Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Ấm áp cho người vô gia cư giữa mùa dịch

Phóng viên - 01/09/2021 | 6:24 (GTM + 7)

Kể từ khi đại dịch COVID-19 quay trở lại đến nay, TP.HCM xuất hiện nhiều hơn những người lang thang, cơ nhỡ không có việc làm, không có chỗ ở, không được chăm sóc y tế và chưa nhận được các chính sách an sinh xã hội.

Việc người lang thang, cơ nhỡ thường xuyên di chuyển, tá túc tại lề đường, vỉa hè khiến nguy cơ mắc và lây lan dịch bệnh COVID-19 rất cao. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Dịch bệnh, giãn cách xã hội khiến nhiều lao động nghèo mất việc, không có nơi cư ngụ

Những ngày TP.HCM thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của chính phủ, mọi người đều hạn chế ra đường để phòng chống dịch bệnh. Thế nhưng, nhiều người vô gia cư vẫn phải lang thang trên các tuyến phố, lấy vỉa hè, gầm cầu làm nhà, bất chấp bản thân có thể bị nhiễm dịch bệnh.

Chị Nguyễn Thị Bích Vân năm nay đã ngoài 40 tuổi, mưu sinh ở Sài Gòn hơn 20 năm với nghề lượm ve chai, dịch COVID19 kéo dài đã khiến công việc của chị không còn, chị đành phải trả phòng trọ ra sống ở lề đường. Ngồi lọt thỏm ở một góc phố, quệt dòng nước mắt chị chia sẻ:

“Ngủ thì tối coi chỗ nào trống thì nằm ngủ, còn ăn cơm thì bữa nào gặp được những người từ thiện thì họ cho cơm. Ai giúp cho chị ăn cơm rồi thôi chị đi à, chị chỉ mong kiếm ăn đỡ qua ngày thôi, cho nên ai giúp chị ăn đủ rồi chị đi. Bị như thế này đây chị rất là ngại, cảm thấy mình bất tài lắm.”

Chẳng khá khẩm hơn hoàn cảnh chị Bích Vân, ông Hứa Năm năm nay đã 62 tuổi, cái tuổi nhiều người đã nghĩ đến việc nghỉ ngơi thì ông vẫn chật vật mưu sinh bằng nghề đạp xích lô mỗi ngày. Dịch COVID-19 kéo dài đã khiến ông rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, không nhà cửa, không vợ con. Lúc này với ông yên xe là giường, tán cây là nhà, bất chấp dịch bệnh có thể đến với bản thân bất cứ lúc nào. Ông bùi ngùi:

“Dịch này đâu có làm được gì đâu mà làm, đâu có chạy xe chở đồ gì được đâu. Cũng ra ngoài đường rồi ở ngoài đường, ra ngoài đường kiếm cơm từ thiện ăn rồi nhiều khi được người ta cho chút đỉnh tiền thì mình xài. Chứ bây giờ mùa dịch ở nhà rồi tiền đâu mình xài, đã nghèo nữa”

Những người vô gia cư lang thang, thường xuyên di chuyển nên nguy cơ mắc và lây lan dịch bệnh COVID-19 rất cao

Giờ đây đối với những người lang thang cơ nhỡ họ không chỉ lo về bữa ăn hằng ngày mà họ còn thấp thỏm nỗi sợ đối với đại dịch COVID-19. Điều kiện sống không được đảm bảo, nay đây, mai đó nên nguy cơ nhiễm bệnh của họ rất cao.

Qua khảo sát thực tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị tất cả phường, xã ở TP.HCM phải tập trung toàn bộ người lang thang, cơ nhỡ để xét nghiệm, đưa đi cách ly nếu dương tính hoặc đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội.

Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã tiến hành thu dung người vô gia cư trên địa bàn, tiến hành lấy mẫu test nhanh COVID-19 trước khi nhận về. Qua đó đã phát hiện không ít những trường hợp dương tính với viruss Sars-Cov-2. Bà Đỗ Thị Trúc Mai – Phó chủ tịch UBND Quận 4 cho biết:

“Thời gian dịch bệnh thì rất nhiều bà con thuê nhà rồi không có điều kiện về nhà ở, chủ nhà lấy lại nhà thì họ phải ra đường. Khi anh em đi làm thì phát hiện nhiều trường hợp sống ngoài đường như vậy thì họ dương tính với COVID qua test nhanh. Việc bà con sống ở bên ngoài thì đời sống bà con không ổn, trong tình hình dịch bệnh bây giờ mà để cho bà con sống cơ nhở như vậy là không có được”

Theo ông Nguyễn Hoàng Xuân Vinh – Trưởng phòng Lao động thương binh & Xã hội Quận 4, TP.HCM, đến nay trên địa bàn quận đã tổ chức thu nhận khoảng 116 người lang thang, sinh sống nơi công cộng. Qua test nhanh đã có 8 trường hợp nhiễm COVID-19, những đối tượng dương tính sẽ được đưa vào khu điều trị cách ly nhằm tránh lây lan dịch bệnh sang các trường hợp khác:

“Đến thời điểm này mang về đây khoảng 116 người lang thang, sinh sống nơi công cộng sinh sống trên địa bàn. Đối với những trường hợp test nhanh covid 19 thì ban chỉ đạo phòng chống dịch sẽ tiến hành đưa đi các cơ sở thu dung trên địa bàn quận 4. Theo báo cáo của cơ quan y tế thì đến thời điểm này qua test nhanh thì đã có 8 trường hợp bị nhiễm thì sẽ xử lý là sẽ đưa vào các cơ sở thu dung để chữa bệnh này, tránh trường hợp lây lan qua các trường hợp khác.”

Bên cạnh việc test nhanh COVID-19, lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra nhanh đối với các chất ma túy đối với những người không có nơi cư trú rõ ràng để kịp thời xử lý.

Ông Nguyễn Hoàng Xuân Vinh chia sẻ thêm:

“Chúng tôi tiến hành test ma túy, nếu là người nghiện ma túy sống lang thang thì công an quận sẽ lập hồ sơ đưa lên trường thanh thiếu niên 2 ở Huyện Củ Chi. Nếu vừa nghiện ma túy vừa dương tính thì theo chỉ đạo của thành phố sẽ đưa lên trung tâm cai nghiện ma túy bình triệu để cai nghiện ma túy và chữa COVID luôn”.

Ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM cho biết, đến nay việc tiếp nhận người lang thang cơ nhỡ vẫn được thành phố thực hiện. Tính đến ngày 30 tháng 8 trung tâm hỗ trợ xã hội đã tiếp nhận 775 người trên địa bàn:


“Về việc tiếp nhận người lang thang cơ nhỡ thì ngày hôm nay (30.08) Thành phố đã tiếp nhận được 30 đối tượng là người lang thang cơ nhỡ. Như vậy lũy kế từ ngày 23.08 đến ngày 30.08 thành phố đã tập trung được 775 người lang thang.”

 Tổ chức test nhanh kiểm tra và tiêm phòng COVID-19 cho người vô gia cư. Ảnh: CAND

Lúc này đây, lực lượng chức năng TP.HCM vẫn đang tập trung đưa toàn bộ người lang thang cơ nhỡ vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Việc làm này không chỉ góp phần giải quyết bài toán nơi ăn, chốn ở cho họ mà còn góp phần làm giảm sự lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng khi những đối tượng lang thang sẽ được điều trị nếu bị nhiễm COVID-19 hoặc được tiêm vaccine phòng ngừa dịch bệnh.

Góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận "Ấm áp cho người vô gia cư giữa tâm dịch”

Những ngày qua, đại dịch COVID-19 tấn công toàn diện đến TP.HCM đẩy hàng triệu người vào cuộc sống khó khăn, nguy hiểm, trong đó nhất là người vô gia cư, người lang thang cơ nhỡ không nhà cửa. Thật xót xa khi chứng kiến cảnh nhiều đêm có gia đình cả người lớn trẻ con nằm ngủ dưới mái hiên, lề đường, co quắp trong những chiếc chăn mỏng tang.

