Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Xăng giả lộng hành: Cần bịt ngay các lỗ hổng

Phóng viên - 14/04/2021 | 5:49 (GTM + 7)

Xăng giả, xăng kém chất lượng, xăng lậu không chỉ phá hoại thị trường, gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính mà còn dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó việc minh bạch xuất xứ và siết chặt quản lý chất lượng xăng dầu ngày cà

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Công an Đồng Nai nhận tin tố giác tội phạm và lập chuyên án điều tra, phát hiện đường dây xăng giả quy mô lớn. Ảnh: Công an Đồng Nai.

Trong tháng 2 vừa qua, cơ quan Công an Tỉnh Đồng Nai vừa công bố triệt phá vụ án buôn lậu, pha chế xăng kém chất lượng, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ với quy mô lớn ở nhiều tỉnh thành phía Nam.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Quang -  Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, Trưởng ban chuyên án 920G: thủ đoạn của các đối tượng là thành lập rất nhiều công ty và mua ở tàu biển vận chuyển từ hải phận quốc tế vào nội địa Việt Nam.

Sau đó sử dụng dung môi, xăng phẩm cấp thấp, hóa chất pha chế thành xăng A95 đưa về các kho ở các tuyến sông nhiều tỉnh, thành; rồi cấp lên xe bồn chở đi tiêu thụ tại các cây xăng trong nhiều năm. Địa bàn hoạt động rất rộng từ Đồng Nai, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quang cho biết:

"Khi vận chuyển xăng lậu từ hải phận quốc tế đưa vào địa bàn Vĩnh Long. Sau đó từ địa bàn Vĩnh Long, xăng dầu lại bơm sang tàu nhỏ đưa về địa bàn Long An. Từ địa bàn Long An đưa lên các xe bồn để bán cho các đại lý xăng dầu, đến trực tiếp người tiêu dùng.

Đến bây giờ chúng tôi đã xác định các đối tượng đã vận chuyển, buôn lậu trên 200 triệu lít xăng dầu giả, kém chất lượng đưa vào tiêu thị trên địa bàn các tỉnh phía Nam; tác động đến kinh tế, gây thất thoát tiền thuế của nhà nước hàng nghìn tỉ đồng và ảnh hưởng đến môi trường cũng như các phương tiện đã sử dụng các loại xăng dầu kém chất lượng này".

Lực lượng chức năng khống chế các tàu chở xăng giả
Lực lượng chức năng khống chế các tàu chở xăng giả. Ảnh: Sài Gòn giải phóng

Đây không phải lần đầu một vụ án lớn, tinh vi về làm “giả”, pha chế xăng kém chất lượng được triệt phá. Trước đó, năm 2019, đường dây buôn lậu, sản xuất xăng “giả” quy mô lớn của Công ty TNHH Mỹ Hưng ở Sóc Trăng do Trịnh Sướng cầm đầu cũng đã bị lực lượng chức năng xử lý. Việc này đã gây nhiều bất bình trong xã hội.

Nhiều người là nạn nhân đổ nhầm xăng kém chất lượng tại các cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu vừa bị xử lý vô cùng bức xúc.

"Xăng giả thì sẽ gây ra cháy. Nếu mà điện chập thì cũng không đến nỗi gây ra cháy mà có xăng dầu rỉ ra thì cháy lớn. Chắc là do xăng giả làm hư hỏng đường ống".

"Thấy anh em nói cây xăng đó pha nhiều chì quá. Nói chung thì cây xăng giả ở khu vực gần mình cũng có hai cây nhưng bị đóng cửa rồi".

"Người ta pha thêm dầu vào xăng nữa cho nên chạy nhiều khi xả khói. Sợ nhiều khi dùng hóa chất để thay đổi chất liệu của xăng. Thì hóa chất đó vào sẽ làm rò rỉ đường dẫn, tắt đường dẫn, nhất là xe máy đang chạy tắt máy đột ngột khiến té ngã".

"Xăng kém chất lượng mình cũng sợ nhưng biết làm sao bây giờ. Có cung có cầu mà, bây giờ không có xăng thì làm sao mình chạy. Giờ giả thì làm sao mình biết được, chỉ có những chuyên gia, thợ thì người ta mới biết được thôi".

Với thủ đoạn tinh vi của các đối tượng pha chế xăng, nếu chỉ bằng mắt thường rất khó để nhận biết xăng “thật”, xăng “giả”; vì màu sắc, độ sánh là tương đồng.

