Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cấm 'khí cười' trong vui chơi giải trí: Sự bức thiết của thực tiễn

Phóng viên - 25/01/2021 | 14:28 (GTM + 7)

Việc Bộ Công thương đề xuất cấm sử dụng N2O trong các hoạt động vui chơi, giải trí là cần thiết, nếu đối chiếu theo quy định của các nước trên thế giới, và những câu cảm thán đầy bất ngờ của khách du lịch nước ngoài, khi họ có thể dễ dàng mua được bóng cư

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Bộ Y tế từng có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đồng ý với việc ngừng cho phép sử dụng khí Dinitơ Monoxit (N20 hay còn gọi là “khí cười”), cho mục đích vui chơi, giải trí.

Mới đây, Bộ Công thương tiếp tục đề xuất Chính phủ đưa hóa chất này vào danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đồng thời đề xuất cấm sử dụng trong các hoạt động vui chơi, giải trí trên địa bàn cả nước.

Bóng cười - có chứa chất N2O đang được sử dụng trong hoạt động vui chơi, giải trí do thiếu hành lang pháp lý.

Hiện nay, “khí cười” N2O thường được sử dụng để bơm vào bóng bay, tạo ra “bóng cười” – loại sản phẩm phổ biến trong các tụ điểm vui chơi, giải trí của giới trẻ.

Dù đã được Hà Nội cấm sử dụng trong hoạt động vui chơi, giải trí, nhưng khí N2O lại nằm trong danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do đó, bằng nhiều cách khác nhau, “bóng cười” vẫn được tuồn vào thị trường, len lỏi khắp các quán trà chanh vỉa hè, quán café, bar, vũ trường.

Trong vai người cần mua lượng lớn khí N20 để kinh doanh, phóng viên VOV Giao thông dễ dàng tìm thấy các địa chỉ bán mặt hàng này trên các trang mạng xã hội. Một người bán hàng cho biết:

“Bình 3 kg thì 800 nghìn còn bình 5kg thì 1,1 triệu, có set bóng luôn. Bình 3kg bơm được khoảng 30-35 quả, còn bình 5kg thì 40-45 quả, free ship. Số lượng đấy phải cọc trước 2 triệu, gần tết sợ Công an. Bao nhiêu cũng được, số lượng có nhiều mà”.

Dù mới du nhập vào nước ta chưa lâu nhưng cảm giác kích thích, hưng phấn và có thể gây ảo giác khi sử dụng đã khiến “bóng cười” được nhiều thanh niên ưa thích và lựa chọn làm thú vui tiêu khiển, bất chấp cảnh báo nguy hại đến sức khỏe.

Những bình khí chỉ cao hơn 1m, tương tự bình gas công nghiệp nhưng chứa đầy khí N20. Sau vài giây bơm khí, những quả bóng cười đủ kích cỡ có thể đến tay người dùng. Chỉ với vài động tác thổi ra, hít vào quả bóng, những tràng cười sảng khoái, thậm chí có người mới chỉ hút được vài hơi đã không làm chủ được bản thân, chân tay run rẩy. Một số người cho biết, có hiện tượng hơi đãng trí, ảnh hưởng thần kinh sau khi sử dụng bóng cười:

“Mỗi lần hút bóng cười xong em cảm thấy lâng lâng, sảng khoái có nhiều lúc cũng đứng hình”.

“Nhiều bạn có trạng thái phê quá thường đổ sang 1 bên hoặc là không biết mình đang làm gì”.

“Bọn em chơi để giải trí, nhiều bạn bè chơi cùng cũng rủ rê nhau đi chơi”.

Theo Bộ Công thương, N2O là nguyên liệu không thể thiếu cho ngành sản xuất công nghiệp như ngành điện tử, sản xuất thực phẩm, sử dụng trong y tế. Tuy nhiên, do đặc tính dễ bị lạm dụng, Việt Nam lại chưa có quy định pháp lý về việc sử dụng N2O trong lĩnh vực giải trí, nên hiện tượng sử dụng sai mục đích tại các tụ điểm vui chơi giải trí diễn ra khá tràn lan, gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng, an ninh trật tự xã hội.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp vì lợi nhuận đã có các hành vi vi phạm như kinh doanh không có giấy phép, khai báo không đúng mặt hàng nhập khẩu, trà trộn khí N2O lẫn với các mặt hàng khác. Số liệu thống kê từ Cơ sở Dữ liệu hóa chất quốc gia cho thấy, trong năm 2020, có 17 doanh nghiệp nhập khẩu N2O với tổng khối lượng khoảng 2.400 tấn, trong đó 4 doanh nghiệp bị kiểm tra và xử phạt hành chính 318 triệu đồng.

