Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Những tour du lịch hấp dẫn phục vụ đại biểu tham dự Tuần lễ cấp cao APEC

Phóng viên - 07/11/2017 | 2:58 (GTM + 7)

VOVGT-Tuần lễ cấp cao APEC là cơ hội vàng để Việt Nam quảng bá thương hiệu du lịch với bạn bè thế giới, dự kiến có sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC.

Trung tâm phố cổ Hội An - Ảnh: Báo TNMT

Nghe chi tiết tại đây:

OnedayTour: Hấp dẫn các tour du lịch APEC ở Quảng Nam

Địa điểm hấp dẫn và được yêu thích nhất ở Quảng Nam là trung tâm phố cổ Hội An. Quần thể được hình thành từ sự kết hợp giữa lối kiến trúc, văn hóa của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản với những căn nhà cổ kính, mái ngói rêu phong, khu phố tĩnh mịch... sẽ là điểm nhấn giúp du khách quay ngược thời gian tìm về phố cổ đã hình thành từ hàng trăm năm trước cũng như sự tiếp biến đến ngày hôm nay.

Rời phố cổ Hội An, du khách có thể tham gia tour trải nghiệm làng lụa Hội An, tìm hiểu lịch sử nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa gắn với giai thoại về Bà Chúa tằm tang Đoàn Quý Phi.

Làng gốm Thanh Hà (Hội An, tỉnh Quảng Nam) - Ảnh: Báo TNMT

Bên cạnh đó, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng (Hội An) là bộ phận không thể tách rời trong kho tàng di sản văn hóa Quảng Nam. Đến đây, du khách có được những cái nhìn cụ thể hơn, hiểu rõ hơn về nét đẹp độc đáo trong các nghề truyền thống của người Việt Nam cổ xưa được giữ gìn đến ngày hôm nay và mai sau.

Công viên đất nung Thanh Hà được đánh giá là công viên gốm lớn nhất, đồng thời là bảo tàng gốm độc đáo nhất cả nước. Không gian công viên được cấu trúc gồm nhiều khu riêng biệt như: Khu lò gốm, khu Bảo tàng làng nghề, khu chợ đất nung... Nơi đây cũng được kỳ vọng sẽ giữ chân du khách không chỉ dịp APEC 2017 mà còn là sản phẩm du lịch bền vững mang đậm sắc thái của người dân xứ Quảng.

Thánh địa Mỹ Sơn, thánh địa của Vương quốc Chăm Pa cổ xưa (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) - Ảnh: Báo TNMT

Một địa danh nổi tiếng khác phải kể tới là Khu Thánh địa Mỹ Sơn của Vương quốc Chămpa cổ xưa với những đền tháp rêu phong, bí ẩn. Thánh địa được xây dựng từ thế kỉ 9 đến thế kỉ 15 của nền văn minh Chămpa. Đây là địa chỉ gây ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách về nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong cuộc sống đương đại của người dân xứ Quảng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ở sâu trong đất liền là những tour tìm hiểu về văn hóa và cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số sống tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tỉnh Quảng Nam đặc biệt chú trọng tới không gian du lịch văn hóa biển đảo với những tập quán và sinh hoạt văn hóa truyền thống của cư dân miền biển... Tuyến du lịch đường thủy nội địa Hội An - Cù Lao Chàm gắn với khu nghỉ dưỡng và các bãi biển, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm được xác định là những điểm đến trọng tâm trong dịp APEC 2017.

Theo kế hoạch của Sở VH-TT&DL Quảng Nam, có 4 chương trình tour gồm tour tham quan dành cho Bộ trưởng và Trưởng đoàn tại TP Hội An; Tour tham quan dành cho Thứ trưởng, Phó Thống đốc và đại biểu; Tour tham quan dành cho phu nhân và phu quân tại TP Hội An và huyện Duy Xuyên; và tour tham quan dành cho đại biểu dự hội nghị Bộ trưởng Tài chính và các hội nghị, hoạt động bên lề hội nghị Bộ trưởng Tài chính tại TP Hội An.