Chưa kể, trong quá trình đổ xăng vào phương tiện hoàn toàn khuất mắt chủ xe nên càng không thể biết được xăng đổ vào có đúng chất lượng hay không. Tuy nhiên, nếu đổ nhầm xăng kém chất lượng thì vấn đề rất nguy hiểm khi sử dụng.

Phó giáo sư Tiến Sĩ Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Hiệp hội Kỹ sư ô tô TPHCM cho biết:

"Pha xăng với các chất, xăng thơm... khi mình đổ vào thì việc đầu tiên là các rôn cao su bị nở ra và sẽ xảy ra tình trạng rỏ rỉ xăng. Khi xăng rò rỉ chỉ cần một tia lửa điện là bốc cháy. Thứ hai là tác động đến kết cấu làm tuổi thọ của động cơ động cơ hư rất là nhanh. Hiện nay 100% các ô tô, thậm chí xe gắn máy thì người ta sử dụng bộ lọc khí thải; trong đó, có nhiều chất platin, palladium... để những chất độc từ động cơ sẽ tác động với nhau để sinh ra các chất không độc nhằm bảo vệ môi trường. Khi  sử dụng các chất phụ gia, khí thải sẽ mang chất phụ gia sinh ra chất độc từ động cơ và thải ra môi trường".

Rõ ràng, có không ít trường hợp mua phải xăng dầu “giả”, kém chất lượng gây hỏng hóc thiết bị, động cơ phương tiện, giảm tuổi thọ phương tiện; thậm chí gây nguy cơ cháy nổ rất xe rất cao. Thực tế, nhiều trường ô tô, xe máy đang lưu thông trên đường, bỗng dưng bốc cháy vẫn xảy ra; dư luận hết sức hoang mang mà nguyên nhân không loại trừ do xăng kém chất lượng.

Hiện tượng xăng kém chất lượng vẫn còn tồn tại cho thấy, một phần nguyên nhân do buông lỏng quản lý, chồng chéo đùn đẩy, thiếu cơ chế, chế tài xử phạt các đối tượng vi phạm. Ðồng thời, có thể nói một số cán bộ cố tình "bảo kê" cho các vi phạm lộng hành, kiếm lời bất chính.

Trước thực trạng đó, mới đây, Bộ Công thương đã tiến hành thanh, kiểm tra 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và dự kiến sẽ rút giấy phép đối với 4 - 5 doanh nghiệp vi phạm. Cùng với đó, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan cũng cần phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện các đầu mối, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước; qua đó kiên quyết xử lý, tiếp tục thu hồi giấy phép của những doanh nghiệp vi phạm các quy định về kinh doanh xăng dầu.

Công an đang niêm phong khoang chừa xăng dầu tại điểm phá an trên sông Hậu - Ảnh: Công an cung cấp
Công an đang niêm phong khoang chừa xăng dầu tại điểm phá an trên sông Hậu - Ảnh: Công an cung cấp

Vấn đề xăng “giả”, xăng kém chất lượng, xăng lậu không chỉ phá hoại thị trường, gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính mà còn dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông do phương tiện hỏng động cơ. Do đó việc minh bạch xuất xứ và siết chặt quản lý chất lượng xăng dầu ngày càng trở nên cấp thiết.

Đây cũng là góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: “Xăng giả lộng hành:Cần bịt ngay các lỗ hổng”.

Những ngày qua, khi vụ án buôn lậu xăng dầu do Trịnh Sướng ở Sóc Trăng cầm đầu được đưa ra xét xử,  dư luận rất bất bình khi nạn xăng giả, xăng lậu đã lộng hành từ nhiều năm qua nhưng giờ mới được phát hiện và xử lý rốt ráo.

Cùng lúc đó, chuyên án triệt phá đường dây làm giả và buôn lậu gần 2,7 triệu lít xăng dầu ở Đồng Nai đang được phanh phui ở nhiều tỉnh, thành cho thấy, các kẽ hở và góc khuất của mặt hàng kinh doanh thiết yếu này đang bị các đối tượng lợi dụng khai thác để làm giàu.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng phải kể đến là công tác quản lý Nhà nước ở một số nơi có phần lỏng lẻo.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 40 thương nhân, doanh nghiệp đầu mối được cấp phép xuất nhập xăng dầu. Dưới các đầu mối này là hệ thống hàng chục cây xăng lớn nhỏ đang hoạt động cả bán buôn và bán lẻ. Trong khi cùng kinh doanh mặt hàng này ở nhiều nước phát triển tại châu Á, con số này chưa vượt quá 10.