Vì vậy, cần thiết phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu khí N2O và ngăn ngừa hành vi sử dụng N2O cho mục đích vui chơi, giải trí.

Đã có nhiều bạn trẻ bị ngộ độc khí N2O do lạm dụng hít bóng cười để vui chơi, dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe.
Đã có nhiều bạn trẻ bị ngộ độc khí N2O do lạm dụng hít bóng cười để vui chơi, dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Đề cập hệ quả của việc dùng bóng cười thường xuyên, các chuyên gia y tế cho rằng, khí N2O tác động lên hệ thần kinh, gây hiện tượng cười không chủ động. Dùng lâu dễ bị lạm dụng, có thể gây hội chứng rối loạn tâm thần kèm theo, như không tập trung chú ý, giảm trí nhớ, thậm chí trầm cảm.

Ngoài ra, một trong những hệ lụy nghiêm trọng là môi trường sử dụng bóng cười dễ khiến người dùng quay sang sử dụng ma túy.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ánh, Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ:

“Khi các bạn sử dụng khí N2O trong một thời gian dài thì khi dừng đột ngột thì nó có thể gây ra các biểu hiện của trầm cảm, ủ rũ, ít giao tiếp, tách rời với môi trường xung quanh. Ở Anh, vào những năm 2015 thì người ta đã cấm sử dụng bóng cười cho mục đích giải trí. Hay là năm 2017 thì ở một số tiểu bang của Mỹ người ta cũng cấm sử dụng khí N2O cho mục đích giải trí”.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Trình – Nguyên Phó Cục trưởng cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy- Bộ Công an cho rằng, quy định nghiêm cấm bóng cười trong hoạt động vui chơi giải trí trên phạm vi toàn quốc là hết sức cấp thiết.

“Bóng cười thì hiện chưa được quy định vào danh mục ma túy và cũng chưa có sự cấm nghiêm ngặt. Việc cơ quan chức năng để điều tra, để bắt và xử lý cái này rất khó khăn, cho nên thời gian vừa qua bóng cười xuất hiện trôi nổi nhiều trên thị trường, nhất là tại Tp.Hà Nội và Tp.HCM. Còn tiến tới ta đưa vào mặt hàng cấm và quản lý nghiêm ngặt thì tôi nghĩ việc đó là phải làm và làm càng sớm càng tốt”.

Đồng tình quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, bản thân N2O trong bóng cười cũng như cafein trong ly cà phê, nó không có hại nếu được sử dụng đúng mục đích, đúng liều lượng. Vấn đề là cần quản lý chặt, cấm ở những đơn vị, tổ chức, môi trường nào, kinh doanh, sử dụng như thế nào để hạn chế mức thấp nhất sự ảnh hưởng tiêu cực đến người sử dụng.

“Nó gây ra ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe. Nó thực ra cũng chẳng phải là hình thức vui chơi, giải trí, chỉ là sự tò mò của giới trẻ mà thôi. Đáng lẽ, ngành y tế phải xác định xem nó có tác dụng xấu như thế nào. Cơ quan chức năng, quản lý thị trường phải phối hợp ra lệnh cấm, kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến tiêu thụ. Đằng này lại thả nổi từ bấy đến nay, bây giờ mới cấm thì hơi muộn, nếu không muốn nói là quá muộn”

Đề cập vấn đề pháp lý, Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty luật Minh Bạch nhận định: khí N20 hiện đang nằm trong danh mục khí kinh doanh có điều kiện, chỉ được kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện pháp luật cho phép. Vì vậy các cơ sở kinh doanh tràn lan khí N20 mà chưa được cấp phép là thu lợi bất chính, vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 98, với mức xử phạt từ 10-15 triệu đồng.

“Người sử dụng khí này không phải hành vi vi phạm pháp luật, nhưng người kinh doanh khí này mà không có giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật. Chính quyền cũng phải có phân tích, tuyên truyền để người dân hiểu rằng khí này gây hại cho sức khỏe và không được sử dụng. Ta hạn chế được nhu cầu người sử dụng thì tự khắc các sơ sở kinh doanh sẽ không bán được cho ai và tình trạng này sẽ được hạn chế tận gốc”.