Có người già lang thang  ngửa tay xin từng chút cơm, gói mì; có người bị dương tính với covid sốt hầm hập phải nhờ người đi đường dừng xe trợ giúp. 

Là một đô thị lớn, dân số lên tới hơn chục triệu người nên TP.HCM cũng không thiếu những mảnh đời bất hạnh, khó khăn, không nhà cửa, rày đây mai đó, sống qua ngày với đủ thứ công việc để mưu sinh như bán vé số, lượm ve chai, làm thuê làm mướn.

Cuộc sống thường ngày đã cơ cực  khó khăn, giờ covid lại giáng những đòn chí mạng vào nhiều người; trong đó có không ít người do hoàn cảnh mới là không thể quay lại chỗ trọ hay chưa kịp về quê vì phong tỏa nên đành chấp nhận sống lay lắt bên vỉa hè, nơi công cộng.

Hiểu rõ hoàn cảnh của họ, gần 3 tháng dịch covid vây ráp tứ bề, các nhà hảo tâm, các tình nguyện viên và chính quyền các cấp đã tổ chức các đợt quyên góp, ủng hộ từng phần quà, tấm chăn, suất ăn, viên thuốc; giúp họ sớm vượt qua sự khốc liệt của đại dịch. Đặc biệt với sự chỉ đạo của Chính phủ, các quận, huyện của thành phố mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đã tổ chức đưa người lang thang vào các khu tập trung như trường học, nơi làm việc, trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc.

Tránh cho họ cuộc sống vất vưởng, bệnh tật rình rập đồng thời cũng góp phần chặn đứng nguồn lây phát tán từ họ. Những người này đều được khám sàng lọc nếu dương tính với covid thì được đưa chữa trị; số còn lại được lo cái ăn, cái mặc hàng ngày, rời bỏ cuộc sống màn trời chiếu đất khi đêm về. Nhiều người đã được tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe.

Nhân viên y tế khám sàng lọc trước khi tiêm cho một người vô gia cư. Ảnh: Báo Lao động

Để đảm bảo cuộc sống cho họ cũng vô cùng gian nan, vất vả vì nhiều người có hoàn cảnh éo le, nhiều bệnh nền, tính khí thất thường. Dịch bệnh thì bủa vây khắp nơi, cản trở rất nhiều hoạt động chăm lo an sinh cho người nghèo và người vô gia cư. Tuy nhiên với tinh thần tất cả vì sức khỏe người dân, tinh thần nhân văn cao cả; các cấp, các ngành của thành phố đều nỗ lực để chăm lo cùng giúp họ vượt qua đại dịch.

Dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài và gây rất nhiều hệ lụy do phải giãn cách, số người khó khăn, mất công ăn việc làm, thất nghiệp ngày càng nhiều. Người lang thang cơ nhỡ, vô gia cư cũng sẽ tăng thêm nay mai.

Đây là áp lực rất lớn nên đô thị như TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác. Lúc này rất cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa của chính quyền các cấp để chăm lo cuộc sống cho họ. Đồng thời huy động sức đóng góp của các nhà hảo tâm trên tinh thần nhường cơm sẻ áo để giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt này vượt qua cơn thắt ngặt của đại dịch. Vừa thể hiện sự quan tâm chu đáo lại làm ấm lòng thêm với người vô gia cư giữa tâm dịch; thắm nghĩa đồng bào, tình đồng loại lúc khó khăn, hoạn nạn.

Tags:
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 15 – 21/4, mặc dù giá hàng hoá biến động rất mạnh nhưng các mức tăng, giảm trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ nhích nhẹ 0,05% so với tuần trước đó, lên mức 2.329 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng đỉnh trong 7 tháng qua.

// //