạch đẹp và khang trang cho khu vực trung tâm Thủ đô.
Nhắc đến Đại tá Võ Tấn Dũng, nhiều người dân ở đất Tây Đô (TP. Cần Thơ) đều biết đến, bởi ông là một cán bộ hưu trí gần gũi, dễ bắt chuyện và đang thực hiện tâm niệm: Dành trọn cuộc đời mình làm nhiều việc ý nghĩa cho đồng đội năm xưa và thế hệ trẻ hôm nay.