BlaBlaCar – mô hình chia sẻ chuyến đi vận hành ra sao?
Hoàng Anh - 26/07/2022 | 15:22 (GTM + 7)
BlaBlaCar được thành lập vào năm 2006 tại Paris (Pháp) với mục đích kết nối những người muốn di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác nhằm tiết kiệm chi phí. Nếu như Uber cung cấp dịch vụ kinh doanh cho khách hàng, thì BlaBlaCar cung cấp dịch vụ chia sẻ kinh phí chuyến đi giữa khách hàng với khách hàng.
Chị Thùy Anh (32 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ vào năm 2019, trong chuyến đi chơi 45 ngày tại Pháp, chị đã có cơ hội trải nghiệm dịch vụ Blablacar khi di chuyển từ Perpignan đến Lyon và ngược lại.
Do quyết định đi chơi khá chớp nhoáng nên việc đặt vé tàu sát giờ vừa khó vừa đắt đỏ, chị được em họ đang sinh sống tại đây tư vấn đặt xe qua ứng dụng Blablacar với giá chỉ bằng 1/2 giá tàu.
“Lúc ấy giá tàu từ Perpignan đến Lyon do đi quyết định vào phút cuối nên rất sát ngày, giá rất đắt khoảng 100 euro. Em họ của tôi đã dùng app Blablacar để book cho tôi chuyến xe từ Perpignan đến Lyon và từ Lyon đến Perpignan với giá rẻ hơn rất nhiều so với đi tàu, rơi vào tầm 50 euro”, chị Thùy Anh cho biết.
Theo chị Thùy Anh, ưu điểm của Blablacar trước hết là tiết kiệm được chi phí đi lại, nhất là với những chuyến đi đột xuất, không kịp đặt trước vé tàu hay vé máy bay giá rẻ. Thứ hai là với khách du lịch thì đây cũng là cơ hội để trò chuyện với người bản xứ hay gặp gỡ, trao đổi cùng chủ đề quan tâm với những vị khách có cùng điểm đến.
Về việc đảm bảo an toàn cho hành khách khi sử dụng dịch vụ Blablacar, chị Thùy Anh cho biết: thay vì đặt chuyến và ứng dụng sẽ chỉ định tài xế bất kỳ cho mỗi chuyến đi như Uber hay Grab, khách hàng của Blablacar được tự lựa chọn tài xế.
Trên ứng dụng sẽ hiển thị rõ thông tin tài xế gồm tên, đánh giá sao từ hành khách cũng như thông tin về những hành khách đặt cùng chuyến đi với mình, nhờ vậy chị khá yên tâm khi đặt xe.
“Mình có thể lựa chọn được tài xế nên mình đã lựa chọn tài xế nữ, thậm chí là kể cả khách đã book trước rồi thì cũng sẽ hiện thông tin của những khách đấy để mình biết là mình đi với ai.
Nhờ vậy mình cũng yên tâm hơn và không quá lo lắng khi đi cả chặng đường dài 4-5 tiếng vì mình đã biết được thông tin của mọi người”, chị Thùy Anh nói.
Ý tưởng khai sinh ra dịch vụ chia sẻ xe BlaBlaCar bắt nguồn từ thực tế rất nhiều ô tô di chuyển từ thành phố này qua thành phố khác mà vẫn còn ghế trống.
Cách BlaBlaCar hoạt động khá đơn giản. Nếu bạn là người đi nhờ xe, tất cả những gì bạn cần làm là tìm chuyến đi thích hợp nhất bằng việc kiểm tra xếp hạng tài xế, kiểu xe, thời gian, giá cả sau đó trả tiền cho người lái khi chuyến đi kết thúc. Chi phí chuyến đi được chia đều cho tất cả những người tham gia.
Nếu bạn là người lái, bạn sẽ đăng bài về chuyến đi của mình, thông tin về xe của bạn và giá cho mỗi người đi nhờ.
Người lái xe có thể chấp nhận hoặc từ chối đặt chỗ sau khi kiểm tra hồ sơ và xếp hạng của hành khách. Trước khi bắt đầu, người lái và người đi nhờ có thể liên lạc để thống nhất về địa điểm, thời gian đón và trả.
Khi kết thúc chuyến đi, cả tài xế và hành khách đều đánh giá và chia sẻ ý kiến của mình. Những xếp hạng này sẽ ảnh hưởng đến độ tin cậy của người dùng trong ứng dụng.
Đối với những hành khách nữ không muốn đi cùng nam giới, BlaBlaCar cung cấp tùy chọn BlaBlaCar’s Ladies Only (Chỉ dành cho Nữ giới), trong đó tài xế và hành khách đều là phụ nữ.
Đồng sáng lập Blablacar, Nicolas Brusson, cho biết ứng dụng BlablaCar hoạt động dựa trên tính “cộng đồng” nhờ vậy giảm bớt những lo ngại về an toàn. Bên cạnh đó, mô hình đi chung xe cũng giúp thay đổi thói quen đi lại của người dân mang lại lợi ích về môi trường cũng như tạo ra một cộng đồng thân thiện.
