Xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô: Quan trọng nhất là mặt bằng
Theo TTXVN - 05/08/2022 | 16:48 (GTM + 7)
Lãnh đạo Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh xác định giải phóng mặt bằng là khâu mở đầu quan trọng nhất, phấn đấu tháng 6/2023 hoàn thành 70% công việc và bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng 12/2023.
Ngày 5/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Thường trực các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô để chuẩn bị tốt các nội dung, kế hoạch và phối hợp giữa các tỉnh trong việc triển khai dự án này.
Áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô là dự án quan trọng quốc gia và quá trình thực hiện cần triển khai nhiều thủ tục với nhiều cơ chế chính sách đặc biệt.
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 với quy mô tuyến đường dài 112,8km, sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng.
Dự án chuẩn bị đầu tư từ năm 2022 và cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.
Việc triển khai dự án được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt gồm: Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt dự án thành phần.
Trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đồng thời, trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.
Cùng đó, dự án được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập, bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh theo hình thức đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh theo hình thức đầu tư công và dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.
Đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội dài 58,2km đi qua 7 quận huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông. Thành phố Hà Nội được giao trách nhiệm triển khai 3 dự án thành phần, gồm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận thành phố Hà Nội; xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận Hà Nội và đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.
Để dự án thực hiện đúng tiến độ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất Thường trực Thành ủy cho phép Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội triển khai phương án đề nghị Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch và thực hiện kiểm toán dự án đầu tư song song với tiến độ triển khai xây dựng công trình; tổ chức phê duyệt và triển khai thực hiện ngay các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư.
Cùng với đó, sử dụng vốn từ Quỹ phát triển đất của địa phương (đối với Hà Nội là Quỹ Đầu tư phát triển thành phố) theo điều 111 của Luật Đất đai 2013 để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt song song với quá trình lập, trình phê duyệt dự án thành phần (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư).
Đồng thời, kiến nghị tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh xem xét, thống nhất nội dung dự thảo Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội; cử đầu mối cụ thể giúp việc ban chỉ đạo, làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.
Cơ quan được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội trong suốt quá trình triển khai dự án.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên giao Sở Giao thông Vận tải Hưng Yên và các cơ quan có liên quan phối hợp với Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội thống nhất hướng tuyến đường sắt vành đai quốc gia trong tổng thể chỉ giới đường đỏ tuyến đường xong trước ngày 30/8/2022 làm cơ sở thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải trước khi triển khai các bước tiếp theo.
Quan trọng nhất là “mặt bằng sạch”
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, lãnh đạo các sở, ban, ngành 3 địa phương đã phát biểu ý kiến thể hiện sự thống nhất cao với 5 đề xuất, kiến nghị của thành phố Hà Nội, khẳng định quyết tâm với ý chí cao nhất cùng đồng sức, đồng lòng thực hiện dự án vành đai 4-vùng Thủ đô; trong đó, xác định giải phóng mặt bằng là khâu mở đầu quan trọng nhất, phấn đấu tháng 6/2023 hoàn thành 70% công việc và bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng 12/2023.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 là công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng liên vùng, chưa có tiền lệ, đi qua 3 huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và thành phố Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, khi triển khai dự án khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng, tiếp đến là biến động giá cả nguyên vật liệu, nhân công…
“Khó khăn nhất vẫn là đền bù giải phóng mặt bằng. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh, tỉnh Bắc Ninh sẽ cùng các địa phương bàn bạc, tháo gỡ,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng nói.
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô đi qua 7 quận, huyện của thành phố Hà Nội gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông với khối lượng giải phóng mặt bằng lớn.
“Nếu có mặt bằng sạch bàn giao cho chủ đầu tư thì công trình thi công tối đa chỉ trong 36 tháng là hoàn thành. Mặt bằng bàn giao chậm vài tháng là ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Quan trọng nhất vẫn là mặt bằng,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, qua thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội nghị đã sơ bộ thống nhất được các nội dung để làm cơ sở phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.
Kế hoạch phối hợp triển khai dự án do thành phố Hà Nội xây dựng đã nhận được các ý kiến góp ý xác đáng, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh.
Để phối hợp triển khai trong thời gian tiếp theo được chặt chẽ, thống nhất, thay mặt lãnh đạo 3 địa phương, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tổng hợp 5 nhóm vấn đề đã được hội nghị nhất trí cao.