Đường vui của tôi: Ký ức về Đèo Ngang

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà, cỏ cây chen lá, đá chen hoa”. “Đèo Ngang gánh nặng hai vai / Một vai Hà Tĩnh, một vai Quảng Bình" - Không rõ câu thơ lục bát này có từ bao giờ nhưng khi lớn lên, tôi đã nghe rất nhiều người sống ở vùng đất quanh đèo Ngang ngâm nga và truyền cho nhau nghe

Làng biển quê tôi ở bờ nam sông Ròn, cách đèo Ngang hơn 10 cây số. Do vậy, từ thuở thiếu thời, tôi đã cùng bè bạn đặt chân tới con đèo này, khi thì để chặt cây khô về làm củi, khi thì xuống bãi biển Vĩnh Sơn (nay thuộc xã Quảng Đông, tỉnh Quảng Bình) dưới chân đèo mò cua, bắt ốc, bứt rau trang, rau nức...

Từ Hoành Sơn Quan nhìn xuống đèo Ngang - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Đến tuổi trưởng thành, ra Bắc vào Nam kiếm sống, chúng tôi càng có nhiều dịp qua lại trên quốc lộ 1A vắt qua dãy Hoành Sơn - một tên gọi khác của đèo Ngang - một dãy núi nổi tiếng trong lịch sử nước nhà.

Quốc lộ 1A lượn từ triền núi này sang ngọn đồi khác. Hai bên đường, trên sườn đèo “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” với đủ các loại cây rừng to, nhỏ khác nhau...

Thuở xưa, toàn bộ dãy Hoành Sơn là một cánh rừng, một thảm thực vật biếc xanh suốt bốn mùa. Đây cũng là nơi cư trú, là tổ ấm của nhiều loài động vật hoang dã như voi, hổ, tê giác, hươu, nai, gà lôi, công, trĩ...

Có dịp dừng chân trên đỉnh đèo Ngang phóng tầm mắt ra xa, chúng ta sẽ nhìn thấy Biển Đông xanh rờn trước mặt. Mũi Rồng, Vũng Chùa, Hòn Én, Hòn La và nhiều bãi đá lớn, rạn san hô ngầm... nhấp nhô theo từng con sóng vỗ bờ ngày đêm.

Thuyền câu, thuyền lưới bình yên buông neo đánh bắt cá tôm. Dưới chân đèo, mấy con suối, con sông nhỏ uốn khúc quanh co bên những ruộng lúa, nương khoai. Thấp thoáng sau hàng dừa, rặng phi lao là những mái ngói đỏ tươi, mái tranh sẫm màu của bà con làng chài, xóm núi.

Đèo Ngang với người xưa là vùng đất hiểm yếu và từng được mệnh danh là “phên giậu”, là “bức trường thành” phía Nam của nước Đại Việt. Vùng núi này một thời được người Việt và người Chăm chọn làm biên giới tự nhiên giữa hai nước.

Do vậy mà lũy Hoàn Vương ở cực bắc nước Chiêm Thành đã được dựng lên. Nơi đây cũng từng là địa điểm đóng đồn lũy của quan quân chúa Trịnh trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh hồi thế kỷ 17.

Ngày nay, có dịp viếng cảnh đèo Ngang, chúng ta sẽ thấy con đèo này còn lưu giữ khá nhiều dấu ấn lịch sử và di tích văn hóa của một thời đã qua.

Trên đỉnh đèo vẫn còn nguyên vẹn cửa quan lớn mang tên “Hoành Sơn quan”, một cửa quan rất đẹp được xây dựng dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840) cùng với những phần còn lại của hai bức tường thành cao chạy theo hai hướng: hướng vô Trường Sơn, hướng ra Biển Đông.

Ngoài ra, đây đó còn có một số đoạn thành đá và hầm đất vuông vức, bằng phẳng được người Quảng Bình gọi là “thành Ông Ninh”, “hầm Ông Ninh” theo tước hiệu của Ninh quận công Trịnh Toàn - võ tướng của chúa Trịnh.

Hai mái đèo phía bắc và phía nam đều có miếu, đền thờ Bà Chúa Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hằng năm, vào các dịp lễ tết, hàng ngàn người dân trong vùng lần lượt tụ hội về đây làm lễ tế cúng Bà, cầu xin phước lành cho con cháu.

Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới chân đèo Ngang mấy năm gần đây đã trở thành một nơi có sức thu hút lớn đối với hàng vạn người khắp ba miền Bắc - Trung - Nam nước ta.