“Khó khăn lớn nhất là thuyết phục cả tài xế và hành khách thay đổi thói quen và sẵn sàng chia sẻ xe, một việc tưởng chừng như không thực sự thoải mái. Chúng tôi cố gắng tạo ra một cộng đồng tin cậy và an toàn. Nhờ đi chung xe, chúng tôi ước tính tiết kiệm được 1,6 tấn Co2 thải ra môi trường.
Cùng với đó, hình thức này cũng giúp kết nối mọi người thông qua việc trò chuyện, chia sẻ khi có cùng một điểm đến”, Nicolas Brusson nói.
Khác với Uber cung cấp dịch vụ kinh doanh, BlaBlaCar chỉ cung cấp dịch vụ chia sẻ kinh phí chuyến đi giữa khách hàng với khách hàng. Do đó, BlaBlaCar không phải chi trả bảo hiểm hay phúc lợi cho các tài xế vì họ được coi là khách hàng chứ không phải nhân viên của hãng.
Lái xe của BlaBlaCar cũng không phải trả thuế đối với khoản tiền nhận được từ hành khách vì họ không tạo ra lợi nhuận khi sử dụng dịch vụ này. Lái xe chỉ nhận được một số tiền vừa đủ để trả tiền xăng, phí cầu đường. Con số này không thay đổi theo nhu cầu như các phương tiện giao thông công cộng khác như tàu, xe buýt hay máy bay. Dù khách hàng đặt chỗ trước từ lâu hay chỉ mới ngày hôm qua, số tiền họ chi trả không đổi.
Công ty sẽ thu 12% từ phí đi xe để chi trả chi phí hoạt động của mình.
BlaBlaCar hiện là cộng đồng chia sẻ xe chặng dài lớn nhất thế giới với 700 nhân sự. Vào năm 2021, nó đã huy động được 115 triệu đô la từ các nhà đầu tư để tài trợ cho việc mở rộng ra quốc tế. Khoản tài trợ này đã nâng giá trị của BlaBlaCar lên hơn 2 tỷ đô la.
BlablaCar hiện có hơn 100 triệu người dùng đã đăng ký trên 22 quốc gia. Tại Pháp, dịch vụ đi chung xe đường dài đạt kỷ lục 135.000 lượt khách trong một ngày.
Trong khi đó, tại Việt Nam, thời gian gần đây, tại nhiều địa phương xuất hiện dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến và các dịch vụ vận tải hành khách không chính thức với hàng trăm hội nhóm khác nhau, dễ dàng tìm kiếm trên Facebook hay Zalo,…
Đáng nói là những phương tiện này chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu, chưa đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo quy định. Thậm chí có cả những nhà xe chuyên thu thập thông tin, gom khách và điều phối cho các tài xế.
Cũng bởi hoạt động một cách tự phát, lách luật nên dịch vụ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn với hành khách.
Trước thực trạng này, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, xử lý xe vận chuyển hành khách (xe ghép, xe tiện chuyến) không đăng ký kinh doanh theo quy định.
Sau loạt bài về câu chuyện “Quá nhiều bất ổn ở ngôi trường chuẩn” của VOV Giao thông cách đây nửa tháng, nhiều phụ huynh bày tỏ tán thành với những phản ánh là đúng sự thật, và bữa cơm bán trú của các em có chút chút cải thiện.
Chỉ còn hơn một tuần nữa, Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở một số khu vực. Tuy nhiên, quyết tâm này không dễ thực hiện khi công tác chuẩn bị chưa sẵn sàng.
Với những ai thích cà phê thì cà phê vợt luôn có sức hấp dẫn riêng. Không chỉ đơn thuần là một loại thức uống, mỗi ly cà phê vợt còn chứa đựng những câu chuyện và kỷ niệm khó quên của một thời đã qua.
Với tất cả tâm huyết và lòng nhân ái, suốt 2 năm qua, vợ chồng ông Mạch Phú Cường và bà Nguyễn Thị Kim Lan ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cần mẫn chuẩn bị những phần cơm chay ấm nóng, mang đến cho những bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh tại các bệnh viện ở TP. Cần Thơ...
Không chỉ mang trong mình những ký ức lãng mạn với lá me bay, mà những cây me trăm tuổi còn tồn tại ở Hà Nội, còn mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử - xã hội đáng nhớ, đáng ngẫm.
Nhằm có thêm nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững hơn theo định hướng của Đảng và Nhà Nước, TPHCM đang chuẩn bị lộ trình nhằm tạo ra được tín chỉ carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Dù đã có lệnh cấm, nhưng dịch vụ cho thuê ô tô điện, xe cân bằng và đặc biệt là xe drift, dòng xe biến tướng từ xe điện vẫn ngang nhiên hoạt động ở phố đi bộ Hồ Gươm.