Công viên giải trí lớn nhất Thủ đô (Kỳ 2): Nỗi lo với người sống và người chết
Nhóm PV - 25/05/2022 | 10:09 (GTM + 7)
Dự án công viên giải trí Kim Quy vướng đất nghĩa trang là câu chuyện nhạy cảm và khó xử lý để hài hòa được ý nguyện của người dân với mục tiêu phát triển của địa phương, một câu chuyện cần sự thấu đáo, thuyết phục để giải quyết những nỗi lo của cả người sống và người chết.
“Chạy nắng đằng dừa không bằng chạy mưa đằng ruộng”, bà Nguyễn Thị Mai, trưởng thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh đã mô tả như vậy về sự bát ngát, phì nhiêu của những cánh đồng nơi đây.
Con số 99% hộ dân đã nhận đền bù, giao đất nông nghiệp, những cánh đồng gắn với ký ức nhiều thế hệ cho dự án Công viên Kim Quy cho thấy sự ủng hộ rất lớn của bà con với chủ trương đầu tư của thành phố Hà Nội.
Theo bà Mai, hiện chỉ còn 7 hộ dân có 48 ngôi mộ tại nghĩa trang Cánh đồng Cửa Chùa vẫn còn băn khoăn về việc cả 3 nghĩa trang trên địa bàn thôn đều bị di dời để phục vụ các dự án lớn theo quy hoạch. Có 1 hộ chưa thống nhất được phương án đền bù.
“Một hộ đó với giá đền bù 291 triệu đồng/sào thì họ chưa đồng ý, chưa chấp hành giải phóng mặt bằng.
Còn nhân dân có ý kiến, nếu được giữ lại nghĩa trang Đồng Dồi thì người dân sẽ di chuyển nốt phần mộ ở nghĩa trang Trong Ao, ở cánh đồng Cửa Chùa.
Nguyện vọng của người dân, sau khi thành phố thu hồi nghĩa trang trong dự án Thành phố Thông minh, Công viên Kim Quy thì các hộ dân thôn Ngọc Chi có người thân qua đời thì sẽ tiếp tục được về Công viên nghĩa trang của thành phố trong 20 năm tới sẽ không phải đóng góp các khoản lệ phí”, bà Mai nói.
Bà Nguyễn Thị Mai cho biết, dù giá đền bù 135 nghìn đồng/m2 và chi phí hỗ trợ di dời mộ còn khá thấp, nhưng bà và tổ công tác đã nỗ lực vận động bà con ủng hộ dự án vì lợi ích chung như các công trình phúc lợi, công ăn việc làm ổn định hơn cho con em cư dân sau này.
“Người dân có ý kiến, đã ổn định các tổ chức hoạt động rồi thì cũng phải ổn định mặt tâm linh cho những người dân tuổi cao về với tổ tiên thì phải có nơi yên nghỉ.
Và với các chủ trương đó, chúng tôi ở thôn có tổ công tác gồm các ngành đoàn thể, trưởng thôn, phó thôn, Bí thư, các ông bà xóm trưởng là cơ sở gần dân nhất để làm tốt công tác vận động tuyên truyền”, bà Mai cho biết thêm.
Ông Nguyễn Xuân Tưởng, chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc đồng tình với kiến nghị của các hộ dân và cũng đã đề xuất với các cấp cao hơn để sớm giải quyết nhu cầu tâm linh cho bà con. Cụ thể, ngoài việc giữ lại 1 nghĩa trang địa phương, xã tính toán hàng năm bình quân có khoảng 60-70 người qua đời, sau khi hoàn thành dự án, trong vòng 20 năm người dân sẽ được thành phố cho chế độ hỏa táng, chôn cất tại nghĩa trang của thành phố.
“Với 7 hộ dân, 48 ngôi mộ này chúng tôi vẫn tiếp tục vận động chia thành các nhóm nhỏ vào từng hộ gia đình, từng cá nhân để vận động. Làm sao cố gắng cuối năm 2022 sẽ đảm bảo hoàn thành giải phóng mặt bằng, động viên các hộ gia đình di chuyển ngôi mộ về nơi đúng quy định”, ông Nguyễn Xuân Tưởng cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh thông tin thêm: "Ngay sau phiên giải trình trước HĐND thành phố, huyện đã làm việc khẩn trương với chủ đầu tư để đẩy nhanh tất cả các khâu nhằm sớm đưa dự án vào xây dựng.
Trong đó, trọng tâm cần vận động người dân chưa đồng thuận về chủ trương của thành phố và những lợi ích của địa phương, người dân khi dự án hoàn thành.