Theo đó, 3 địa phương thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo vùng triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội và có một kế hoạch cụ thể với phương châm rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ để các cơ quan chủ quản xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu và phối hợp chặt chẽ với nhau để triển khai một cách đồng bộ, nhịp nhàng.
Ban Chỉ đạo tiến hành trao đổi hằng tháng, giao ban hằng quý và họp đột xuất khi cần.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chủ động phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên tiếp thu, hoàn thiện để quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành kế hoạch phối hợp triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội; trong đó, lưu ý việc hoàn thiện kế hoạch phải được thực hiện đồng thời và thống nhất, phù hợp với nghị quyết của Chính phủ.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, việc đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 4-vùng Thủ đô là việc lớn, quan trọng, tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của 3 tỉnh, thành phố và các tỉnh trong Vùng Thủ đô. Vì vậy, lãnh đạo 3 tỉnh, thành phố quán triệt tinh thần và nhận thức, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Ngoài kế hoạch phối hợp chung của 3 tỉnh, thành phố, cần thiết phải có kế hoạch riêng của từng tỉnh, thành phố để phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị theo hướng rõ người, rõ việc, rõ tiến độ; kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Ban Chỉ đạo của 3 tỉnh, thành phố cần chỉ đạo sâu sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, dự án được chia thành các dự án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn các tỉnh, thành phố và một dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP.
Mặc dù hiện nay không có quy định về quy trình, thủ tục đối với dự án giải phóng mặt bằng, việc này sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn sau khi nghị quyết của Chính phủ được ban hành.
Tuy nhiên, từng địa phương nên chủ động nghiên cứu tìm hiểu và đề xuất các phương án; nhất là trong phương án xử lý di dời các nghĩa trang, việc giải phóng mặt bằng, di dời, chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan đến an ninh, quốc phòng, các khu vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng… trên cơ sở đó làm tốt tuyên truyền, vận động người dân; bảo đảm tránh những khiếu kiện phức tạp có thể xảy ra.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, tiến độ giải phóng mặt bằng với mục tiêu hoàn thành trước ngày 31/12/2023 là mốc thời gian rất quan trọng. Đây là dự án có tính chất bản lề, phải hoàn thành kịp tiến độ mới có thể khởi công dự án vào tháng 6/2024; đòi hỏi từng tỉnh, thành phố phải có quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô là dự án quan trọng quốc gia, quá trình thực hiện cần triển khai nhiều thủ tục với nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, thậm chí có những thủ tục chưa có trong quy định của pháp luật. Theo đó, thống nhất đề nghị cơ quan Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch và thực hiện kiểm toán dự án song song với tiến độ triển khai xây dựng công trình.
Đồng thời, giao Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là đầu mối chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để nghiên cứu đề xuất với Kiểm toán Nhà nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền hoặc phát sinh những vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương, 3 tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội làm đầu mối để tổng hợp, kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ./.
TP.HCM và các tỉnh phía Nam có mạng lưới sông, kênh rạch dày đặc. Do vậy, hạ tầng giao thông, đặc biệt là những cây cầu kết nối với các địa phương rất quan trọng trong việc lưu thông, giao thương hàng hóa, giúp phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân thoát cảnh qua sông phải lụy đò.
Chiều 02/10, Đài Tiếng nói Việt Nam ra mắt Chương trình chính luận đa loại hình, đa phương tiện “Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình”, nhằm góp phần khơi dậy hào khí dân tộc, khơi dậy khát vọng dựng xây đất nước mạnh giàu.
Là một đất nước có bờ biển dài, chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, và là điểm đến thường xuyên của những cơn bão, thì việc cảnh báo sớm đến người dân những tín hiệu mất an toàn là điều vô cùng cần thiết ở Việt Nam.
Chiều nay 02/10/2024, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức ra mắt chương trình: “Việt Nam - kỷ nguyên vươn mình”, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, số 58, Quán Sứ, Hà Nội.
Từ 01/10, Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. Vậy, người dân sẽ được hưởng lợi gì từ việc triển khai hệ thống thanh toán điện tử trong giao thông đường bộ?
Một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn khi trời tối chính là ánh sáng. Đặc biệt, nguồn ánh sáng nơi phố thị còn trở nên hấp dẫn hơn nhiều khi được phản chiếu và hội tụ trên mặt hồ lung linh.
Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh và trông giữ phương tiện trái phép là một trong các vấn đề nhức nhối trên địa bàn TP Hà Nội.