Người người về đây chiêm bái lăng mộ Đại tướng sẽ có dịp ngắm cảnh đẹp Vũng Chùa - Hòn Én, đi xa một chút nữa sẽ tới cảng Hòn La, một hải cảng lớn, sâu và rất kín gió của vùng biển bắc miền Trung.

Đèo Ngang là một thắng cảnh, một di tích lịch sử - văn hóa giàu ý nghĩa không chỉ của một vùng quê, mà còn là của cả nước ta. Con đèo và miền đất này từng được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hồi thế kỷ 16 đánh giá là nơi “vạn đại dung thân”.

Con đường ghép đá vượt đèo qua “Hoành Sơn quan” thuở xưa và quốc lộ 1A sau này từng in đậm dấu chân của biết bao vĩ nhân từ Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Nhậm, Lê Quý Đôn... đến Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh...

Nhiều bài thơ hay vịnh cảnh đèo của giới thi sĩ xưa nay chắc chắn được lấy cảm hứng từ cảnh sắc sông núi, biển trời nơi đây. Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất và được truyền tụng nhiều nhất chính là bài “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Giao thông 'nóng' từ trước giờ cao điểm

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Giao thông "nóng" từ trước giờ cao điểm

Trưa và chiều 26/4, nhiều tuyến đường ở Hà Nội và TP.HCM đã "nóng" dần lên khi nhiều người dân bắt đầu rời khỏi thành phố để về quê, đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Muôn kiểu nghỉ lễ

Muôn kiểu nghỉ lễ

Không nghỉ lễ cũng không về quê với gia đình, những năm trở lại đây, nhiều người đã chọn cách đi làm xuyên các kỳ nghỉ lễ để tăng thêm thu nhập, tích lỹ kinh nghiệm hay đơn giản là được làm các công việc mình yêu thích.

TP.HCM: Nhiều nguy hiểm trên đường Nguyễn Văn Quỳ khiến người dân bất an

TP.HCM: Nhiều nguy hiểm trên đường Nguyễn Văn Quỳ khiến người dân bất an

Gần đây, người dân sống tại chung cư LuxGarden trên đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, quận 7 (TP.HCM) phản ánh ban đêm đoạn đường thiếu đèn chiếu sáng và có nhiều container đậu ngổn ngang. Thêm vào đó, khu vực này có rất nhiều chó thả rông tấn công người dân mỗi khi đi qua khiến không ít người té ngã.

Xử lý shipper “tung hoành” trên đường phố

Xử lý shipper “tung hoành” trên đường phố

Sở GTVT TP.HCM vừa đề nghị các đơn vị tăng cường xử lý shipper vi phạm giao thông. Người dân thủ đô cũng mong muốn tương tự trước tình trạng shipper thường xuyên chở, móc hàng hóa cồng kềnh; dừng đỗ, giao nhận hàng chiếm dụng lòng, lề đường...

Người lao động vất vả trong cái nắng đầu hè

Người lao động vất vả trong cái nắng đầu hè

Những ngày cuối tháng Tư, chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, thời tiết trở nên oi bức hơn, dù mới chỉ chớm đầu hè. Nền nhiệt ngoài trời dao động trong khoảng xấp xỉ 40 độ C, có thời điểm cao hơn, khiến sinh hoạt người dân vất vả hơn, dù trước đó vài ngày tiết trời cuối xuân vẫn còn mát dịu

Vi phạm nồng độ cồn giảm sâu, không vì thế mà chủ quan

Vi phạm nồng độ cồn giảm sâu, không vì thế mà chủ quan

Thời gian gần đây, nhiều chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn ghi nhận số trường hợp vi phạm đã giảm hẳn, thậm chí có chốt không phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự giảm này mới chỉ là tạm thời do lực lượng chức năng kiểm tra xử lý thường xuyên.

Nhà ở lưng chừng dốc

Nhà ở lưng chừng dốc

Ở Hà Nội có nhiều con ngõ dốc khá đặc biệt, nối lên các đường đê quai. Những con ngõ dốc vốn nhỏ bé và yên bình, khuất lấp dưới mặt đường đê được tôn cao nên lại càng khiêm tốn trong sự chú ý của mọi người.

// //