Khi các dự án được thực hiện theo quy hoạch sẽ giúp Đông Anh sớm triển khai các kế hoạch lớn của Trung ương, thành phố, đặc biệt liên quan đến nội dung đã được Thành ủy đồng ý cho phép Đông Anh xây dựng hồ sơ báo cáo các cấp có thẩm quyền để trở thành quận trong giai đoạn 2022-2025”.
Ở góc nhìn khác, Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức cho rằng, thông qua những khó khăn ở dự án này, công tác quy hoạch và công bố quy hoạch cần được các cấp địa phương rút kinh nghiệm. Ở đây cần sự tham gia trưng cầu ý kiến của cư dân, đặc biệt liên quan tới đất nghĩa trang. Vấn đề tín ngưỡng, tâm linh dù chỉ liên quan tới 1 hộ thì vẫn phải coi là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Dù khó và nhạy cảm đến đâu, nếu thấu tình đạt lý, người dân sẽ ủng hộ.
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức cho biết thêm: “Nghĩa trang ở trong dự án Kim Quy rõ ràng đã động chạm đến thực tế rồi. Bây giờ cứ dai dẳng. Cần có những điều phải công bố, người dân phải được tham gia vào. Động tới quyền lợi thì đương nhiên người dân có ý kiến.
Quyền lợi cần được nêu cao tính cộng đồng, dự án này sẽ có lợi cho sự phát triển của thành phố thì người ta sẽ chia sẻ.
Giải pháp của chúng ta cũng thật tiện lợi cho dân, thậm chí tạo tính hấp dẫn, thu hút như làm công viên nghĩa trang, xanh hóa thuận lợi mọi việc trong tiễn biệt người thân, gia đình họ được đến nơi mà họ cảm thấy yên tâm hơn”
Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường nhận định, công tác giải phóng mặt bằng chưa bao giờ là dễ dàng, nó cần sự nhất quán ngay từ đầu khi ra quy hoạch và đàm phán với người dân: "Pháp luật đã có quy định rồi, tại sao không thảo luận với người dân ngay từ trước khi đưa vào giải phóng mặt bằng, lập dự án?
Phải tính hết đi, tại sao không tính để đến giờ dự án bị treo? Ví dụ người Nhật làm thì sẽ không bao giờ bị rơi vào tình trạng này, người ta nghiên cứu rất kỹ, xử lý kiểu gì, đàm phán ngay từ lúc giải phóng mặt bằng, chứ bây giờ nói bị treo, bị chậm? Điều đó phải lường trước chứ?"
Làm thế nào để ổn định tâm lý cho cả người sống và người đã khuất sẽ là bài toán hóc búa của tất cả các dự án xây dựng.
Đâu là giải pháp căn cơ, hóa giải những vướng mắc trong nhu cầu kinh tế, tâm linh, giải quyết những cản trở và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án quy mô, cần diện tích đất lớn?
Đón xem kỳ cuối: “Hài hòa vấn đề tâm linh trong cơn lốc đô thị hóa”.
Một Noel an lành đang đến, đường phố Hà Nội tấp nập, đông vui. Trong niềm vui ấy, người Hà Nội không quên ngày Noel lịch sử năm 1972 – ngày “Giáng sinh màu lửa”, nhắc nhở người Việt Nam niềm tự hào về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu.
Từ giữa năm 2024, TP. Hà Nội đã thí điểm triển khai trông giữ xe không dùng tiền mặt. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người dân và minh bạch trong thu phí trông giữ phương tiện.
Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt danh mục tuyến đường, phố được sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, trong đó bổ sung 191 tuyến đường, phố đủ điều kiện vào danh sách được trông giữ xe dưới lòng đường.
Hàng chục điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đã được xử lý khắc phục kịp thời, công tác bảo trì sửa chữa thường xuyên, xử lý cầu yếu và tăng cường chất lượng mặt đường tại các tuyến quốc lộ khu vực phía Bắc về cơ bản hoàn tất, giúp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT, đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết.
Công tác xóa bỏ điểm tập kết rác ban ngày đồng thời chỉ tổ chức thu gom rác thải 1 lần/1 ngày vào sau 19 giờ đã giúp quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) dỡ bỏ 45 điểm tập kết rác ban ngày, mang lại diện mạo đô thị sạch đẹp và khang trang cho khu vực trung tâm Thủ đô.
Nhắc đến Đại tá Võ Tấn Dũng, nhiều người dân ở đất Tây Đô (TP. Cần Thơ) đều biết đến, bởi ông là một cán bộ hưu trí gần gũi, dễ bắt chuyện và đang thực hiện tâm niệm: Dành trọn cuộc đời mình làm nhiều việc ý nghĩa cho đồng đội năm xưa và thế hệ trẻ hôm nay.