Theo Tổng Cục Quản lý thị trường hiện nay, trung bình mỗi ngày có 1,5 vụ vi phạm gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu. Riêng tới đây sau khi kiểm tra, Bộ Công thương cho biết sẽ tước giấy phép của 4-5 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối vì vi phạm các điều kiện kinh doanh.

Cũng qua các vụ án xăng giả, xăng lậu được phanh phui thời gian cho thấy, hoạt động của các gian thương rất tinh vi, khó kiểm soát. Lợi dụng các tàu nước ngoài, chở xăng dầu đậu ở hải phận quốc tế, các đối tượng cho tàu áp sát mua xăng, dầu với giá rẻ.

Sau đó chuyển qua lại lòng vòng đến các cửa hàng bán lẻ trực thuộc khắp nơi để tiêu thụ. Do mặt hàng xăng dầu chịu thuế, phí môi trường và tiêu thụ từ 50-60% nên chỉ cần trốn tránh được nghĩa vụ này cũng đã là “ siêu lợi nhuận”.

Đó là chưa kể mua các hóa chất không tốn quá nhiều tiền nhưng khi pha trộn làm xăng giả nếu mua bán trót lọt cũng cho những món lợi rất lớn.

Vì vậy, một số doanh nghiệp đã bất chấp luật pháp để làm ăn phi pháp. Hình thành hệ thống các cây xăng bán lẻ từ vùng đô thị đến nông thôn để qua mặt lực lượng chức năng; tiêu thụ mỗi ngày hàng ngàn lít xăng dầu lậu, xăng giả đến người tiêu dùng. Trong khi lực lượng chức năng ở nhiều nơi lại lúng túng khi xử lý.

Ngành quản lý thị trường, công an chỉ có thể kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ và khối lượng, trữ lượng của xăng dầu; trong khi xác định xăng dầu giả hay kém chất lượng lại thuộc ngành khoa học công nghệ.

Riêng vấn đề đấu tranh sang chiết xăng dầu lậu trên biển lại do Bộ đội Biên phòng đảm nhiệm chủ yếu. Sự phối hợp liên ngành này chỉ cần lỏng lẻo sẽ là những kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, trục lợi.

Về phía người tiêu dùng khi mua bán cũng chỉ quan tâm đến số lượng, giá cả; ít người đủ khả năng và thời gian để ý đến chất lượng xăng dầu hay lấy hóa đơn chứng từ để làm chứng. Chỉ đến khi công an vào cuộc, bắt một số chủ kinh doanh cửa hàng xăng dầu do vi phạm pháp luật mới hay bấy lâu nay rất có thể mình mua phải xăng lậu, xăng giả.

Thực trạng xăng dầu giả,xăng dầu lậu  đang để lại hậu quả rất xấu đến nền kinh tế và đe dọa trực tiếp đến an ninh an toàn cho người sử dụng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, hải quan, công an, biên phòng, khoa học công nghệ cần phối hợp chặt chẽ để liên tục kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn. Xử lý cương quyết, mạnh tay để trấn áp.

Sửa đổi các quy chế quy định cũng như ứng dụng các thiết bị theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động mua bán xăng dầu để không tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng.

Chính quyền các địa phương siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh mặt hàng có điều kiện này. Người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi sử dụng, tiêu thụ; phát hiện có hiện tượng gian lận cần báo ngay cho ngành chức năng.

Như vậy những lỗ hổng trong quản lý hoạt động kinh doanh mua bán xăng dầu đã được nhận diện. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương phải kịp thời chấn chỉnh, bịt ngay các kẽ hở bằng các biện pháp mạnh. 

Nếu không, nạn xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng lại tiếp tục có cơ hội lộng hành, khó dẹp bỏ./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người chết từ những vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế ngủ gật. Nguyên nhân do thiếu ngủ chiếm tới 30% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Không khó để bắt gặp đủ các hàng quán bán đồ ăn sáng ở Hà Nội ngày nay. Lật giở về quá khứ, thói quen ăn sáng của người Hà Nội phải chăng là lê la quán xá hay đã biến thiên theo thời gian?

Truy đuổi trên đường

Truy đuổi trên đường

Việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều ý kiến đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc xây dựng chính phủ số.

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Tại các khu – cụm công nghiệp, việc triển khai các mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC” như những cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để cùng chung sức đẩy lùi “bà hỏa”.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

// //