Quy định nghiêm cấm bóng cười trong hoạt động vui chơi giải trí trên phạm vi toàn quốc là hết sức cấp thiết.

Mời quý thính giả đến với Góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Hiệu lực của lệnh cấm".

Theo Luật phòng chống ma túy, “chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện”.

Theo định nghĩa này, hệ quả khi lạm dụng khí cười N2O chỉ đúng một tiêu chí, là “gây kích thích, ức chế thần kinh”. Chưa có bất cứ cơ sở khoa học và bằng chứng nào cho thấy, dùng N2O nhiều có thể dẫn tới nghiện. Do đó, chất này chưa được xếp vào dạng ma túy và tiền chất để có căn cứ xử lý hình sự các hành vi liên quan.

Bản chất N2O vốn được quy định sử dụng trong mục đích sản xuất điện tử, thực phẩm, y tế, không dùng trực tiếp cho người. Việc giới trẻ biến tấu loại khí này, bơm vào những quả bóng bay để hít, đổi lấy những trận cười không chủ động, kích thích hệ thần kinh là một hành vi lạm dụng thiếu hiểu biết.

Việc các cá nhân, đơn vị nhập lậu mặt hàng kinh doanh có điều kiện -N2O để bán lẻ cho các khách hàng nhỏ tuổi là một hành vi vi phạm pháp luật. Nghiêm trọng hơn, nó ăn mòn và hủy hoại âm thầm sức khỏe của người sử dụng.

Việc Bộ Công thương đề xuất cấm sử dụng N2O trong các hoạt động vui chơi, giải trí là cần thiết, nếu đối chiếu theo quy định của các nước trên thế giới, và những câu cảm thán đầy bất ngờ của khách du lịch nước ngoài, khi họ có thể dễ dàng mua được bóng cười tại Hà Nội, TP.HCM như mua rau ngoài chợ.

Mặc dù vậy, để quy định mới, nếu được thông qua, đi vào thực tiễn đời sống, các nhà làm chính sách cần hết sức lưu ý những gì đã diễn ra ở Hà Nội, địa phương đầu tiên của cả nước cấm N2O trong hoạt động giải trí từ giữa năm 2019.

Hơn 1 năm rưỡi trôi qua kể từ khi cấm tiệt “bóng cười”, một hiện thực phũ phàng là “bóng cười” vẫn đang ung dung hiện diện tại Thủ đô. Cứ có nhu cầu là có thể gọi điện, nhắn tin trên mạng xã hội đặt mua số lượng mặt hàng này không giới hạn! Dù không công khai như trước, nhưng việc sử dụng bóng cười vẫn được tiếp tay từ các nhà cung cấp dịch vụ, tại những tụ điểm kiểu mới như nhà nghỉ, khách sạn, homestay.

Thực trạng này là một thách thức không nhỏ cho những nỗ lực bảo vệ giới trẻ khỏi những trận cười không chủ động đầy nguy hại. Nó cho thấy, nhiều người trẻ vẫn chưa nhận thức được rõ mức độ nguy hại của việc lạm dụng N2O; các đơn vị kinh doanh vẫn chưa bị áp những chế tài đủ mạnh, đủ răn đe; Việc kiểm soát hoạt động buôn bán, cung cấp N2O vẫn thiếu chặt chẽ, sâu sát từ ban ngành chức năng.

Bất cứ lệnh cấm mới nào cũng cần những công cụ đủ mạnh, lực lượng thực thi đủ nghiêm minh, để nó phát huy hiệu lực và tránh “nhờn luật”./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Những dấu chân hoa

Những dấu chân hoa

Tháng 3 ở Hà Nội là tháng của nhiều mùa hoa đến và đi trong tiết trời xuân rất đặc trưng của miền Bắc. Đó là sắc trắng miên man của hoa sưa, sắc tím nhẹ mong manh của hoa ban, hay màu đỏ rực của hoa gạo đã bung nở, khoe sắc, khoe hương rồi rụng rơi trên hè phố.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Quý I/2024, khó khăn nhất với doanh nghiệp vẫn là dòng tiền

Quý I/2024, khó khăn nhất với doanh nghiệp vẫn là dòng tiền

Quý I/2024 đã gần trôi qua và số liệu về đăng ký doanh nghiêp từ đầu năm tiếp tục phát đi tín hiệu về những khó khăn chưa vơi nhiều trong cộng đồng kinh doanh.

// //